Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nghi ngại khả năng giải quyết nợ xấu của VAMC

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghi ngại khả năng giải quyết nợ xấu của VAMC

Đá Bàn

(TBKTSG Online) - Dự thảo nghị định thành lập và tổ chức Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) chưa được Chính phủ thông qua tại phiên họp Chính phủ hôm 29-3 là do “còn nhiều ý kiến nghi ngại về khả năng giải quyết nợ xấu của VAMC”, theo một quan chức của Bộ Tư pháp.

Theo yêu cầu của Chính phủ, đầu tháng 4-2013, Bộ Tư pháp đã lấy ý kiến các đơn vị liên quan về dự thảo nghị định thành lập và tổ chức Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), nhằm có những kiến nghị về mặt pháp lý.

Theo dự thảo, VAMC được thành lập và có cơ chế hoạt động đặc thù theo quy định của Chính phủ để xử lý nợ xấu, tạo điều kiện mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, cải thiện thanh khoản và đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng.

Nguyên tắc để thành lập VAMC được khẳng định là không mang tiền Nhà nước ra để giải quyết hậu quả từ hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Tuy nhiên, theo Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ tư pháp, vấn đề là VAMC mới dừng lại ở việc xử lý nợ giữa các TCTD với nhau, trong khi mối quan tâm hiện nay là xử lý nợ xấu giữa doanh nghiệp và TCTD vì nợ xấu và hàng tồn kho tập trung ở doanh nghiệp.

Hơn nữa, dự thảo nghị định cũng chưa nêu rõ được cơ chế xử lý giữa việc mua, bán, tỷ lệ phân chia sau khi xử lý nợ giữa VAMC và TCTD; chưa nêu rõ việc các TCTD phải bắt buộc “bán nợ” cho VAMC hay được thỏa thuận; thiếu tính khả thi về cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm, còn mâu thuẫn với một số quy định của Bộ luật Dân sự…

Mặc dù dự thảo đã thể hiện rõ nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình xử lý nợ xấu, song với việc dự thảo quy định nhiều biện pháp hành chính được áp dụng đã gây ra những lo ngại về “lợi ích nhóm” khi VAMC thực hiện xử lý nợ xấu, theo một quan chức của Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp.

Vị cán bộ nói trên cho cho rằng, bản chất của việc thành lập VAMC là kéo dài phân kỳ xử lý nợ của các TCTD, phân bổ rủi ro theo thời gian và lành mạnh hóa nguồn vốn nên “ai gây ra tình trạng nợ xấu thì phải chịu trách nhiệm chính”, tức TCTD vẫn phải xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, VAMC được thành lập để tập trung vào các khoản nợ xấu của TCTD nên cần xem xét, nghiên cứu để đưa ra cơ chế cho các TCTD nhận thấy lợi ích khi tự nguyện tham gia quy trình xử lý nợ của mình với tinh thần TCTD phải tự lo giải quyết các khoản nợ của mình, VAMC chỉ hỗ trợ.

Vì vậy, theo Bộ Tư pháp, dự thảo nghị định cần được một hội đồng liên ngành thẩm định. Đặc biệt, cần xem xét kỹ các quy định về quyền hạn của VAMC, vì đây là một công ty do Nhà nước thành lập, là một doanh nghiệp được hoạt động theo cơ chế đặc thù, nhưng không thể có quyền hành như một cơ quan hành chính, xác định rõ cơ chế xử lý nợ xấu của công ty để phân biệt với các công ty quản lý tài sản thuộc các TCTD….

Được biết, hiện Việt Nam chưa có công ty chuyên mua bán nợ xấu nên nợ xấu của các TCTD đều do các

công ty nước ngoài mua với tỷ lệ thường rất thấp (30%).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới