Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ từ chiến lược phát triển ngành da giày

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghĩ từ chiến lược phát triển ngành da giày

Diệp Thành Kiệt (*)

Sản xuất giày xuất khẩu ở Công ty Biti’s. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Cuối tháng 11-2010, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 6209/QD9-BCT phê duyệt chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Tuy nhiên, bên cạnh những phấn chấn ban đầu, nhiều doanh nghiệp không khỏi băn khoăn về việc triển khai chiến lược nói trên trong thực tế.

Theo chiến lược được Bộ Công Thương phê duyệt, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam sẽ đạt 9,1 tỉ đô la Mỹ vào 2015 và 14,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 – so với năm 2010 dự kiến đạt trên 5 tỉ đô la. Tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 60-65% vào năm 2015 và 75-80% vào năm 2020. Như vậy, chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành nước có năng lực sản xuất ngành da giày đứng hàng thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ) và duy trì vị trí nước có sản lượng xuất khẩu đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

Sự ra đời của chiến lược nói trên cũng cho thấy Chính phủ đã quan tâm nhiều đến sự phát triển của một ngành mà trong thời gian qua thường hay bị xem như “ngành có giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động, gia công thuần túy…”. Là người có điều kiện tham gia góp ý cho chiến lược, tôi xin có vài chia sẻ.

Nguồn vốn cho sự phát triển

Tổng nguồn vốn đầu tư theo Quyết định 6209 là 59.570 tỉ đồng, trong đó huy động trong nước chiếm khoảng 43% và đầu tư nước ngoài là 57% (tương ứng gần 1,8 tỉ đô la Mỹ theo quyết định). Nếu chia đều cho 10 năm, mỗi năm phải huy động đến trên 2.500 tỉ đồng và 180 triệu đô la Mỹ, con số này cao hơn nhiều so với hiện trạng thu hút vốn của ngành trong thời gian qua.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải làm gì để ngành giày thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư trong những năm tới? Đó là chưa nói đến việc để phát triển ngành da giày, chúng ta vẫn còn lệ thuộc khá nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài. Đây là điều không những các nhà quản lý vĩ mô mà chính những nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành cần phải tiếp tục suy gẫm. Liệu chúng ta có hãnh diện về một ngành giày hùng mạnh mà trong đó giá trị nội địa thực sự chỉ chiếm dưới 50%?

Nhân lực

Để đạt được kim ngạch xuất khẩu như hiện nay, ngành da giày Việt Nam đã phải huy động một lực lượng gồm khoảng 650.000 lao động trực tiếp và gần 30% lao động gián tiếp trong các lĩnh vực cung ứng vật tư, dịch vụ… Như vậy, để kim ngạch xuất khẩu tăng lên gần 3 lần, với giả định là năng suất sẽ tăng 20%, giá trị gia tăng tăng thêm 30%, thì toàn ngành cần thu hút thêm gần 600.000 lao động. Điều này có vẻ như mâu thuẫn với tình hình hiện tại, khi doanh nghiệp nào cũng than bị thiếu lao động.

Các doanh nghiệp sẽ phải có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng lao động, tự động hóa sản xuất, nhưng rõ ràng nguồn nhân lực sẽ luôn là bài toán nan giải khi nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam cũng đang cần một lượng lao động không nhỏ.

Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng

Đây cũng là một thách thức lớn cho ngành khi mà hiện nay các thị trường chính như EU và Mỹ đều chưa có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau cơn khủng hoảng vừa qua. Điều này sẽ khiến cho sức mua sụt giảm và những sản phẩm rẻ tiền sẽ luôn chiếm ưu thế làm ảnh hưởng mạnh đến định hướng chuyển dịch sang nhóm sản phẩm trung và cao của ngành giày Việt Nam trong giai đoạn này.

Cạnh tranh của Trung Quốc

Không cần phân tích, mọi người đều thấy rõ sức mạnh của ngành da giày Trung Quốc với số lượng sản xuất hàng năm trên 10 tỉ đôi giày dép các loại, gấp 5 lần quốc gia đứng thứ hai là Ấn Độ, và gấp 15 lần so với Việt Nam. Không những thế, Trung Quốc còn có thế chủ động gần 100% các loại nguyên liệu thông thường và đang tham gia tích cực vào lĩnh vực sản xuất thiết bị, kể cả thiết bị tự động hóa. Từ đó, sản phẩm da giày tại Trung Quốc luôn có lợi thế cạnh tranh rất lớn, không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả với thế giới.

Là nước có cùng biên giới với Trung Quốc, các chiến thuật linh hoạt trong quan hệ kinh doanh để một mặt hóa giải được sự cạnh tranh trực diện, mặt khác tận dụng lợi thế kinh tế vùng, đặc biệt khi mà các hiệp định thương mại khu vực với Trung Quốc có hiệu lực, là điều mà các nhà chiến lược cũng như từng doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý.

Rào cản thương mại và kỹ thuật

Dù đã tính đến trong quá trình xây dựng chiến lược, tuy nhiên, các rào cản vẫn thật sự khó lường và thay đổi liên tục cả về nội dung lẫn hình thức, đe dọa sự phát triển của ngành. Việc áp thuế chống bán phá giá và bỏ ưu đãi thuế quan từ EU là một minh chứng cho những diễn biến phức tạp này; đặc biệt khi mà các mối quan hệ kinh tế và chính trị giờ đây đã lồng ghép vào nhau một cách hết sức mật thiết và tinh vi.

Một ngành kinh tế, một quốc gia có thể bị sút giảm hoặc thậm chí mất hẳn một thị trường đôi khi không phải do doanh nghiệp trong nước sản xuất kém mà do quan hệ chính trị không thuận lợi. Ngược lại, quan hệ chính trị dù thuận lợi đến đâu thì các nhà nhập khẩu cũng sẽ không bao giờ dám nhập vào đất nước họ những sản phẩm không đạt các yêu cầu chất lượng và kỹ thuật.

Câu chuyện về chất Cloramphenicol hoặc gần đây là Trifluralin liên quan đến ngành thủy sản Việt Nam; rồi các quy định REACH của châu Âu, CPSIA của Mỹ về sản phẩm tiêu dùng đã cho thấy thế giới ngày càng kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm tiêu dùng. Do đó, để phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, bên cạnh những giải pháp đã đề ra trong chiến lược, cộng đồng doanh nghiệp và Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cũng phải có những nỗ lực.

Cụ thể, cần cập nhật thường xuyên thông tin từ các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là những quyết sách có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành; góp sức tạo nên những đột phá cả trong suy nghĩ và cách làm, đặc biệt trong công tác thiết kế sản phẩm, tự động hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao chất lượng lao động; đoàn kết chung sức vì mục tiêu chung và điều này phải có sức lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong quá khứ, không ít lần khi phải đối mặt với những khó khăn lớn, các doanh nghiệp da giày đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của hiệp hội để tạo nên sự đột phá giúp cả ngành duy trì sự phát triển. Các câu chuyện từ việc thiếu đơn hàng khi khối Varsava gặp khó khăn hoặc gần đây, khi EU áp thuế chống bán phá giá và bỏ ưu đãi thuế quan nhưng ngành da giày vẫn tìm được lối ra là những minh chứng thực tế. Trong giai đoạn sắp tới, vai trò của Lefaso cần được nâng cao để trở thành hạt nhân chính của quá trình triển khai chiến lược. Nhiều công việc, nhiều thách thức cũng như nhiều cơ hội đang ở phía trước, ngành giày sẽ phải khởi động ngay từ những ngày đầu năm mới 2011!

________________

(*) Phó chủ tịch Lefaso

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới