Thứ Bảy, 30/09/2023, 06:00
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Nghĩ từ đường sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghĩ từ đường sách

Nguyễn Vĩnh Nguyên

minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Vài năm gần đây, thời gian từ nghỉ Tết kéo dài đến các dịp ngày Tình nhân (14-2), ngày Phụ nữ Việt Nam (8-3) được xem là cơ hội kinh doanh sách khá tốt.

Nhiều người dân đô thị thích chọn khoảng thời gian tĩnh lặng và thư nhàn này để đến nhà sách chọn sách về đọc, gửi sách cho người thân ở nước ngoài, lấy sách quà tặng đầu năm. Nhiều Việt kiều về thăm quê hương cũng dành thời gian để đến nhà sách lựa chọn những tác phẩm tiếng Việt ưng ý… Đó không chỉ là tín hiệu vui cho giới kinh doanh sách mà còn cho những ai ưu tư về những chuyển biến trong đời sống dân trí và nhận thức cộng đồng.

Tết xưa, trong xã hội mà đa số người dân làm nông nghiệp, cái chữ vốn được dân ta tôn trọng như một giá trị nền tảng của phát triển gia đình, cộng đồng, thậm chí, còn đóng góp vào đời sống tâm linh. Những ngày cuối năm, người người đi xin chữ về treo trong nhà như những gửi gắm, cầu chúc một năm mới như ý.

Tết nay, người người hẹn nhau ra phố, đến nhà sách chọn mua những đầu sách hay để đọc cũng là một cách đón chữ về nhà, một cách tự bồi dưỡng tri thức, chăm chút cho đời sống tinh thần của mình, tạm quên những ngày tháng lo toan mưu sinh khốc liệt. Rồi tình yêu sách có thể sẽ nhờ đó mà lan tỏa, người ta sẽ dành thì giờ cho sách nhiều hơn, sự trân trọng chữ nghĩa, tri thức sẽ được hun đúc, những giá trị tiến bộ trong cộng đồng sẽ nhờ đó mà thăng tiến.

Trong một năm qua, bên cạnh những hội chợ sách có tính kích cầu còn có các buổi hội thảo, cuộc vận động quy mô lớn về văn hóa đọc có thể kể đến như: cuộc vận động Tết đọc sách của diễn đàn sachhay.com, hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam” do Vụ Thư viện thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với sachhay.com tổ chức như một bước chuẩn bị cho việc xây dựng đề án chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng… Nhưng, cũng như hầu hết các cuộc tranh luận cùng chủ đề trước đây, các diễn giả đến với những cuộc vận động, hội thảo này thường cung cấp một bức tranh có gam màu xám về văn hóa đọc.

Trong khi đó, chìa khóa cơ bản vẫn chưa được tìm thấy. Bởi lẽ chuyện đánh trống bỏ dùi hay chỉ dừng lại ở việc kết hợp tuyên truyền với thở than trong những dự án thế này vẫn thường thấy lâu nay.Trong khi đó, văn hóa đọc là thứ kết tinh, hệ quả của những giá trị giáo dục, văn hóa, khung cảnh xã hội; là quá trình – nhu cầu vận động tự nhiên, tích cực trong tâm thức cộng đồng. Người dân ý thức tìm đến sách với một nhu cầu nội sinh, tự thân, không toan tính hay theo phong trào tác động nào cả. Đến khi nào mỗi người dân tự tìm đến sách như cơm ăn, áo mặc, như khí thở thì lúc đó văn hóa đọc sẽ phát triển bền vững và sẽ không có một cuộc vận động hay tuyên truyền bề nổi nào có thể thay thế được.

Người ăn Tết ở Sài Gòn năm nay đón nhận một tinh thần mới – đường sách lần đầu tiên xuất hiện bên cạnh đường hoa từ 28 đến mùng 4 Tết. Tuy quy mô còn khiêm tốn và nhuốm màu tuyên truyền kiểu cũ, thậm chí cổ xúy cho những thứ ngoài văn hóa đọc, song, vẻ đẹp rực rỡ của hoa, sự đằm sâu bề ngoài mà sách vở mang lại cũng đã làm cho quang cảnh mùa xuân phố phường Sài Gòn thêm phong vị lạ. Thiết nghĩ, ngoài giá trị kinh doanh, đường sách nếu được tổ chức tốt sẽ tạo ra một không gian văn hóa sâu lắng giữa quang cảnh phố phường những ngày xuân, vơi bớt đi cảm giác vội vàng chen chúc quanh năm.

Và hoạt động đường sách cũng đã gợi nhắc một nhu cầu xưa nay của đông đảo người dân là được hiểu biết, là tri thức – cái làm nên nội lực phát triển bền vững nhất của một đô thị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới