Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ từ “Những dấu hỏi phai”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghĩ từ “Những dấu hỏi phai”

“Những dấu hỏi phai” – Nguyễn Ngọc Tư (TBKTSG số 34 ra ngày 14-8-2008)

(TBKTSG) – Ký tự dấu hỏi mang hình vành tai người. Tai sinh ra để nghe, nhưng ở người, nó mang bản chất người phân biệt với loài vật ở chỗ, từ “nghe” buộc phải đi tới câu trả lời.

Dấu hỏi được đặt ở cuối mỗi câu hỏi, chính là nhằm khẳng định sự phân biệt đó, đòi hỏi nhất thiết phải có câu trả lời.

Nhờ câu hỏi từ thời cổ đại, tại sao mặt trời, trăng, sao, cứ mọc lặn, sinh ra đêm, ngày, năm, tháng, nhân loại mới tìm được câu trả lời quả đất xoay nghiêng xung quanh nó và quanh mặt trời.

Thế còn mặt trời? Tự câu trả lời đẻ ra câu hỏi, kích hoạt cộng hưởng lẫn nhau đưa đến nguồn gốc thiên hà, lỗ đen, vụ nổ lớn, tạo nên kiến thức thiên văn, vũ trụ đồ sộ ngày nay.

Sẽ không có khoa học nếu không có câu hỏi; giải thích vì sao các học thuyết, phạm trù, định luật luôn bị xem lại; đến ánh sáng con người sống trong đó, tới nay vẫn bị hoài nghi chưa hẳn đã là tốc độ giới hạn; hoạt động khoa học, công trình nghiên cứu, luận án tiến sĩ nhất thiết phải phản biện, nếu không chúng chỉ là thứ sao chép.

Nhờ câu hỏi về hiệu quả đối với bất kỳ phương tiện sản xuất nào được tạo ra, mà loài người tiến từ cối xay gió tới máy hơi nước, động cơ đốt trong, phản lực, và nay là máy vi tính, tự động.

Không có câu hỏi về quyền bình đẳng, tự do cho mỗi người, chắc hẳn lịch sử nhân loại hiện vẫn đang bằng lòng với chế độ nô lệ, thôn tính thuộc địa, không thể tiến tới thế giới hội nhập, kinh tế thị trường, xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền hiện đại.

Cũng vậy, những thành tựu đổi mới ngày nay sẽ không thể đến với nước ta, nếu đêm trước đổi mới không đặt ra những câu hỏi quyết định số phận nền kinh tế bao cấp, cơ chế hành chính xin cho, vốn trước đó được coi là nguyên lý bất di bất dịch.

Đến văn hóa nghệ thuật, thơ văn, báo chí, hội họa, ca múa nhạc…, bùng nổ nhiều trường phái, mốt hiện nay, cũng không ngoài quy luật bắt nguồn từ những câu hỏi và câu trả lời nối tiếp nhau về chúng.

Ngay cả riêng tư như tình yêu cũng không thể nảy sinh đích thực, nếu chủ thể của nó không một lần tự hỏi con tim!

Vậy là, “câu hỏi” không thuần túy chỉ thuộc tính riêng của loài người, mà quyết định chính vận mệnh từng cá thể lẫn xã hội loài người. Người đọc hiểu ý nghĩa sống còn đó, ắt phải trăn trở day dứt cùng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, qua tác phẩm Những dấu hỏi phai, trước thực tế: “Lớn lên, con bé bắt đầu từ bỏ khả năng thiên phú của mình, khả năng hỏi(*). Trong khi “hồi nhỏ… nó hỏi bất tận…”, từ chuyện trên trời nước đâu rơi xuống, đến dưới sông sao cá lại không chết ngộp, đường tới đâu thì hết…, hứa hẹn một tương lai rộng mở mà chắc chắn nó muốn vươn tới với mọi khao khát. Câu hỏi căn nguyên thực tế trên được tác giả trả lời bằng chính cuộc sống thường nhật, diễn ra quanh ta – “Người ta ai cũng vậy thôi, cũng lớn lên, cũng thôi ngây thơ hồn nhiên, cũng biết nhiều, cũng nín… hỏi… vì đã ngấm ngầm biết, hoặc… không… được… trả lời, hoặc… trả lời xa xa sự thật, hoặc… sự thật… không được nói ra…” (*) – nhưng mang đầy đủ ý nghĩa triết học về phạm trù “lợi ích” trong câu chuyện cổ tích “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” vốn quen thuộc với các em học phổ thông: Hoàng đế không vận quần áo, nhưng chỉ vì lời phán ai không làm tròn bổn phận hoặc không trung thành với nhà vua thì không thể nhìn thấy bộ quần áo của Hoàng đế – và như vậy sẽ đắc tội, nên tất cả quan dân đang nghi hoặc đều sẵn sàng “từ bỏ khả năng thiên phú” hỏi, bất cần sự thật, tung hô ngợi ca nhà vua có bộ quần áo mới đẹp. Chỉ trẻ con chưa bị ràng buộc bởi bất cứ lợi ích nào mới dám trả lời thực, nhà vua cởi truồng!

Té ra “câu hỏi” mà loài người được “thiên phú”, rốt cuộc cũng chỉ là phương tiện, sử dụng hay không lại xuất phát từ lợi ích của chính từng cá nhân, tổng hợp lại quyết định sự phồn vinh thăng trầm của xã hội. “Chị bán vải ngoài chợ không lên tiếng hỏi, con bé kỹ sư nín thinh, cậu Ba nuôi cá dưới quê chỉ chặc lưỡi cho qua… Một cộng đồng cúc cung nín lặng(*). Điều gì sẽ đến với cộng đồng đó?

Câu kết tác phẩm hàm chứa nỗi lòng và tâm huyết của tác giả muốn gửi gắm tới người đọc: “Trẻ con ơi, trước khi khôn lớn giùm ơn chia sẻ ban tặng tụi người lớn chúng tôi sự khao khát… hỏi(*).

Thế giới “người” này, ai chẳng mong mỏi con em mình không thua kém bè bạn chúng khắp năm châu! Nhưng sao ngay đến người lớn chúng ta dạy dỗ chúng, vẫn cứ “viết trang đời mình bằng vài dấu hỏi ít ỏi, chỉ dấu chấm, dấu phẩy, chấm than và nhiều lắm những cái chấm lửng thẩn thơ trên giấy” ? (*)  

TS. NGUYỄN SĨ PHƯƠNG – CHLB Đức

(*) Trích Những dấu hỏi phai – Nguyễn Ngọc Tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới