Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ từ vụ chìm đò

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghĩ từ vụ chìm đò

(TBKTSG) – Ngày 3-2-2009, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm về quản lý, tự nhận hình thức kỷ luật vì đã để xảy ra vụ tai nạn đắm đò chở khách thảm khốc trên sông Gianh ngày 30 Tết vừa qua.

Thủ tướng cũng giao Chủ tịch tỉnh Quảng Bình chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nghiêm minh đối với Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch và Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, nơi xảy ra vụ tai nạn. Ngày 5-2-2009 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ký quyết định yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch tự nhận hình thức kỷ luật và tạm thời đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND xã Quảng Hải.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao phải chờ đến người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo thì bộ máy thực thi công lý mới được khởi động đối với các quan chức ấy?

Đành rằng Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố hai người chủ đò là các ông Nguyễn Xuân Quý và Nguyễn Xuân Mậu, song trong tai nạn này không chỉ có hai cá nhân trực tiếp gây ra tổn thất nhân mạng nghiêm trọng.

Nguyên nhân gián tiếp, nhưng gần gũi, chính là sự chậm trễ trong việc hoàn tất dự án cầu Quảng Hải.

Cây cầu này đã được khởi công xây dựng từ năm 2003, nhưng vì lý do “địa chất phức tạp” nên phải tạm dừng thi công. Ấy vậy mà ngay sau khi tai nạn xảy ra, Bộ Giao thông Vận tải đã nhanh nhẩu yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình khẩn trương hoàn thành dự án ngay trong quí 2 năm nay, cứ như thể vấn đề “địa chất phức tạp” không còn nữa vì đã đương nhiên được giải quyết!

Cách đây vài năm ở Hàn Quốc một cây cầu bỗng dưng sụp đổ làm thiệt mạng một người. Vài giờ sau đó Bộ trưởng Bộ Giao thông Hàn Quốc đệ đơn từ chức, không chờ Thủ tướng đề nghị hay yêu cầu “kiểm điểm trách nhiệm”. Ở Việt Nam, phải chăng người ta lo khắc phục hậu quả trước rồi mới tính đến chuyện đệ đơn từ chức chăng? Dù muộn, song chắc chắn người dân cả nước đang trông chờ một hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm tương tự của các nhà quản lý ở xứ ta.

Thời xưa các bậc minh quân được dân tôn trọng, thậm chí tôn sùng, không đơn thuần vì ngôi cao chức trọng hay chiến công hiển hách trong thời gian trị vì, mà đa phần vì “họ thương dân như con đẻ, lo trước cái lo của bá tánh, vui sau cái vui của thiên hạ”. Sự tu dưỡng đức hạnh của nhà trị quốc, hay còn gọi là đạo quân vương, là điều mà các minh quân thường làm vì họ hiểu rằng lòng dân chính là mệnh trời.

Thời nay, đạo quân vương tuy không còn, nhưng những nhà trị quốc, nhà quản lý, dù ở cấp độ nào, vẫn cần trau dồi đức hạnh để bảo đảm sự công bình chính trực trong công việc điều hành quốc gia. “Quân vương” ngày nay chịu sự ràng buộc của “khế ước xã hội” mà họ đã mặc nhiên kết lập khi dấn thân vào chốn quan trường.

Thời nay, đạo quân vương tuy không còn, nhưng những nhà trị quốc, nhà quản lý, dù ở cấp độ nào, vẫn cần trau dồi đức hạnh để bảo đảm sự công bình chính trực trong công việc điều hành quốc gia. “Quân vương” ngày nay chịu sự ràng buộc của “khế ước xã hội” mà họ đã mặc nhiên kết lập khi dấn thân vào chốn quan trường, theo đó quyền lực đặt dưới sự chế ước của luật pháp và chỉ được hành xử vì lợi ích chung của xã hội.

Điều căn bản trong đạo trị quốc dù ở thể chế nào là áp dụng những quy tắc ấn định cách ứng xử chung cho toàn xã hội, gọi là luật pháp, có mục đích bảo đảm công lý một cách công bằng nhằm duy trì trật tự xã hội. Bộ máy thực thi công lý luôn luôn được khởi động một cách tự động bất kể đối tượng của nó là dân hay quan.

Trong vụ chìm đò sông Gianh, bộ máy ấy mới khởi động phần “dân” bằng thủ tục khởi tố hình sự mà Công an tỉnh Quảng Bình tiến hành đối với hai người chủ đò, còn phần “quan” thì dường như… chưa kịp khởi động. Sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng là cần thiết, nhưng biện pháp dự liệu dành cho các “quan” có vẻ chỉ giới hạn trong phạm vi xử lý “vi phạm hành chính”, vốn vẫn áp dụng đối với những hành vi gây thiệt hại cho xã hội ở mức độ không đáng kể, xét cả về hậu quả lẫn ý định vi phạm.

Hãy tạm gác qua khía cạnh pháp lý thuần túy của các tai nạn xảy ra nơi công cộng mà trong đó nguyên nhân gần gũi nhất là do hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật kém hoàn chỉnh và khả năng quản lý kém cỏi của nhà chức trách (dù người dân vẫn phải nộp thuế và các loại lệ phí khác nhau cho Nhà nước), để thử suy ngẫm về lương tâm tối thiểu của các nhà quản lý.

Dù luật pháp có thể vì lý do nào đó không hiện hữu chăng nữa, thì đạo lý và lẽ công bằng cũng không cho phép người ta im lặng chờ bị xử lý kỷ luật như thế. Người dân tự hỏi liệu họ có còn biết ngượng hay không? Ở các nước, không cần xa xôi lắm đâu, quan chức đương quyền mà biết ngượng thì không chỉ đơn giản khắc phục hậu quả cho người bị nạn và trả lại sự bình yên cho xã hội, vì đó là chuyện đương nhiên của lương tâm, mà họ còn phải trả lại cả chức tước vì lẽ công bằng và ý thức trách nhiệm nữa kia!

Luật sư LÊ CÔNG ĐỊNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới