Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ từ vùng “đất vàng” Long Hậu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghĩ từ vùng “đất vàng” Long Hậu

Song Cần

Đất bảy xã thuộc “vùng hạ” của huyện Cần Giuộc chính là “đất vàng” để phát triển đô thị, công nghiệp. Ảnh: cửa sông Soài Rạp, bên kia sông là khu công nghiệp Hiệp Phước. Ảnh: TL.

(TBKTSG) – Đọc phóng sự “Long Hậu: khi một mét vuông đất nông nghiệp rẻ hơn một tô phở” (TBKTSG, 18-6-2009) của tác giả Quang Chung, tôi không khỏi chạnh lòng với vùng đất ngập mặn cạnh cửa biển Soài Rạp mà mình đã sinh ra và lớn lên.

Qua các phương tiện truyền thông và thỉnh thoảng về thăm quê, tôi nhận thấy lãnh đạo các cấp của tỉnh Long An đã làm được nhiều việc để cải thiện đời sống nhân dân. Với sự phát triển đô thị và công nghiệp ở thị xã Tân An, các huyện Bến Lức, Đức Hòa…, Long An tiến khá nhanh.

Thế nhưng, phải chăng vì quá nôn nóng lập thành tích thi đua mà gần đây Long An mang nhiều tai tiếng – nhất là vụ quy hoạch 13 sân golf và mới đây là trường hợp thu hồi đất của nông dân ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc?

Theo bài viết nói trên, người dân Long Hậu “cứ tưởng chính sách đền bù của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (trước đây) bất lợi cho dân, nhưng bây giờ chính sách đền bù của Công ty TNHH Dịch vụ – Du lịch – Thương mại Thái Sơn còn tệ hơn”.

Ví dụ trường hợp bà Chín Xược, sau khi bị Công ty Tân Thuận (trước đây) giải tỏa 300 mét vuông đất thổ cư và 8.000 mét vuông đất ruộng, bà còn lại 4.000 mét vuông đất, người ta trả 100 triệu đồng/1.000 mét vuông nhưng bà không chịu bán. Bây giờ, đất của bà lại nằm trong khu quy hoạch của Công ty Thái Sơn. Thái Sơn trả cho bà 35 triệu đồng/1.000 mét vuông. Nếu đồng ý, bà nhận được 140 triệu đồng nhưng phải trả lại cho Công ty Thái Sơn 120 triệu đồng để mua 200 mét vuông đất tái định cư.

Nỗi đau của bà Chín cũng là nỗi đau chung của những người có đất nằm trong khu quy hoạch của Công ty Thái Sơn. Thế nhưng, điều trái khoáy là chính quyền tỉnh Long An và huyện Cần Giuộc đang nỗ lực giúp cho Thái Sơn thu hồi đất của người dân.

Giải thích việc làm này, ông Mai Văn Nhiều, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, cho đó là thể hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh để thu hút đầu tư. Nhưng thử hỏi, để thu hút nhà đầu tư, chẳng lẽ chính quyền không có cách làm nào tốt hơn, hợp lòng dân và không vi phạm quy định của pháp luật hay sao? Vì suy cho cùng, chính quyền thu hút nhà đầu tư cũng là để phát triển kinh tế, qua đó giúp đời sống người dân trở nên tốt hơn.

Nằm cách trung tâm TPHCM chỉ vài ba chục cây số, cách khu đô thị cảng Hiệp Phước chỉ một cây cầu và đặc biệt là khi Chính phủ đã cho nạo vét, khai thông và mở luồng tàu biển trên cửa sông Soài Rạp, vùng đất bảy xã thuộc “vùng hạ” của huyện Cần Giuộc chính là “đất vàng” để phát triển đô thị, công nghiệp.

Tỉnh Long An đang có trong tay mỏ vàng, vấn đề là cần phải biết cách khai thác, đừng nóng vội hay bệnh thành tích mà để người nông dân vốn đã nghèo càng trở nên lam lũ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới