Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ về khủng hoảng tài chính toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghĩ về khủng hoảng tài chính toàn cầu

Thế giới phẳng chẳng là gì nếu thiếu... tiền! Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) - Thế giới phẳng chẳng là gì nếu thiếu…tiền! Tiền luôn mang giá trị chung. Tiền luôn làm cho người ta ghét nhau, xa nhau và cũng làm cho người ta gần lại. Tiền là phương tiện “san ủi” những khoảng cách và bất đồng.

Câu chuyện mà tôi trích dưới đây cho thấy ngày càng nhiều nghịch lý xuất hiện giữa một bên là lý thuyết và bên kia là thực tế:

Đó là tình cảnh của anh K., một nhà báo Campuchia. Theo đúng lộ trình anh sẽ bay từ Tel Aviv về Bangkok bằng hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng anh bị kẹt và phải ăn nằm ở sân bay Tel Aviv vì hàng không Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện được chuyến bay về bất cứ sân bay nào của Thái Lan trong mấy ngày qua.

Hãng đề nghị sẽ chuyển anh qua đường bay Tel Aviv - Singapore. Trong trường hợp này anh phải tự mua vé máy bay từ Singapore về Phnôm Pênh.

Trong lần cuối cùng điện thoại cho tôi từ sân bay Tel Aviv, K. cho biết anh chỉ đem theo ít tiền để “cầm cự” ở sân bay được 24 tiếng, và không biết là nếu về Singapore sẽ lấy tiền đâu ra để mua vé. Anh cũng nghĩ đến phương án nhờ người thân ở Phnôm Pênh mua vé cho mình, nhưng anh không biết phải liên lạc bằng cách nào vì không có tiền để gọi điện thoại. Anh nhờ tôi gọi về nhắn đứa con trai liên lạc với anh qua con đường duy nhất là e-mail (nếu anh còn đủ tiền sử dụng dịch vụ Internet).

Không biết cuối cùng câu chuyện của anh kết thúc thế nào, cho đến giờ tôi vẫn chưa liên lạc được".

(Minh Hùng. Bay qua vùng Thiện-Ác.Thesaigontimes.vn 6-12-2008)

Trong 10 “máy ủi” phẳng thế giới trong cuốn “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman không có cái máy “tiền” hay tài chính nói chung. Tuy vậy, tiền vẫn là những giá trị được trừu tượng hóa cao nhất trong lịch sử văn minh nhân loại.

Cho đến nay, mặc dù vẫn còn những loại tiền chưa chuyển đổi được như tiền đồng của chúng ta, tiền vẫn được dùng thay cho những giá trị khác giữa các quốc gia.

Kiểm soát tiền: Ưu tiên số 1 của Việt Nam

Nếu cả năm 2008 đã ra đi và năm 2009 vừa đến (tính từ thời điểm viết bài báo này), thì chính sách kinh tế vĩ mô số 1 của Việt Nam là kiềm chế lạm phát. Hiện nay các biện pháp dường như tỏ ra hiệu quả. Câu hỏi đặt ra từ tháng trước rằng: liệu kinh tế đang suy thoái chăng? Chính phủ không trả lời nhưng có đưa ra gói giải cứu.

Dù sao chúng ta nên nhìn lạm phát là một hiện tượng tiền tệ để đủ bình tĩnh xử lý các tình huống khủng hoảng -chưa bao giờ khó dự báo như hiện nay. Thật ra tại các nước mà chính phủ không cổ vũ ưu tiên cho khu vực tư nhân và thị trường tự do bấy lâu nay như Trung Quốc, hay Việt Nam chúng ta thì những gói giải cứu từ ngân sách nhà nước không có nhiều ý nghĩa như tại các thị trường tự do hóa cao độ như Mỹ và châu Âu.

Đầu tư công nhiều tỉ đồng mà chúng ta cắt bớt vào giữa năm nay như một trong những hành động cụ thể nhằm góp phần giảm lạm phát là gì, nếu không phải là “gói giải cứu thường xuyên”?

Bị ảnh hưởng

Năm 2009 nền kinh tế của chúng ta không thể tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông Richard Wong, Tổng giám đốc Golf Song Be – một nhà đầu tư hơn 10 năm ở Việt Nam, nói với người viết bài này: "Năm 2009 tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu mới thật sự gõ cửa Việt Nam. Năm 2008 nó còn đứng ngoài cửa”.

Tuy vậy, nếu phân tích kỹ nguyên nhân dẫn đến suy thoái hiện nay của Mỹ chúng ta sẽ thấy đó không phải là nguyên cơ tiềm ẩn với kinh tế Việt Nam. “Đó là may mắn của chúng ta,” một kế toán trưởng công ty nói với tôi. Tầm nhìn của một kế toán trưởng chắc phải nói như thế, và đúng là như thế. Vì sao? Vì dù sao chúng ta vẫn chưa hoàn toàn là nền kinh tế thị trường.

Hiện nay một số nhà kinh tế lý thuyết đang nghiên cứu các “ưu điểm” của những nền kinh tế tư bản nhà nước như Trung Quốc (không phải Việt Nam - dù kinh tế Việt Nam và Trung Quốc tương đồng về mô hình - do các yếu tố tham khảo của chúng ta quá nhỏ).

Do vậy, đừng lo "trời sập" trong năm 2009. Cái đáng lo là trong quá trình đổi mới và mở cửa hội nhập của kinh tế Việt Nam xuất hiện nguy cơ trì trệ vì tâm trạng quá lo âu do bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, mà quên đi mục tiêu cải tổ hệ thống.

Siết chặt hay thả lỏng

Hiện nay dàn hợp xướng bao gồm những nhà làm luật, chính trị gia, và học giả đang mỗi ngày mỗi cao giọng cho rằng nền tài chính tự do nên hạ màn càng sớm càng tốt.

Thăm dò của tạp chí nhà kinh tế (The Economist) tháng 12-2008 về ý kiến nên hay không siết chặt tài chính, sau cuộc khủng hoảng lần này, đưa ra kết quả: 41% cho rằng nên siết chặt và 59% nói không.

 

Ý kiến

Nới lỏng

Siết chặt

Tỷ lệ

59%

41%

Đại diện

Myron S. Scholes, nobel 1997

Joseph Stiglitz, nobel 2001

 

(Nguồn: The Economist)  

Như vậy đa số nghiêng về tiếp tục nới lỏng thị trường tài chính với một số bổ sung “quy định nhẹ nhàng” kích thích hệ thống tài chính phục vụ tốt hơn các nền kinh tế trên thế giới.

GS.Myron S. Scholes : “Siết chặt là chết. Thả lỏng đi”.

Đại diện cho khuynh hướng này là nhà kinh tế Myron Scholes - giải thưởng Nobel kinh tế năm 1997. Myron tin rằng chỉ cần quy định tăng vốn bắt buộc ở các ngân hàng sẽ giúp hệ thống ngân hàng tránh nguy cơ sụp đổ vì mất cân đối.

Mất cân bằng hay “độ lồi tiêu cực” (negative convexity) tài chính sẽ gia tăng khi các công ty bị áp lực đầu tư để tạo ra nhiều lợi nhuận cho cổ đông, giống như khi bạn đang lái xe với tốc độ bình thường, bạn sẽ căng thẳng hơn khi tăng tốc.

Các nhà quản lý sẽ mất thăng bằng khi ngày càng gia tăng tốc độ lợi nhuận trên đồng vốn. Không cần bỏ cát vào hộp số để làm giảm tốc độ những sáng kiến và sản phẩm mới. Đồng tiền vốn vẫn là giải pháp và nó chính là hình thức “quy định nhẹ nhàng”. Cũng như những tài xế, các nhà điều hành hệ thống tài chính chỉ cần giảm tốc và đặt tốc độ lợi nhuận trong kiểm soát là tất cả sẽ an toàn.

Trong khi đó thiểu số đáng kể vẫn cho rằng cần phải tái thiết chế những luật lệ chặt chẽ hơn nhằm quản lý tốt hệ thống tài chính thường có rủi ro cao. Bởi vì hệ thống tài chính hiện nay quá lỏng lẻo, nếu không được tái quy định, sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tương tự. Đại diện cho lập luận này là Joseph Stiglitz (giải thưởng Nobel kinh tế năm 2001).

Stiglitz cho rằng vấn đề tài chính không chỉ là của các người trưc tiếp hoạt động tài chính mà là vấn đề của toàn xã hội. Rõ ràng khi Wall Street sụp đổ thì chính phủ lấy tiền dân đóng thuế để cứu trợ, vì vậy cần phải có những đạo luật cho vấn đề này - những đạo luật chặt chẽ hơn.

Quan điểm của ông gần gũi với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, vì vậy, ông đã từng được mời đến Việt Nam… Joseph Stiglitz, được giải Nobel 2001 nhờ góp phần phát triển lý thuyết “thông tin không đối xứng”, theo đó, các thị trường chỉ có hiệu quả trong những trường hợp ngọai lệ. Ông nổi tiếng là người chỉ trích IMF về quan điểm thị trường tự do, thậm chí khi còn giữ vị trí là trưởng nhóm kinh tế gia của Ngân hàng Thế Giới.

GS Joseph E. Stiglitz: "Siết chặt vì lòng tham luôn có đáy mới”.

Cuối năm nay,các chính phủ phương Tây đã “quốc hữu hóa” một phần các ngân hàng như một sự can thiệp nhà nước lớn nhất từ đệ nhị thế chiến đến nay vào thị trường tự do. Làn sóng tự do hóa thị trường vào thập niên 70 - tiêu biểu là “chủ nghĩa Thatcher” - đã tạo ra tăng trưởng kinh tế vượt bậc, nhưng cũng đẩy thế giới tới bờ vực của khủng hoảng tài chính, như chúng ta đang trải qua hiên nay.

Stiglitz nói: “Trong bất cứ trường hợp nào khủng hoảng tài chính không chỉ ảnh hưởng những người cho vay và con nợ mà còn cả những người “qua đường vô tội”. Những người lao động mất việc khi khủng hoảng tài chính xảy ra dẫn đến suy thoái kinh tế".

Hệ thống tài chính, đặc biêt là pháp luật, mà Việt Nam chúng ta có hiện nay chưa “phục vụ” tốt sự phát triển kinh tế đất nước - hay nói đúng hơn - nó không đủ sức nữa. Chính hệ thống tài chính phải chịu trách nhiệm về phân bổ nguồn vốn và quản lý rủi ro. Thật ra, hiện nay rủi ro của chúng ta chưa xảy ra, vì chúng ta “bỏ tiền vào kho, khóa lại”, chứ không phải quản lý rủi ro khi đưa tiền vào lưu thông để phát triển kinh tế, làm giàu cho cá nhân và xã hội.

Cho nên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này mới chỉ “giúp” chúng ta - Việt Nam - đứng trước thách đố: hội nhập mạnh nữa để thật sự trở thành một nền kinh tế thị trường được công nhận hay quay lại nền “kinh tế ao làng” với sự an toàn giống cái “ao thu lạnh lẽo nước trong veo” của nhà thơ Nguyễn Khuyến trước đây?

TRẦN NGỌC CHÂU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới