Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghị viện châu Âu nhất trí cấm xe chạy xăng và diesel vào năm 2035

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm 8-6, với kết quả 339 phiếu thuận, 249 phiếu chống, Nghị viện châu Âu đã nhất trí lệnh cấm bán xe hơi và xe van vận hành bằng động cơ đốt trong (sử dụng xăng hoặc diesel) vào năm 2035. Kết quả cuộc bỏ phiếu là một bước tiến mới của khu vực này trong nỗ lực thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bằng cách khuyến khích sự phổ cập xe điện.

Xe hơi va xe van chạy bằng xăng và dầu diesel có thể bị cấm bán ở 27 nước thành viên Liên minh châu Âu vào năm 2035. Ảnh: transportenvironment.org

Lệnh cấm trên sẽ áp dụng cho xe mới bán ở 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và điều này có nghĩa là các hãng xe phải trong khu vực phải cắt giảm 100% phát thải CO2 vào giữa thập niên sau. Các nỗ lực của một số nghị sĩ nhằm làm yếu mục tiêu này này xuống mức cắt giảm 90% phát thải CO2 vào năm 2035 đã bị bác bỏ.

Đề xuất của đảng Nhân dân châu Âu, đảng lớn nhất ở Nghị viện châu Âu, về việc miễn trừ lệnh cấm trên đối với xe hybrid (xe lai điện có thể vận hành bằng động cơ điện lẫn động cơ đốt trong) cũng bị bác bỏ.

Ngoài ra, Nghị viện châu Âu thông qua quy định yêu cầu các hãng xe cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 ở xe hơi vào năm 2030 so với năm 2021. Con số này cao hơn so cam kết cắt giảm 37,5 % khí thải CO2 của ngành công nghiệp ô tô châu Âu vào cuối thập niên này.

Các tổ chức bảo vệ môi trường đã ca ngợi các quyết định của Nghị viện châu Âu. Vận chuyển và Môi trường, một liên minh của các tổ chức phi chính phủ thúc đẩy giao thông bền vững ở châu Âu, cho biết kết quả bỏ phiếu trên mang lại “cơ hội chiến đấu để ngăn chặn biến đổi khí hậu đang diễn ra”.

Alex Keynes, Giám đốc phụ trách bộ phận xe sạch của liên minh này, cho rằng lệnh cấm trên giúp ngành công nghiệp ô tô chắc chắn về chính sách để đẩy mạnh sản xuất các mẫu xe điện, giúp giá bán của chúng giảm xuống.

Nghị sĩ Jan Huitema, nhà đàm phán dẫn đầu ở Nghị viện châu Âu về chính sách hạn chế phát thải CO2 trong ngành công nghiệp ô tô,  nhận định: “Việc mua và lái những chiếc xe không phát thải sẽ trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng”.

Nhưng VDA, tổ chức vận động hành lang cho ngành công nghiệp ô tô của Đức, chỉ trích cuộc bỏ phiếu và nói rằng Nghị viện châu Âu đã không xem xét đến tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc xe điện ở châu Âu.

VDA cũng phê phán cuộc bỏ phiếu là “một quyết định chống lại đổi mới và công nghệ”, ám chỉ đến việc các nhà lập pháp châu Âu bác bỏ yêu cầu từ ngành công nghiệp ô tô cho phép xe chạy bằng liệu liệu tổng hợp (làm từ CO2 thu giữ từ khí quyển và hydrogen được sản xuất từ các nguồn tái tạo), được miễn trừ khỏi lệnh cấm bán xe động cơ đốt trong.

Chính phủ của các nước thành viên EU sẽ cần phải đưa ra quyết định của họ đối với lệnh cấm trên trong vài tuần hoặc vài tháng tới trước khi một thỏa thuận cuối cùng được thông qua.

Nếu được các nước thành viên EU phê chuẩn, thời hạn cấm bán xe hơi chạy xăng và diesel trong vào năm 2035 sẽ đặc biệt khó khăn đối với các nhà sản xuất ô tô Đức, vốn có ưu thế về các loại xe mạnh mẽ và đắt tiền chạy bằng động cơ đốt trong, đồng thời tụt hậu so với các đối thủ nước ngoài trong lĩnh vực xe điện.

Mục tiêu giảm phát thải CO2 của ngành công nghiệp ô tô vào năm 2030 và lệnh cấm đối với động cơ đốt trong năm 2035 đã được Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, đề xuất vào năm ngoái. Ô tô chiếm khoảng 12% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở châu Âu, được xem là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu với các đợt nắng nóng, bão và lũ lụt ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, ô tô điện và xe plug-in hybrid (xe chạy động cơ đột trong lẫn động cơ điện sử dụng pin có thể sạc từ ổ cắm điện bên ngoài) chiếm 18% tổng số xe hơi mới được bán tại EU trong năm 2021, mặc dù doanh số bán ô tô tổng thể giảm trong năm ngoái do tình trạng thiếu linh kiện bán dẫn.

Anh, nước đã rời EU vào cuối năm 2020, cũng đang đề xuất mục tiêu cấm bán xe hơi và xe van chạy xăng và dầu diesel vào năm 2030.

Theo Euro News, AFP

1 BÌNH LUẬN

  1. Thích sang xanh sạch thì cứ bỏ tiền ra, chứ đừng nói nhà mình xanh lại đi tống thải qua các nước nghèo, họ chế biến xử lý pin toàn mang qua nước nghèo, rồi áp đặt tiêu chuẩn này nọ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới