Thứ Ba, 12/12/2023, 05:48
32 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Nghĩa tình giáo khoa thư 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghĩa tình giáo khoa thư 

(TBKTSG Online) – Mấy hôm nay, qua báo chí, dư luận râm ran bức xúc về việc sách giáo khoa sắp tăng giá. Mà không bức xúc sao được khi điều đó đè nặng trên vai phụ huynh học sinh, những người mà việc lo bữa cơm hằng ngày giờ đã trở thành nỗi nhọc nhằn.

Lại nghĩ, mấy năm gần đây từ việc chỉnh sửa, in ấn sách giáo khoa nhằm phục vụ cho chương trình cải cách liên tục đã “ngốn” không biết bao nhiêu tiền tỉ – mồ hôi của nhân dân – mà thấy chạnh lòng.

Mỗi năm, cứ đến mùa khai giảng, bước chân vào cửa hàng sách vẫn thấy ngồn ngộn sách giáo khoa mới tinh, thơm phức mùi mực chất trên giá, mắt nhìn những bậc cha mẹ học sinh tấp nập vào mua sách cho con với những vẻ mặt khác nhau, người hớn hở với đầy mơ ước, kẻ ưu tư sờ nắn túi tiền eo hẹp của mình… Mỗi người mỗi cảnh, làm sao khác được!

Nghĩ lại mình, đã mấy năm rồi rời xa bảng đen, phấn trắng, sao lòng vẫn chông chênh, day dứt. Có phải cuộc sống đã khấm khá đến độ ngành giáo dục mỗi ngày lại “chơi sang” đến thế sao?

Nhớ lại những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, tất cả học sinh đều được mượn sách giáo khoa từ thư viện của trường. Sách do Bộ Giáo dục cấp xuống không thật đầy đủ nên các học trò của tôi chia nhau ra, đứa mượn được sách môn này, đứa mượn sách môn khác. Khi học, bọn chúng phải học theo tổ hoặc theo nhóm để có đủ sách; cực một chút mà vui, không có sự phân biệt đứa giàu, đứa nghèo. Chưa kể đến việc thầy cô lại dễ giáo dục tinh thần tương thân tương ái cho học trò mình.

Đến những ngày cuối năm học. Thôi thì vất vả, bề bộn làm sao! Bởi khi mượn ký nhận bao nhiêu thì phải trả đủ bấy nhiêu. Ai làm mất sách phải đền tiền để bổ sung sách cho lớp đàn em. Có những quyển sách giáo khoa chuyền từ năm này qua năm khác, đến tay mình thì đã nhàu nát. Vậy mà đám học trò vẫn nâng niu, bao bìa, dán lại những chỗ rách để trả lại trường, cùng cực quá mới phải bỏ.

Vậy nên mỗi cuốn sách mới trao tay là một niềm vui vô kể với lớp học trò tôi ngày ấy. Giờ nghĩ lại, lòng lại rưng rưng nhớ tiếc. Có lẽ chính những gian khó một thời ấy đã giữ cho tôi một lớp học trò ngoan hiền, hiếu học với đầy ắp “nghĩa tình giáo khoa thư”.

Ôi, những quyển sách giáo khoa! Xin đừng coi thường, đừng xem chúng chỉ là món hàng để kiếm lãi. Bởi một giọt nước cuối cùng cũng có thể làm tràn ly.  

NGUYỄN NGỌC TUYẾT (Cần Thơ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới