Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghịch cảnh nhà thầu xây dựng ‘khóc ròng’, giá cổ phiếu thép tăng vọt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghịch cảnh nhà thầu xây dựng ‘khóc ròng’, giá cổ phiếu thép tăng vọt

Lê Hoàng

(KTSG Online) – Giá thép liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay đã kéo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động ngành này trong quí đầu năm tăng đột biến và là động lực lớn thúc đẩy cổ phiếu thép tăng vọt trong thời gian qua. Các doanh nghiệp thép dự báo việc kinh doanh quí 2 sẽ tiếp tục tốt hơn.

Nghịch cảnh nhà thầu xây dựng 'khóc ròng', giá cổ phiếu thép tăng vọt
Hòa Phát và nhiều doanh nghiệp thép khác lợi nhuận cao trong quí 1-2021. Ảnh minh họa: website Hòa Phát

Các công ty thép lãi đậm

Trong bối cảnh các nhà thầu xây dựng phải khóc ròng và có nguy cơ vỡ trận do giá thép liên tục tăng cao thì những doanh nghiệp ngành thép báo lãi trong quí 1 vừa qua với mức tăng ấn tượng.

Có thể kể đến Tập đoàn Hòa Phát báo đạt lợi nhuận sau thuế quí 1-2021 cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước, đạt 6.978 tỉ đồng.

Với kết quả này, giới đầu tư chứng khoán không quá bất ngờ khi Hòa Phát đã vượt qua những doanh nghiệp lớn và ngân hàng như VinHomes, Vietcombank, VietinBank, Techcombank,… để trở thành quán quân về lợi nhuận trên sàn sau quí 1 bứt phá mạnh.

Cụ thể, trong quí đầu năm 2021, Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng hơn 2,16 triệu tấn thép các loại qua đó mang về doanh thu thuần 31.177 tỉ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 855.000 tấn, tăng hơn 17%. Phôi thép xuất khẩu trên 386.000 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ.

Sản phẩm thép tấm cuộn cán nóng (HRC) trong quí đầu năm đạt 665.000 tấn, tăng 75% so với quí 4-2020. Nhờ tự chủ được nguyên liệu HRC, sản phẩm ống thép và tôn mạ của Hòa Phát cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản cũng tăng trưởng khả quan.

Điều này dẫn đến cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã tăng 68%, lập đỉnh mới tại mức 63.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 10-5, tương ứng vốn hóa thị trường đạt 208.737 tỉ đồng, đứng thứ 4 trên sàn chứng khoán. Con số này đã tăng gấp gần 5 lần so với thời điểm cuối tháng 3-2020.

Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen trong quí 2 niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1-1-2021 đến 31-3-2021), sản lượng tiêu thụ đạt 542.532 tấn, tăng trưởng 65% so với cùng kỳ. Nhờ đó, doanh thu tăng mạnh 88% so với cùng kỳ, đạt 10.846 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 1.035 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận của Hoa Sen vượt 1.000 tỉ đồng trong một quí.

Tính chung 6 tháng đầu niên độ tài chính 2020-2021, sản lượng tiêu thụ Hoa Sen đạt 1.078.729 tấn, tăng 54% so với cùng kỳ, tương ứng doanh thu cũng tăng 61% lên 19.946 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.607 tỉ đồng, tăng  320% so với cùng kỳ, qua đó vượt 7% mục tiêu đề ra cho toàn niên độ.

Với kết quả tăng trưởng trên, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đã lập đỉnh mới tại 39.200 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng 79% sau hơn 3 tháng và gấp gần 9 lần so với thời điểm cách đây hơn 1 năm. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt 17.428 tỉ đồng.

Một doanh nghiệp thép cũng sớm vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm là Gang thép Thái Nguyên (Tisco – mã TIS). Trong quí 1-2021, Tisco ghi nhận 3.006 tỉ đồng doanh thu, tăng 39,3% so với cùng kỳ đồng thời thu về 44,3 tỉ đồng lãi sau thuế, gấp hơn 9 lần kết quả đạt được quí 1 năm ngoái.

Đóng góp vào lợi nhuận của các doanh nghiệp thép thời gian qua là do giá thép tăng mạnh. So với quí 1-2019, giá thép đã tăng khoảng 50% do sự phục hồi sản xuất trên thế giới sau đại dịch và khan hiếm nguyên liệu.

Diễn biến tăng giá thép theo giới quan sát vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bởi lẽ xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới được cho là sẽ còn nhiều biến động.

Trong khi đó, Thép Nam Kim (mã NKG) ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 4.861 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 319 tỉ đồng, cao gấp 7,7 lần cùng kỳ và là mức cao nhất trong một quí công ty từng đạt được từ trước đến nay.

Với kết quả trên, Thép Nam Kim đã hoàn thành hơn một nửa chỉ tiêu lợi nhuận và 30% kế hoạch doanh thu cả năm đề ra. Do vậy, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim đã tăng gấp đôi từ cuối tháng 1-2021 lên mức 32.100 đồng/cổ phiếu, gấp 8 lần so với thời điểm cuối tháng 3-2020.

Nhu cầu sản phẩm sắt thép trong năm 2021 được dự báo tiếp tục tăng mạnh. 

Ngành bất động sản và xây dựng hạ tầng sẽ hồi phục khi Chính phủ triển khai các dự án đầu tư công lớn.

Yếu tố giá nguyên liệu và nguồn cung làm tăng giá thép?

Các nhà thầu xây dựng đang lo lắng vì giá thép tăng đột biến. Ảnh minh họa: website VACC

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), giá thép tháng 4 đã tăng khoảng 30-45% so với quí cuối năm 2020. Cho rằng nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến, VACC đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm các bộ ngành liên quan kiểm tra nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến.

Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ Công Thương cho biết hiện ngành thép Việt Nam phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.

Việt Nam cũng có trữ lượng quặng sắt, là nguyên liệu chủ yếu để luyện thép, nhưng trữ lượng và tài nguyên dự báo chỉ khoảng 1,3 tỉ tấn, tập trung nhiều ở hai mỏ Thạch Khê và Quý Xa.

Tuy nhiên, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, đã dừng hoạt động từ năm 2011 đến nay chưa hoạt động lại vì Hà Tĩnh và một số bộ, ngành không đồng thuận khai thác trở lại.

Mỏ sắt Quý Xa trữ lượng 124 triệu tấn, được cấp phép khai thác từ năm 2007 với công suất 3 triệu tấn/năm, thời hạn giấy phép khai thác hết năm 2020 nên đã hết hạn.

Trong khi đó, hiện nay một số cơ quan chỉ thống nhất cấp phép lại với công suất 900.000 tấn/năm, chỉ để phục vụ đủ cho nhà máy gang thép Lào Cai.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong khi đó, thời gian gần đây, giá nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường thế giới. Dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Về vấn đề có hay không việc các công ty thép bắt tay nhau đẩy giá thép tăng, Bộ Công Thương cho rằng sự việc này không có cơ sở. Bộ này lý giải: Năm 2021, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%, dự kiến nhu cầu sản phẩm phôi thép sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3%.

Bộ Công Thương dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. 

Ngoài ra, dự báo nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi trở lại trong năm 2021, do đó nhu cầu tiêu thụ thép tại các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng 9,4% cũng là nguyên nhân làm giá thép tăng.

Qua phân tích cụ thể, Bộ Công Thương cho rằng do năng lực nguồn cung thì thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới nhưng sau này sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu. "Do đó việc nêu vấn đề có sự bắt tay của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao là không có cơ sở", theo Bộ Công Thương.

Sản phẩm của Thép Hòa Phát. Ảnh minh họa: TTXVN

Gần đây, Công ty chứng khoán VCBS cũng đánh giá triển vọng của ngành thép tương đối khả quan cả về giá bán, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Theo VCBS, giá thép ở mức cao được hỗ trợ bởi mặt bằng giá nguyên liệu tăng mạnh và sự thiếu hụt nguồn cung tạm thời. Mặt bằng giá thép có thể duy trì ở mức khá cao cho tới cuối năm với sự hỗ trợ của thuế tự vệ, cùng với kỳ vọng từ nhu cầu tăng trong nửa cuối năm.

Ngoài nguyên nhân giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao trên thị trường thế giới, thì dịch bệnh cộng với chi phí vận chuyển tăng cao cũng khiến giá thép tăng mạnh. Diễn biến này được giới phân tích nhận định sẽ tiếp tục là đòn bẩy lợi nhuận cho các doanh nghiệp thép trong thời gian tới.

Nhu cầu cao, giá quặng sắt nhảy vọt

Theo hãng tin Bloomberg mới đây nhận định, lượng tiêu thụ thép tăng mạnh trên toàn cầu đang đưa giá quặng sắt tiến tới mức cao chưa từng có tiền lệ.

Là nguyên liệu để sản xuất thép, nhu cầu quặng sắt tăng mạnh cho "cơn khát" của các nhà mua hàng lớn của Trung Quốc khiến nguồn cung căng thẳng.

Giới phân tích dự báo giá quặng sắt tiêu chuẩn có thể lên 200 đô la Mỹ/tấn, phá vỡ kỷ lục cũ là 194 đô la/tấn được thiết lập cách đây một thập niên.

Nguyên nhân chính khiến giá quặng sắt tăng cao là do nhu cầu thép tăng từ châu Á tới Bắc Mỹ. Trong đó, nhu cầu thép tăng đặc biệt mạnh ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, giá thép tăng cao do Trung Quốc cắt giảm sản lượng để kiếm soát khí thải, hủy hoàn thuế xuất khẩu thép, giảm thuế nhập khẩu, tác động lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép. Rủi ro từ giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đã được chuyển vào giá bán.

Theo giới phân tích, một nguyên nhân khác cũng khiến giá thép tăng cao là do căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc làm giới hạn lượng nguyên liệu thô từ Úc xuất sang Trung Quốc, quốc gia cung cấp sản lượng thép lớn nhất toàn cầu. Hơn nữa, chính Trung Quốc cũng đang cắt giảm sản lượng thép nhằm bảo vệ môi trường. Sản lượng thép này bao gồm cả thép thành phẩm lẫn phôi thép, thép cán nóng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới