Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý cá tra

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghịch lý cá tra

Nông dân nuôi cá tra đang gặp khó khăn do cá rớt giá quá mạnh – Ảnh: Tư liệu

(TBKTSG Online) – Thị trường tiêu thụ sản phẩm cá thịt trắng trên thế giới đang mở rộng dù giá có giảm chút đỉnh do kinh tế thế giới gặp khó khăn. Thế nhưng ở trong nước, giá cá tra mấy ngày qua lại tụt giảm nghiêm trọng.

Từ mức 15.000-16.000 đồng/kg trước đây, giá cá tra giờ rớt xuống còn 13.000 đồng/kg. Điều bất thường này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sâu xa, chủ yếu do có quá nhiều bất ổn trong việc nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra hiện nay.

Làm ăn chụp giựt

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ trong tháng 4, cả nước đã xuất khẩu hơn 43.000 tấn sản phẩm cá tra, đạt kim ngạch 104 triệu đô la Mỹ, nâng sản lượng xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay lên hơn 157.000 tấn với kim ngạch 367 triệu đô la. Như vậy, sản lượng xuất khẩu tăng 38,5% và kim ngạch tăng chậm hơn nhưng cũng tăng được 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, cho biết kinh tế thế giới đang khó khăn nên giá cá tra xuất khẩu gần như giảm đều ở các thị trường. Ở EU, thị trường chính chiếm tới 42,5% kim ngạch xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp trong nước, tốc độ tăng đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Kế tới là các thị trường Nga, 13,1%; ASEAN, 6,9%; Mỹ, 5,4%, đều giảm tốc độ tăng.

Một số thị trường mới như Mexico tăng tới 135% sản lượng và 116% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy các thị trường mới quy mô còn nhỏ nhưng trong 4 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng sản lượng lên tới 181% và 133% về giá trị.

Có thể nói rằng hiếm có ngành sản xuất nào trong nước đạt tốc độ tăng đầu tư nhanh như chế biến cá tra. Từ dưới 100 công ty mấy năm trước thì trong năm ngoái và đầu năm nay, số lượng công ty tham gia chế biến và kinh doanh cá tra đã lên đến hơn 150 công ty nhưng đa phần có quy mô nhỏ.

Mười công ty hàng đầu chiếm tới 56% sản lượng xuất khẩu cá tra và 20 công ty hàng đầu chiếm tới 72%, đã phần nào nói lên quy mô nhỏ của các công ty kinh doanh cá tra hiện nay.

Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong tuần qua xung quanh chuyện cá tra giảm giá, VASEP cho biết một số công ty quy mô nhỏ và các công ty thương mại thuần túy không hề có nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu riêng, dẫn tới tranh giành khách hàng, ký hợp đồng bán với giá thấp.

Doanh nghiệp đã ký bán giá thấp thì khó có nguyên liệu tốt, nên các doanh nghiệp này dùng nguyên liệu được xử lý ở các cơ sở sơ chế, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với các hành vi gian lận thương mại khác, những doanh nghiệp này đã gây tổn hại uy tín cho cá tra xuất khẩu, phần nào kéo giá xuất khẩu giảm và giá nguyên liệu trong nước giảm theo.

Điều đặc biệt đáng quan tâm, theo ông Dũng, đây là lần đầu tiên trong 4 năm qua, một số thị trường truyền thống nhập khẩu cá tra có xu hướng giảm. Đứng đầu là Ba Lan giảm tới 47% sản lượng và 50% về giá trị, Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông cũng đều có xu hướng giảm.

“Đây là những tín hiệu báo động về uy tín của con cá tra, mà trước hết là chất lượng sản phẩm”, ông nói.

Nông dân nôn nóng  

Nhà xuất khẩu cá tra gặp khó vì lãi suất vay tiền đồng quá cao – Ảnh: HỒNG VĂN.

Hiện tại, giá cá tra thịt trắng, đúng cỡ chế biến (0,9 – 1,1 kg/con), chất lượng cao vẫn giữ mức giá cao do sản lượng không nhiều và thị trường xuất khẩu có đầu ra tốt. Phần lớn các công ty vẫn ưu tiên mua toàn bộ sản lượng cá nguyên liệu của các hộ, các trang trại đã có hợp đồng tiêu thụ với nhà máy.

Mức giá nguyên liệu giảm mạnh chủ yếu ở nhóm cá chất lượng kém, thịt vàng, thịt đỏ và cá quá cỡ chế biến (trên 1,3 kg/con), cá có bệnh và tỷ lệ thu hồi sản phẩm trong chế biến thấp.

VASEP cho rằng giá cá tra nguyên liệu giảm hiện nay phần nào còn do cung vượt cầu tạm thời. Cung nguyên liệu cá tra tăng đột biến trong những ngày qua do người nuôi thiếu vốn mua thức ăn nuôi cá nên phải bán cá ồ ạt; một số người trước đây giữ cá chờ giá lên, nay cá đã quá lứa, khó bán, lại thiếu thức ăn nên chấp nhận bán giá thấp để giảm lỗ; giá thức ăn và chi phí đầu vào tăng cao buộc người nuôi phải bán cá sớm; mùa mưa năm nay đến sớm, chất lượng cá nguyên liệu bị giảm, khiến người nuôi phải bán tháo.

Ngân hàng cũng góp phần

Năm ngoái, xuất khẩu cá tra đạt 1 tỉ đô la Mỹ và dự báo năm nay, có thể đạt 1,2 tỉ đô la Mỹ nhưng với tình hình thị trường thế giới và trong nước như hiện nay, chỉ tiêu này xem ra khó đạt.

Nhưng theo ông Dũng, tác động lớn hơn chính là việc ngân hàng thắt chặt tín dụng, khiến cho cả người nuôi lẫn nhà chế biến xuất khẩu đều bị thiếu vốn nghiêm trọng.

Phần lớn các nhà máy chế biến cá tra hiện rất khó khăn khi yêu cầu ngân hàng chiết khấu các bộ chứng từ xuất khẩu để có tiền mua tiếp cá của dân. Lãi suất vay tiền đồng quá cao (19 -21%/năm, nếu tính cả phí ngân hàng), doanh nghiệp không chịu nổi. Trong khi đó, theo Quyết định 09/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ.

Doanh nghiệp thiếu tiền đành phải ưu tiên sử dụng cá do mình tự nuôi và cá của các hộ nuôi đã có hợp đồng liên kết với nhà máy, hạn chế sản lượng thu mua cá của dân và bán sớm hàng dự trữ với giá thấp để có tiền thu mua nguyên liệu tiếp, góp phần đẩy giá cá xuất khẩu giảm theo và quay trở lại làm giảm giá cá nguyên liệu trong nước.

Hiện VASEP đã kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải pháp cả gói để cứu vãn tình cảnh giảm giá cá tra trong nước nhưng tập trung chính vẫn là các biện pháp tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới