Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý cách ly xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghịch lý cách ly xã hội

Lê Hữu Huy (*)

(TBKTSG) – Sức khỏe và hạnh phúc của con người được kéo dài hơn không chỉ đơn thuần nhờ vào kiêng cữ ăn uống, dược phẩm, chất kháng sinh, vận động thể chất mà còn nhờ vào các quan hệ xã hội, những ai mà con người chúng ta biết và lo lắng cho nhau. Đó là chia sẻ của nhà tâm lý học nổi tiếng người Canada Susan Pinker trong quyển sách có tựa đề “The Village Effect: Why Face-to-Face Contact Matters” (tạm dịch: “Hiệu ứng làng xã: Vì sao việc gặp gỡ trực diện vẫn quan trọng”)(1).

Theo tác giả Pinker, những mối quan hệ xã hội đó, thường phải là buổi gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp, có tác động đáng kể đến lối suy nghĩ, lòng tin của chúng ta với người khác và thậm chí là việc sẽ bỏ tiền đầu tư vào đâu. Những mối dây liên kết xã hội của chúng ta cũng ảnh hưởng đến cảm nhận thỏa mãn về cuộc sống, các kỹ năng nhận thức và khả năng chống chọi đối với nguy cơ viêm nhiễm hay bệnh tật.

Các nghiên cứu của bà Pinker và cộng sự cũng phát hiện ra rằng việc tiếp xúc trực tiếp giữa con người với nhau làm cho hệ thần kinh giải phóng một loại hợp chất gồm các chất dẫn truyền thần kinh được giao nhiệm vụ điều chỉnh phản ứng của chúng ta đối với căng thẳng và lo lắng. Nói cách khác, nhờ giao tiếp trực tiếp với nhau, con người trở nên linh hoạt hơn với những áp lực căng thẳng trong thời gian dài. Vì vậy, chỉ cần một cái bắt tay là đủ để giải phóng oxytocin, làm tăng mức độ tin tưởng, hạ mức cortisol, làm giảm căng thẳng. Các tương tác xã hội còn tạo ra Hormon dopamine làm cho chúng ta bớt đau, giống như một loại morphine được sản xuất tự nhiên.

Cũng trong quyển sách nói trên, bà Susan Pinker chia sẻ thông tin về công trình nghiên cứu của một nhà tâm lý học khác là GS. John Cacioppo cùng các đồng nghiệp tại Đại học Chicago và các nhà nghiên cứu người Anh là Catherine và Alex Haslam với phát hiện rằng những người có cuộc sống xã hội năng động thì khỏi bệnh nhanh hơn những người có lối sống cô đơn – bản chụp MRI của họ cho thấy mức độ phục hồi tế bào tốt hơn.

Hàng chục công trình nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng những mối quan hệ xã hội gắn bó tác động đến khả năng phục hồi sinh lý, tức là cơ thể con người có thể nhanh chóng trở lại bình thường sau một cơn chấn động nào đó. Một nghiên cứu của Đại học California vào năm 2006 đối với 3.000 phụ nữ bị ung thư vú cho thấy, những ai có mạng lưới bạn bè rộng rãi hơn thì có khả năng sống sót cao gấp bốn lần so với những ai có ít quan hệ xã hội hơn.

Không rõ nhà tâm lý học Susan Pinker có công trình nghiên cứu hay có ý kiến gì về xu hướng cách ly xã hội (social distancing), một giải pháp tình thế của cả nhân loại trong giai đoạn chống dịch Covid-19 theo đó con người phải giữ khoảng cách an toàn giữa cá nhân trong các sinh hoạt tiếp xúc xã hội, không tụ tập đông người, hạn chế giao lưu, tương tác trực tiếp.

Tại nhiều quốc gia, cách ly xã hội không chỉ đơn thuần là khuyến cáo mà còn mang tính bắt buộc cưỡng chế. Đơn cử như Singapore, kể từ thứ Sáu tuần trước (27-3), bất cứ ai cố tình ngồi cách người khác ở nơi công cộng hoặc trên một chỗ ngồi cố định được đánh dấu là không bị chiếm đóng, hoặc đứng trong hàng đợi cách người khác dưới 1 mét, sẽ được xem là phạm luật. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền lên đến 10.000 đô la hay bị tù tới sáu tháng hoặc phải đối mặt với cả hai hình phạt. Có lẽ để dân chúng bớt căng thẳng hơn, chính phủ và truyền thông ở Singapore cũng sử dụng một uyển ngữ khác là “cách ly an toàn” (safe distancing).

Thật ra, nếu nói về việc duy trì khoảng cách xã hội và cộng đồng, người dân Singapore đã quen chấp hành với các quy định như không được nhả khói thuốc lá về phía một người nào đó, không được rời nhà vệ sinh công cộng mà không xả nước… Người Singapore được trui rèn kỷ luật từ nhỏ, không nói chuyện ồn ào nơi công cộng, đi đến đâu, làm việc gì cũng xếp hàng và luôn ý thức việc giữ khoảng cách chừng mực với những người khác. Có lẽ việc chấp hành thực hiện cách ly xã hội theo luật định sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như thế!

Trong một ý kiến đăng trên nhật báo The Straits Times ngày 28-3, tức chỉ một ngày sau khi cách ly xã hội thành luật định, người đứng đầu tổ chức từ thiện Singapore Kindness Movement, ông William Wan cho biết cuộc sống “bình thường” trước đại dịch đã là thách thức đối với một bộ phận không nhỏ người dân trong cộng đồng xã hội. Cụ thể là những người bị khuyết tật về thể chất hoặc khiếm thị thường cần được chăm sóc nhiều hơn khi đi lại trên đường phố và ngõ ngách dân cư trên đảo Sư tử. Mặc dù Singapore đã xây dựng đường dốc và thang máy cho người sử dụng xe lăn hoặc lát thêm những điểm nổi lên trên lối đi bộ, cầu thang, đường dành cho người đi bộ và ga tàu điện, trạm xe buýt cho người mù (tactile paving), tuy nhiên những người này vẫn cần có một bàn tay nào đó giúp đỡ. Nhưng giờ đây, vào thời Covid-19, khi sự xa cách xã hội khuyến khích chúng ta không cách nhau dưới 1 mét, làm sao có thể giúp đỡ khi chúng ta không thể tiếp xúc gần nhau?

Ông Wan đưa ra một câu hỏi khác: “Cách ly xã hội là trách nhiệm xã hội mà tất cả chúng ta chia sẻ để giữ cho cộng đồng khỏe mạnh trong cuộc khủng hoảng y tế, nhưng còn trách nhiệm xã hội để giúp đỡ những người cần giúp đỡ thì sao? Làm thế nào để chúng ta đạt được sự cân bằng đó? Làm thế nào để chúng ta đảm bảo rằng biện pháp cách ly xã hội không dẫn đến nguy cơ con người xa cách nhau về mặt xã hội (socially distant)?”.

Theo ông Wan, một cách để giải quyết mâu thuẫn nói trên là chúng ta phải nhận thức các nguyên tắc cách ly xã hội không có nghĩa là tuyệt đối trong việc tiếp xúc gần gũi hay duy trì khoảng cách với người khác. Các hướng dẫn cách ly xã hội cần được hiểu là để tạo khoảng cách con người với nhau trong các không gian công cộng, để bất kỳ ai lỡ bị nhiễm không tiếp tục truyền virus cho những người ngẫu nhiên không thể theo dõi để cách ly y tế. Nói cách khác, phải làm sao thực hành cách ly xã hội để con người chúng ta không bị cô lập về mặt xã hội.

Con người chúng ta phải luôn tỉnh táo với lý trí, với cái đầu, nhưng không thể thiếu tâm hồn, không thể thiếu con tim. Chúng ta luôn thận trọng, nhưng hãy tử tế. Hãy cảnh giác, những sẵn sàng giúp đỡ người khác. Bởi giúp đỡ người khác cũng chính là cơ hội để chúng ta tiếp xúc với đồng loại, và chính những lo lắng, chăm sóc sẻ chia với người khác cũng là cách giải tỏa những bức xúc, dồn nén và tạo thành những lực lượng kháng sinh tinh thần, thể chất, để chống chọi với bất cứ virus nguy hiểm nào.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

(1) Susan Pinker cũng là tác giả của quyển sách bán chạy “The Sexual Paradox” (tạm dịch: Nghịch lý giới tính)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới