Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý của ngành chè

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghịch lý của ngành chè

Vũ Huyền

Mức tiêu thụ bình quân đầu người đối với chè sản xuất trong nước chỉ là khoảng 300 gam/năm.

(TBKTSG) – Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, nhưng cũng như nhiều loại nông sản khác của nước ta, mặt hàng này bước ra thị trường thế giới vẫn chỉ bằng số lượng bởi giá ngày càng giảm.

Theo số liệu của Hiệp hội Chè Việt Nam, từ năm 1998 đến hết năm 2009, diện tích trồng chè trên cả nước đã tăng từ khoảng 80.000 héc ta lên trên 130.000 héc ta. Cùng với đó, năng suất cũng tăng từ dưới 4 tấn/héc ta lên 6,5 tấn/héc ta.

Tuy nhiên, nếu năm 1998, mỗi ki lô gam chè Việt Nam xuất khẩu được với giá 1,52 đô la Mỹ thì năm 2009 chỉ còn 1,23 đô la Mỹ, bằng một nửa giá chè thế giới. Vì xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô nên vị thế của chè Việt Nam trên thị trường thế giới hiện nay là “có cũng được mà không có cũng chẳng sao”.

Thương hiệu chè của Việt Nam đếm được trên đầu ngón tay nhưng số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè lại rất nhiều. Theo số liệu của Vitas, hiện có hơn 600 doanh nghiệp và 3.000 cơ sở chế biến – xuất khẩu chè trên cả nước. Hầu hết các doanh nghiệp khai thác thị trường theo kiểu “hớt váng sữa”, né tránh đầu tư vào nông nghiệp và trách nhiệm với người tiêu dùng.

Quá nhiều doanh nghiệp tranh giành nguồn nguyên liệu đã đẩy chất lượng sản phẩm xuống thấp. Chính vì thế, người nông dân cũng chẳng cần quan tâm lắm đến sản phẩm do mình làm ra.

Nếu trước kia hái búp chè ngắn thì bây giờ họ hái dài ra. Các cơ sở tốn thêm điện, than để chế biến trong khi doanh nghiệp xuất khẩu phải chi thêm hàng tỉ đồng mua những chiếc máy phân loại phế phẩm. Thậm chí một số người còn đi thu bổi cám chè về để trộn thêm vào sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, chè Việt Nam cũng có những tên tuổi mà nếu biết cách quảng bá sẽ làm nên thương hiệu quốc gia như chè sen (có thể bán với giá 2-3 triệu đồng/ki lô gam) hoặc các vùng nguyên liệu như Mộc Châu, Hà Giang, Suối Giàng… Thế nhưng, trong khi chưa kịp phát huy thế mạnh thì những tiềm năng đó đã bị lạm dụng, khiến cho giá trị ngày càng suy giảm. Chè shan tuyết Hà Giang nổi tiếng vì được trồng trên núi cao, sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên giờ đã được mang xuống vùng thấp để trồng với sự can thiệp của chất kích thích và thuốc trừ sâu.

Thua thiệt trên thị trường thế giới, còn tại sân nhà, chè Việt Nam cũng chưa khai thác hết tiềm năng. Việt Nam là một trong những cái nôi của cây chè với truyền thống uống trà từ hàng ngàn năm nhưng mức tiêu thụ bình quân đầu người đối với chè sản xuất trong nước chỉ là khoảng 300 gam/năm, bằng một phần mười so với Nga, Trung Đông hay Anh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới