Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý gạo thơm: Bán cao, mua thấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghịch lý gạo thơm: Bán cao, mua thấp

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao ít, nhu cầu xuất khẩu tăng cao, nhưng không vì thế mà giá của loại lúa này được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua trong dân với giá cao. Liệu có chuyện doanh nghiệp kinh doanh lương thực ép giá nông dân?

Nghịch lý gạo thơm: Bán cao, mua thấp
Gạo thơm đang được xuất khẩu tăng mạnh, nhưng giá thu mua lúa cho nông dân vẫn rất thấp – Ảnh: Trung Chánh

Xuất gạo thơm: Cửa rộng, giá cao

Năm 2011 là năm đầu tiên Việt Nam gặt hái được nhiều thành công trong phân khúc xuất khẩu gạo thơm, khi có đến trên 400.000 tấn gạo được bán sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc với giá bình quân trên 720 đô la Mỹ/tấn. Với những tín hiệu đầy lạc quan về thị trường xuất khẩu gạo thơm, dự báo năm nay Việt Nam sẽ có khoảng 500.000 – 600.000 tấn gạo thơm được xuất đi.

Thực tế, ngay những tháng đầu năm 2012, nhiều đoàn doanh nghiệp của Hồng Kông đã sang Việt Nam tìm hiểu về tình hình sản xuất gạo thơm để ký hợp đồng nhập khẩu. Gần đây nhất là vào cuối tháng 2-2012, hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh gạo của Hồng Kông do Hiệp hội thương nhân gạo Hồng Kông dẫn đầu đã làm việc với Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) về kế hoạch nhập khẩu gạo thơm năm 2012.

VFA cho biết, trong tổng số 627.000 tấn gạo được xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm nay với trị giá thu được gần 320 triệu đô la Mỹ, thì chỉ có 6,45% số lượng là gạo thường, còn lại là gạo thơm, gạo đồ và nếp. Nếu tính bình quân ra thì mỗi tấn gạo Việt Nam bán được với mức giá trên 510 đô la Mỹ, tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng gạo thơm thì giá bán sẽ rất cao, không dưới 600 đô la Mỹ/tấn.

Như vậy, có thể thấy xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam đang giữ một vị trí rất quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu gạo, ít nhất là đến thời điểm này. Trong cuộc họp công bố kế hoạch mua lúa tạm trữ vừa được tổ chức, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA cho biết, năm nay tình hình xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam rất tốt bởi lợi thế cạnh tranh so với Thái Lan về giá. Hiện các doanh nghiệp cũng ưu tiên mua gạo thơm, gạo chất lượng cao để phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Ai được lợi?

Rõ ràng tình hình xuất khẩu gạo thơm trong những tháng đầu năm đang diễn biến rất tốt và có nhiều triển vọng lập được kỷ lục về khối lượng lẫn giá trị trong năm nay. Tuy nhiên, không vì thế mà nông dân làm lúa thơm vui mừng, trái lại không ít hộ nông dân tỏ ra lo lắng khi giá lúa thơm đang ở mức quá thấp.

Anh Dương Văn Mến, thương lái mua lúa tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp cho biết, hiện lúa thơm Jasmine chỉ còn dao động quanh mức giá 5.900 – 6.000 đồng/kg đối với lúa tươi; lúa thơm OM 4900 chỉ 4.900 – 5.000 đồng/kg (lúa tươi). So với mức giá trước tết, hiện mỗi kg lúa hàng hóa đã giảm 1.300 – 1.500 đồng/kg.

“Doanh nghiệp thu vào thấp, dĩ nhiên chúng tôi cũng phải mua thấp mới có lãi được chứ. Chúng tôi là người trực tiếp thu gom trong dân, có quyền quyết định giá mua, nhưng đâu có quyền quyết định giá bán đâu” – anh Mến cho biết.

Anh Huỳnh Hoàng Nam, ấp Tây, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An thì cho biết, 24 tới (âm lịch) anh sẽ thu hoạch 1,5 héc ta đất sạ giống lúa thơm nhẹ OM 4900, nhưng kêu lái họ cũng chỉ trả giá có 5.000 đồng/kg (lúa tươi, mua tại ruộng). Giá quá thấp nên anh quyết định thu hoạch xong sẽ phơi trữ lại.

“Giá cả như thế này (5.000 đồng/kg lúa tươi) thì so với sạ lúa IR 50404 cũng đâu hơn được bao nhiêu vì lúa chất lượng cao năng suất thấp, trong khi đó IR 50404 năng suất cao hơn. Vậy sạ lúa IR 50404 tốt hơn”, anh Nam nói.

Hợp đồng xuất khẩu tăng mạnh nhưng giá lúa vẫn ở mức thấp, thậm chí đã giảm rất mạnh so với mức giá trước tết, không loại trừ khả năng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu ép giá thu mua. Hiện gạo nguyên liệu (gạo lức) của giống lúa thơm Jasmine có giá 8.100 – 8.200 đồng/kg; gạo nguyên liệu của giống OM 4900 có giá 7.100-7.200 đồng/kg.

Lúa thơm hay lúa cấp thấp?

Ấn Độ, Myanmar quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo, đặc biệt là ở phân khúc gạo cấp thấp đã làm thay đổi hoàn toàn tình hình xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới. Lợi thế của các thị trường xuất khẩu mới nổi là nguồn cung dồi dào, giá rẻ…, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu của các nước, đặc biệt là các thị trường có nhu cầu cao về gạo cấp thấp.

Trước sự cạnh tranh quyết liệt ở phân khúc gạo cấp thấp giữa Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam, Thái Lan…, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng Việt Nam nên giảm diện tích lúa cấp thấp (IR 50404) xuống và nâng cao diện tích lúa chất lượng cao lên, 50-60% rồi lên 70-80% trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc khuyến khích nông dân ồ ạt chuyển đổi lúa chất lượng thấp sang lúa chất lượng cao trong thời điểm này liệu có phải là hướng đi đúng khi mà thị trường tiêu thụ loại gạo này của Việt Nam vẫn còn rất ít, chỉ 500.000 – 600.000 tấn/năm; không thể cạnh tranh nổi với Thái Lan bởi chất lượng gạo của họ rất tốt.

Khi nguồn cung tăng lên rồi mà thị trường tiêu thụ còn rất ít thì liệu lúa chất lượng cao, lúa thơm có thể bán được với giá cao hay không? Hay lại rơi vào cảnh lúa chất lượng cao bán với giá lúa chất lượng thấp?. Đó là những câu hỏi đòi hỏi các nhà quản lý phải giải quyết trước khi hạ quyết sách.

Hiện các tỉnh ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân 2011-2012 với năng suất rất cao, cá biệt có nhiều địa phương như Tiền Giang, Long An lúa phẩm cấp thấp (IR 50404) đạt năng suất 10-11 tấn/héc ta (lúa tươi).
Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới