Nghịch lý hàng lậu: càng chống, càng tăng!
Nguyên Tấn
![]() |
Hàng giả, hàng lậu luôn là mối lo thường trực của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ảnh: Lê Toàn |
(TBKTSG) – Cuộc đấu tranh chống buôn lậu được Chính phủ khởi động từ hơn 10 năm trước. Thế nhưng, hàng lậu chẳng những không giảm mà trái lại ngày càng ồ ạt tràn vào, đe dọa nghiêm trọng sản xuất trong nước.
“Biên mậu” đã về đến TPHCM
Hiện tượng buôn lậu đã manh nha từ sau năm 1975, khi nền kinh tế bao cấp hãy còn ngự trị. Tuy nhiên, ở thời kỳ này quy mô buôn lậu còn rất nhỏ lẻ, chủ yếu là một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do sản xuất trong nước không đảm bảo cung cấp được như giày dép, xà bông, quần áo, vải, xe đạp… Hàng lậu chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, Liên Xô và một số nước Đông Âu.
Mức độ buôn lậu bắt đầu gia tăng kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế. Đáng chú ý là ngoài những đường buôn lậu truyền thống, tại biên giới phía Bắc xuất hiện một dạng thức mới: hàng buôn lậu “tiểu ngạch” từ Trung Quốc.
Ý thức được mối ngay từ hàng buôn lậu, ngày 11-10-1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 853/1997/CT-TTg về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới, trong đó khẳng định: “Đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài của Nhà nước ta”.
Nhiều nhận định trong văn bản này vẫn còn nguyên tính thời sự: “Thời gian gần đây hoạt động buôn lậu và đặc biệt là tình trạng gian lận thương mại để trốn thuế vẫn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Một số bộ, ngành, địa phương buông lỏng quản lý đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, cá biệt có nơi cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng đã làm ngơ hoặc tạo điều kiện cho bọn buôn lậu hoạt động… Tình hình trên đã gây ra những hậu quả nguy hại về kinh tế – xã hội, cản trở quá trình phát triển lành mạnh của nền kinh tế đất nước”.
Để thực thi nhiệm vụ, bằng Quyết định 127/2001/QĐ-TTg ngày 27-8-2001, Thủ tướng lập ra Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (hay còn gọi “Ban Chỉ đạo 127”). Đây là một tổ chức do Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) làm trưởng ban với đại diện của nhiều bộ, ngành khác như công an, biên phòng, tài chính, khoa học-công nghệ-môi trường, hải quan…
Tương tự, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng lập một “ban chỉ đạo 127” phụ trách hoạt động chống buôn lậu trên địa bàn mình. Nói cách khác, cả nước có 63 tỉnh, thành phố thì có bấy nhiêu “ban chỉ đạo 127” và một “ban chỉ đạo 127” ở cấp trung ương.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và lực lượng hùng hậu như trên, nạn buôn lậu tưởng có thể bị dẹp yên. Thế nhưng, tình hình lại diễn ra gần như ngược lại. Hàng lậu kèm theo đó là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng cấm lưu thông tràn ngập khắp mọi nơi.
“Cơn lũ” hàng lậu giờ đây mạnh tới mức, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, “biên mậu” không còn nằm ở Lào Cai, Lạng Sơn nữa mà đã về đến tận TPHCM. Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cơ quan giữ vai trò chính về chống buôn lậu, trong một báo cáo gần đây đã không giấu sự lo ngại: “Hàng hóa Trung Quốc từ lâu đã có mặt trên thị trường trong nước, nhưng sự ồ ạt tràn lan thì mới thấy trong vòng 10 năm nay… Hàng Trung Quốc đang đổ vào thị trường nước ta với quy mô chưa từng thấy, trong đó có hàng hóa chứa các chất độc hại, đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với hàng nội”.
Báo cáo cũng cho biết trong sáu tháng đầu năm 2009 hàng Trung Quốc chiếm 70% trong tổng số vụ nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị kiểm tra, xử lý.
Hàng lậu gây khó cho nhà sản xuất
Theo ông Nguyễn Hà Đức Minh, Giám đốc tiếp thị Nokia khu vực Đông Dương, công ty ông cũng đang rất đau đầu về tình trạng hàng giả, nhái Nokia từ bên kia biên giới tuồn sang. “Những sản phẩm Nokia nào được ưa chuộng, vừa mới ra là bị giả, nhái, thậm chí giả luôn cả thẻ bảo hành.
Đây là hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà sản xuất vì chỉ cần mất uy tín một chút là bao nhiêu công sức gầy dựng thương hiệu của chúng tôi phải đổ sông đổ biển”. Hàng bất hợp pháp không chỉ tấn công vào những nhãn hiệu lớn mà còn gây điêu đứng cho cả những hộ sản xuất nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Nga, chủ một vựa sản xuất, cung ứng men rượu truyền thống khá nổi tiếng ở chợ Tréo, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho biết bà đã phải bỏ nghề vì không thể cạnh tranh với loại men rượu độc hại của Trung Quốc đang bày bán khắp nơi (đây là loại men khi dùng không cần phải nấu cơm như phương pháp truyền thống mà bỏ thẳng vào gạo, gạo sẽ chín thành cơm rượu. Lượng rượu thu được sẽ nhiều hơn nhưng theo bà Nga, rất độc hại).
Điều đáng nói là trong khi hàng bất hợp pháp qua đường tiểu ngạch mặc sức hoành hành thì các doanh nghiệp trong nước kinh doanh đàng hoàng qua đường chính ngạch lại đụng phải những thủ tục hết sức khắt khe.
Bà Phạm Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Thiên Long Ẩn, một doanh nghiệp chuyên cung cấp đồ gia dụng cao cấp của châu Âu cho khách sạn, nhà hàng, kể: “Có những cái dĩa chúng tôi nhập về giá hàng trăm euro mỗi cái dù có giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm vẫn bị cắt ra từng cái để thử nghiệm tiêu chuẩn mới cho nhận. Với chúng tôi thì gắt gao như thế, còn đồ gia dụng rẻ tiền, kém chất lượng của Trung Quốc lại bày bán khắp nơi mà có ai hỏi han gì đâu”.
Cũng vì cạnh tranh không lại với hàng Trung Quốc, bà Oanh đã phải cho công ty của mình tạm ngưng hoạt động mấy tháng nay. Đây là cách rút lui thông thường khi doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả. Thế nhưng, đau xót là có trường hợp một công ty khóa khá nổi tiếng ở Hà Nội, vì vẫn muốn tồn tại nên đã phải cam chịu nhập về từ Trung Quốc hàng ngàn chiếc khóa… làm giả chính sản phẩm của mình, vì nếu tự sản xuất thì giá đắt hơn. Nó cho thấy sự lẻ loi, bất lực của doanh nghiệp trong cuộc chiến không cân sức với cơn lũ hàng ngoại đang tràn vào.
Dường như thiếu người đứng mũi chịu sào
Phó giáo sư Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Thương mại (Bộ Thương mại), cho rằng rất khó có một hy vọng nào với phương thức chống buôn lậu như hiện nay và ông cảnh báo nếu cứ duy trì cung cách đó và bộ máy cũ thì hàng lậu, hàng giả sẽ “hủy hoại” cả nền sản xuất kinh doanh trong nước.
“Chỉ riêng thuốc lá lậu chúng ta chống hàng chục năm nay rồi mà có chống được đâu. Nguyên do là vì phương thức cũng như bộ máy quá yếu kém. Cơ quan chính trong việc này là quản lý thị trường thay vì trở thành thanh tra thị trường thì vẫn như thời bao cấp, chỉ lo chạy theo bắt bớ mấy đối tượng buôn bán nhỏ lẻ. Còn những ông trùm thì vẫn nhởn nhơ đâu đó ngoài vòng pháp luật. Chống buôn lậu theo kiểu ấy thì không những thất bại mà còn tạo đất cho tiêu cực, tham nhũng hoành hành mà thôi”, ông Nam nói.
Theo ông, chống buôn lậu không quá khó, nếu có phương thức và nhân lực tốt thì với thuốc lá lậu, chỉ cần chưa đầy một năm là có thể dẹp hết.
Đồng tình với ý kiến trên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, với pháp luật và bộ máy khổng lồ trong tay, Nhà nước hoàn toàn có thể chặn đứng nạn buôn lậu. Theo bà Lan, cái thiếu trong cuộc chiến chống buôn lậu chính là ở sự thiếu trách nhiệm và lòng quyết tâm.
“Công an họ phá án được vì họ có người chỉ huy, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và đặc biệt họ rất quyết tâm. Còn trên trận địa chống buôn lậu, có cảm giác như thiếu vắng một người chỉ huy, một người đứng mũi chịu sào, ít nhất là ở cấp bộ và đồng thời thiếu vắng cả cơ chế giám sát”.