Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý hướng dẫn viên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghịch lý hướng dẫn viên

Nguyễn Văn Mỹ

(TBKTSG) – Câu chuyện thiếu hướng dẫn viên (HDV) rồi HDV kém chất lượng đã được nêu ra rất nhiều lần. Gần đây, là “nạn” HDV “chui” người nước ngoài hoạt động ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Cái gốc của tất cả những vấn đề trên nằm ở đâu?

Năm 2013, ngành du lịch Việt Nam đạt gần  7,4 triệu khách quốc tế và khoảng 35 triệu khách nội địa. Theo Tổng cục Du lịch, đến hết tháng 2-2014, cả nước chỉ mới có 13.700 người được cấp thẻ HDV trong đó quốc tế là 7.700 người và nội địa 6.000 người.

Các tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu… chưa có HDV nào được cấp thẻ, cả nội địa lẫn quốc tế. Một cách tương đối, nếu tính theo tỷ lệ khách nội địa và quốc tế thì tỷ lệ HDV nội địa và quốc tế đáng lẽ là 5 – 1 thì ngược lại. Hà Nội chỉ có 740 HDV nội địa/2.230 HDV quốc tế. Con số này ở Bình Dương là… 35/1. TPHCM ít chênh lệch hơn với  2201/2020, nhưng tính ra thành phố còn thiếu tới khoảng 2.500 HDV quốc tế và 12.000 HDV nội địa!

Như vậy, rất nhiều du khách (khoảng 50% quốc tế và 80% nội địa) đi du lịch với HDV chưa có thẻ ! Ở đây, cần lý giải thực trạng theo hai hướng, hoặc chuẩn cao quá, ít ai đạt được hoặc việc cấp thẻ quá nhiêu khê?
Theo luật định, HDV nội địa chỉ cần tốt nghiệp trung cấp và học ba tháng nghiệp vụ. HDV quốc tế phải tốt nghiệp đại học hệ bốn năm, có trình độ ngoại ngữ tương ứng và học một tháng nghiệp vụ. Học cao đẳng ở nước ngoài về cũng không được cấp thẻ HDV quốc tế. Quy định này bộc lộ sự “phân biệt phục vụ, xem thường khách nội địa”, nhầm lẫn giữa các khái niệm “trình độ văn hóa” và “trình độ học vấn”. Nói thêm là lâu nay, Tổng cục Du lịch  chỉ cấp thẻ HDV quốc tế. Sau khi Luật Du lịch được ban hành (năm 2006) mới tiến hành cấp thẻ HDV nội địa. Thực tế chỉ cần quy định “trình độ học vấn” tối thiểu, “trình độ nghiệp vụ” tương ứng. Riêng HDV quốc tế phải có thêm “trình độ ngoại ngữ” lưu loát.

Bất cập thứ hai là quy định về nghiệp vụ. Các trường trung cấp, cao đẳng nghề du lịch không được đào tạo HDV quốc tế vì không thể cấp bằng đại học bốn năm trong khi người tốt nghiệp đại học có tiêu chuẩn ngoại ngữ chỉ cần học 1-2 tháng nghiệp vụ là được cấp thẻ HDV quốc tế. Luật quy định “HDV là một nghề” mà trường nghề đào tạo 2-3 năm lại bị phủ nhận. Như vậy “tiêu chuẩn nghiệp vụ” đã bị xem thường.

Quy chế HDV có quy định việc cấp thẻ HDV đặc cách và tạm thời. Thẻ đặc cách du di trình độ học vấn cho những người chưa có bằng đại học. Thẻ tạm thời dành cho những người đã tốt nghiệp đại học, chưa có trình độ nghiệp vụ nhưng đã làm HDV từ năm năm trở lên. Việc làm này đã hạn chế phần nào những bất cập của việc cấp thẻ, đồng thời bổ sung một lực lượng HDV quốc tế đáng kể. Tuy nhiên, khi Luật Du lịch ban hành năm 2006, Tổng cục Du lịch thông báo “Từ tháng 7-2008, toàn bộ thẻ HDV đặc cách và tạm thời không còn hiệu lực hành nghề”. Thế là hơn 30% HDV quốc tế đang hành nghề phải mất việc, hoặc làm chui, dù lâu nay họ đã làm rất tốt nhiệm vụ, đặc biệt là với các HDV tiếng Hoa tại TPHCM. Trong khi đó, một thực tế đáng báo động là nhiều HDV quốc tế có thẻ nhưng không thể hành nghề vì kỹ năng ngoại ngữ và nghiệp vụ kém, chỉ cho thuê thẻ (luật quy định các công ty lữ hành quốc tế phải có tối thiểu ba thẻ HDV quốc tế).

Nếu thực hiện nghiêm túc, lực lượng hướng dẫn viên hiện nay chỉ có thể phục vụ chừng 2,5 triệu khách quốc tế và hơn 4 triệu khách nội địa.

Bất cập thứ ba là cào bằng việc thực hiện luật trên cả nước mà thiếu cân nhắc yếu tố đặc thù vùng, miền cụ thể.

Bất cập thứ tư là luật không tính tới đặc thù giáo dục Việt Nam. Các trường trung cấp – cao đẳng – đại học nào cũng có khoa, có lớp đào tạo HDV nhưng bằng cấp thì “mỗi trường một kiểu. Nào là Việt Nam học, địa lý du lịch, văn hóa du lịch, môi trường du lịch, quản trị du lịch… Thế là họ không được cấp thẻ mà phải học các lớp nghiệp vụ bổ sung do Tổng cục Du lịch cấp phép. Gần đây, tổng cục du di cho các sở xét hồ sơ có thể căn cứ vào bảng điểm các môn nghiệp vụ với điều kiện bảng điểm phải kèm chữ “chuyên ngành HDV”. Nhiều trường đã vận dụng giúp các em thoát nạn, nhưng nhiều trường vẫn khăng khăng không chịu nhường bước. Hậu quả là sinh viên phải lãnh đủ.

Trong khi chờ sửa luật, Tổng cục Du lịch nên cho phép các sở vận dụng thực tế, cấp thẻ đặc cách và tạm thời cho các HDV lâu nay đã hành nghề rất tốt. Vấn đề là giám sát và kiểm tra chất lượng sau khi cấp thẻ. Cần thống nhất tiêu chuẩn học vấn (chứ không phải văn hóa) và nghiệp vụ cho HDV. Theo tôi, chỉ cần học trung cấp hoặc cao đẳng nghề là đủ làm HDV. Việc tiếp theo là phải thống nhất lại bằng cấp và chương trình đào tạo trong ngành du lịch. Không thể tiếp tục việc mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên ngành du lịch ra trường nhưng chỉ mấy trăm người được cấp thẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới