Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngôi làng cuối cùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngôi làng cuối cùng

Lý Lan

(TBKTSG) – Từ bến đò đi lên, một đoạn đường đất chạy dưới bóng tre. Một bên là vạt đất trồng ớt hiểm, bạc hà, rau thơm. Dây mướp bò lan quấn quít trên hàng rào bằng cây phát tài, cây đủng đỉnh, quanh mấy ngôi nhà sàn có phần xộc xệch, cửa nẻo ầu ơ, dường như có chỉ để cho có.

Phần lớn nhà nằm cùng một bên, day mặt ra đường, nhìn qua bên kia là ruộng rẫy. Bắp, lúa, mía, cải, đậu, ớt, cà…

Chuối, xoài, đu đủ, bưởi, thanh long, nhãn, quít, mận, vú sữa… mọc quanh nhà, cây đang trổ bông, cây đang kết trái. Một con vịt xiêm dắt một bầy con gần hai chục đứa lạch bạch đi ngang qua sân. Dưới mỗi căn nhà sàn vài ba cái võng đung đưa. Trẻ con chạy lăng quăng chơi, mặt mũi sáng sủa, áo quần lành lặn, sạch sẽ. Người lớn ngừng tay ngước đầu nhìn ra ngõ, nở nụ cười hiền lành với khách lạ đi ngang qua.

Khách cao một thước tám, mặt mũi đỏ ửng, đôi mắt xanh trong veo như mắt mèo. Nhìn vào đôi mắt ấy cả người lớn lẫn trẻ con đều không thể đoán được cảm nghĩ của khách. Ngôn ngữ khác biệt càng đẩy cách biệt xa thêm. Nhưng người ta dễ dãi mỉm cười khi thấy cái máy ảnh trong tay khách hướng vào buồng chuối đang trổ, đống phân bò ủ với tro, trấu, rơm khô, hay hàng cải xanh mọc dài theo lối đi, trong một cái rãnh thấp, dường như đường thoát nước của một sàn rửa chén. Mấy đứa nhỏ rỉ tai nhau rồi bật cười khanh khách: “Ổng chụp hình cái cầu cá nữa mầy ơi!”.

Khi nghe giải thích tên của làng, Vĩnh Lạc, có nghĩa là “Forever Happiness”, khách có vẻ tán đồng: Cảnh trí tốt tươi, người ta vui vẻ, mặc dù nghe như cõi an lạc trong hoài niệm hay tưởng tượng hơn là hiện thực ở đâu đó trên trái đất năm 2011. Sự thực, Vĩnh Lạc là tên một cộng đồng dân cư nho nhỏ trên một cù lao giữa sông Tiền, thuộc tỉnh An Giang, có lịch sử khoảng sáu bảy chục năm. Người đàn ông ở trần, da nâu màu nắng, tóc trắng, răng lưa thưa, làm chứng: “Tôi theo ông già tôi đến ở đây hồi cù lao mới nổi, chưa có nhà cửa gì hết. Hồi đó tôi bằng cỡ mấy đứa nhỏ này”.

Cách đây ít lâu, “du lịch sinh thái” bắt đầu lan đến tận những con rạch nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long, thu hút du khách từ những đô thị hiện đại đi tìm thú vui trong hoang sơ (của thiên nhiên lẫn xã hội). Những quảng cáo du lịch này hứa hẹn đưa du khách đến những nơi “untouched by tourism”, chưa bị kỹ nghệ du lịch đụng tới, để trải nghiệm cuộc sống “thực” của dân địa phương. Khách được ngồi ghe chạy hai ba tiếng đồng hồ trên sông để cảm nhận sự xa xôi heo hút của điểm đến, không dè có đường bộ và xe hơi chạy một cái vèo là tới đó dễ dàng.

Chương trình “trải nghiệm” đời sống thực của dân địa phương gồm ngồi xe lôi, được giới thiệu như phương tiện thô sơ không còn tồn tại chốn thị thành, nhưng là phương tiện giao thông chính ở chốn heo hút quê mùa này. Khách áy náy nhìn tấm áo ướt đẫm mồ hôi của phu xe đang còng lưng đạp để “lôi” mình đi, thì thấy chốc chốc xe gắn máy chạy ào qua, tung khói bụi vào không khí nóng ran oi bức. Màn đi xe bò càng thêm kịch. Bị dằn xốc ê ẩm, khách bắt đầu thấy thương người dân bị hành xác mỗi lần di chuyển, bèn trò chuyện hỏi thăm. Người đánh xe bò thật thà nói: “Người ta đâu có đi xe này. Xe chở đồ, chở heo thôi”.

Một tua du lịch như vậy tạo được cho du khách, nhứt là khách phương Tây, ấn tượng về một vùng “Mekong Delta” chỉ có thể đến được bằng ghe xuồng (thậm chí phải chèo tay) và các phương tiện thô sơ, nơi dân chúng sống hồn nhiên với rất ít nhu cầu, lao động thủ công hoặc bán thủ công, chế biến thực phẩm bằng cách cầm một nhánh tre khuấy gạo trong một cái chảo cho đến khi hột gạo nổ ra (khách nghĩ hẳn cái máy làm bắp nổ trong chớp mắt ở nhà họ có thể khiến cả làng kinh ngạc!). Khách cũng ấn tượng hình ảnh con cá chiên xù còn nguyên vi vẩy, hay những món chuột nướng, bò cạp chiên mà họ kêu dọn ra để chụp hình chứ không ăn.

Như nghệ thuật trình diễn, phải luôn mới lạ độc đáo để hấp dẫn, kỹ nghệ du lịch cũng phải luôn dọn cho khách những món “không chỗ nào khác có”. Sau một thời gian khai thác một địa phương, “sản phẩm” trở nên thương mại hóa, du lịch hóa, khó dụ khị du khách hơn. Những người làm du lịch phải tìm ra cái “mới”. Họ đem khách đến những nơi “hẻo lánh” hơn.

Vĩnh Lạc là một điểm du lịch mới, còn “sơ khai”. Khách ngồi ghe tới nơi, lên bờ đi bộ qua làng, rồi xuống ghe ra đi. Dân làng vui vẻ chào hỏi, con nít còn thấy vui trước cảnh cả đoàn người lạ lùng đi giễu qua làng mình, gặp cây đu đủ, thấy quày dừa cũng chụp hình. Tụi con nít chạy lon ton theo khách có khi được cho kẹo, tiền hay món quà gì đó. Người ta quen dần với việc nếp sống làng mình bị du khách giẫm qua, chấp nhận dần những thay đổi trong những cuộc đời riêng vì sự xuất hiện của khách lạ. Người ta biến đổi mà nhiều khi không dè.

Đến khi “sản phẩm” đã được khai thác cạn kiệt, sự trinh nguyên hồn hậu chơn chất phóng khoáng của văn hóa địa phương biến mất hay biến dạng, những người làm du lịch lại phải đi tìm sản phẩm mới. Nhưng sau Vĩnh Lạc, biết có còn làng nào nữa?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới