Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngồi với triều cường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngồi với triều cường

Dạ Ngân

(minh họa: Đỗ Trung Quân).

(TBKTSG) – Những buổi chiều thong thả, hai vợ chồng thường rủ nhau nhảy xe buýt xuống tận cuối đường Bình Quới của Thanh Đa. Chẳng mục đích rõ ràng nào cả. Đó là chút hạnh phúc vụn vặt của những người đã về hưu mà chân tay đầu óc vẫn còn hiếu động.

Xe buýt sơn màu lá mạ có những nẹp viền màu xanh con két vui tươi nhẹ nhõm nhưng người Sài Gòn vẫn ưa tự phóng bằng xe gắn máy hơn. Một dãy xe buýt chờ tài đậu thẳng hàng theo bờ tường xanh xanh dây leo của các khu du lịch sinh thái, khung cảnh thanh bình quá đỗi. Bến đò ở sau kia, bên kia là Thủ Đức, sông nước mênh mang, mênh mang.

Đứng sát vào nhau, hai người già lẩn thẩn nghĩ những ý nghĩ như những luống cày bổi hổi bồi hồi. Anh nhìn kia, thấy không, một cụm dừa nước thoi loi ngoài đó cho thấy tàu bè nườm nượp đã sinh ra thứ sóng hàm ếch lấy mất của bờ sông Sài Gòn mỗi năm không biết bao nhiêu mét đất.

Nhớ không đoạn đường thủy Cà Mau – Đất Mũi, tàu cao tốc và ca nô du lịch đã xua dân hai bên con sông rộng lùi tít vào trong, để trơ lại những ngôi nhà gạch lở lói, hoang phế. Người đi phơi phới vì được ngắm nhìn, chỉ có nông dân sở tại là chịu đựng vì phải thắt lưng buộc bụng để có những ngôi nhà kiên cố khác. Cảnh tượng gây buồn như trong một đoạn phim về can qua, chiến trận.

Mùa mưa năm Kỷ Sửu không dài nhưng triều cường lại dữ. Biến đổi khí hậu đây mà. Dọc đường Bình Quới, ở những chỗ còn nguyên vườn tược của nông dân cố cựu bị nước lấn chiếm hết, chỉ có đường vào nhà được bê tông hóa cao lên để người ta cục cựa. Những bụi chuối kiểng vẫn cung cấp hoa cho Sài Gòn can cường đứng ngâm trong nước. Và ngó sen, rau đắng, rau ngổ, bông súng, kèo nèo… thay cho loại rau cạn vẫn ra chợ Thanh Đa mỗi ngày.

Dân không biết biến đổi khí hậu là gì, chỉ hồn nhiên than sao năm sau nước lại cao hơn năm trước. Một tuần triều cường theo trăng, hết lé đé lại quân bình, như cũ. Người dân lại cặm cụi với chuyện mưu sinh của hôm sau, của tuần sau, không để tâm nữa. Mọi sự diễn ra rất xa tâm trí họ, thủ phạm là những nước giàu hả, thiệt hôn, hậu quả đổ lên đầu những nước nghèo hả, thiệt hôn, sao bất công vậy? Họ ngơ ngác nghe và hỏi lại, nửa tin nửa ngờ, tặc lưỡi, thôi thì chuyện xa xôi quá so với miếng cơm manh áo hàng ngày, ai sao mình vậy, lo chi!

(minh họa: Đỗ Trung Quân).

Ngồi với nhau ở quán cây bần này chút đã. Bờ bao mảnh như một thỏi be sườn ngăn nước sông Sài Gòn với thềm quán. Biết không thể nào ngăn nổi nên chủ nhà hàng đã cho mấy khe hở để nước từ từ chảy vào một cái ao sen có hòn non bộ ở giữa. Một công đôi việc, không ai làm gì thì dân tự làm theo cách của họ vậy. Sông nước dạt dào, anh có thấy cây bần bao giờ chưa? Bần là cây giữ đất kiên cường hơn cây dừa nước, nếu không có cây bần đứng đây thì cái thềm quán này đã chầu hà bá lâu rồi.

Chồng nói chuyện nhà Nguyễn và thành Gia Định theo sách sử, vợ nói chuyện đom đóm trong tán bần xưa, bến đò này sẽ trụ được bao lâu, chúng ta sẽ trụ được bao lâu và, cả miền Tây cùng Sài Gòn sẽ trụ được bao lâu với biến đổi? Những khoảnh khắc yên bình tuyệt diệu nhưng quá đỗi mong manh khi nghĩ tầng ôzôn vẫn đang bị tổn thương, băng ở hai đầu trái đất vẫn đổ ầm ầm và con người vẫn bình chân mưu mô toan tính hoặc hồn nhiên lây lất qua ngày.

Trong mấy khu sinh thái của Bình Quới, cỏ là thứ đặc sản nằm trong giá thành của từng ly cà phê, từng que kem, từng suất ăn của thực khách trong các nhà hàng. Cũng đúng thôi. Vì cỏ quá xanh, quá đẹp, được chăm chút công phu. Một bãi cỏ bên gốc dừa, anh biết không, nó là tuổi thơ của mấy vạn cô gái đang làm vợ người ta ở xứ người và của những chàng trai đã liều mình đi cứu nhà giờ không biết đang chui lủi qua ngày ở đâu trong thời suy thoái toàn cầu.

Một chiếc cầu khỉ bắc qua mương bông súng để cho du khách biết thế nào là cầu khỉ, anh có dám đặt chân lên để hình dung trẻ con vùng sâu của miền Tây một sớm đến trường bỗng phải đứng khóc bên vàm kênh có một nhịp cầu khỉ hồi đêm đã nằm trên đám lục bình dưới nước. Cái vó lưới bên rạch kia nữa, cũng chỉ là kỷ vật của một thời, bây giờ sông không cá, đồng không chim vì môi trường đã bị ngấm thuốc lâu rồi. Nhưng mà phải công nhận rằng có những thứ này ở Sài Gòn để những người như chúng ta tìm về còn hơn là nhìn đâu cũng thấy bê tông và lưới điện.

Tìm một chỗ để ngồi với cỏ nhưng nước đã lấp xấp hết. Vợ chồng thích nhất những chiếc bàn dưới mái lá dừa nước dù giá một trái dừa xiêm ở đây gấp năm lần trái dừa trên chiếc xe đẩy của một cô nông dân ngoại thành vào kiếm sống. Có nhà tưởng niệm Trịnh Công Sơn gần bên, có cả Văn Cao, Sơn Nam và nhiều tượng danh nhân nữa trên cỏ. Giá như không có lũ muỗi quấy rầy thì đây là thiên đường để tình tự chứ cần gì tìm ở đâu.

Chuyện lại vòng về đề tài biến đổi khí hậu. Lại tiếc nuối ngày xưa quê nhà sông sâu nước chảy, trẻ con không biết sốt xuất huyết là gì. Nay ở miền Tây tối đến người ta phải ngồi vây quanh bếp un để xua muỗi, mỗi đợt phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ ngoài đồng muỗi giạt vô nhà đen tường đen vách chỉ muốn co giò bỏ chạy. Nhưng mà chạy đi đâu, mùa nước ở đâu cũng thấy nước, nước vây nước hãm ngày này qua ngày khác, con người bị nhấn xuống còn muỗi thì nghênh ngang con đàn cháu đống. Người dân không biết tại sao, cứ than trời trách đất và câu chuyện biến đổi khí hậu vẫn không tới với họ, mọi thứ mịt mùng và không thể nói là không tạm bợ.

Buồn quá, Sài Gòn mà còn nhiều muỗi vậy, huống chi. Thả chân ra cầu tàu, hoàng hôn trên dòng sông mấp mé nước đẹp đến muốn khóc. Em chỉ những cây nga, cây nghễ và lục bình hai bên cầu tàu để lại nhớ về miền Tây và những ngày bưng biền chiến đấu. Anh bảo quá khứ an bài, hãy tận hưởng những khoảnh khắc này đi.

Cái khoảnh khắc nào vậy? Có phải khoảnh khắc ta đang già thêm và cây cỏ đang hồi quang trong ánh chiều tà? Không, chúng đang đẹp lên vô kể trong mắt ta chiều nay, một đám cỏ, một cụm lục bình, một bóng dừa, một tán bần, một khóm hoa chuối… chúng đang đẹp lộng lẫy lên vì rằng rồi đây chúng sẽ biến mất bởi sự khinh suất của con người, lúc đó, muỗi cũng không còn, không còn gì cả, chỉ nước là nước, mênh mông, trong cuộc biến đổi mà người nông dân còn không kịp biết vì sao mọi chuyện lại ra nông nỗi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới