Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngổn ngang công trình ngầm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngổn ngang công trình ngầm

Công nhân thi công hệ thống thoát nước trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Xây dựng công trình ngầm là xu hướng tất yếu của các đô thị lớn như TPHCM. Thế nhưng, trên thực tế, ở TPHCM chuyện xây dựng và quản lý các công trình ngầm lại đang rối bời…

>> Cần hành lang pháp lý cho công trình ngầm

Việc công trình ngầm mới đụng công trình có trước, phải dừng lại, như dự án bãi đậu xe ngầm ở Công trường Lam Sơn vừa bị chính quyền TPHCM yêu cầu dừng lại giữa chừng là một thí dụ.

Xu hướng… ngầm hóa

Đường phố khu vực Miếu Nổi, quận Bình Thạnh, TPHCM, trông thoáng đãng vì mạng cáp năng lượng và cáp thông tin được “đi” ngầm. Theo KTS. Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, nếu thành phố ngầm hóa được hết hệ thống cáp treo cột điện hiện hữu thì bộ mặt đô thị sẽ được cải thiện đáng kể.

Thế nhưng, hiện nay tình trạng các loại dây điện, điện thoại… luộm thuộm như “nhện giăng tơ” lại đang bao trùm thành phố. Giữa tháng 7-2008, chính quyền TPHCM đã phải họp bàn, tìm giải pháp xóa “mạng nhện”.

Trước mắt, thành phố đã yêu cầu các cơ quan liên quan phải bó gọn “mạng nhện” lại. Nhưng theo ông Phan Phùng Sanh, Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TPHCM, về lâu dài, thành phố phải quy hoạch và xây dựng mạng lưới hầm ngầm để lắp đặt hệ thống đường dây, đường ống kỹ thuật.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng bước đầu thành phố sẽ làm thí điểm ở khu trung tâm thành phố nhưng theo ông, ngầm hóa hệ thống cáp năng lượng và cáp thông tin chỉ mới là một phép tính trong bài toán tổng thể xây dựng các công trình ngầm đô thị của TPHCM.

Thật vậy, để giải quyết các vấn đề đô thị hóc búa hiện nay như kẹt xe, ngập nước, thiếu không gian công cộng… TPHCM đang và sẽ triển khai các công trình giao thông ngầm như hầm chui Thủ Thiêm, các tuyến metro và nhiều hầm chui tại các giao lộ…; các công trình công cộng ngầm như bãi để xe, trung tâm thương mại… Hơn nữa, đô thị TPHCM đang phát triển rất nhanh, nhiều tòa nhà cao tầng đang mọc lên nhanh chóng trong khu trung tâm thành phố.

Theo KTS. Khương Văn Mười, khuynh hướng phát triển đô thị theo chiều cao như hiện nay đòi hỏi phải có nhiều chỗ đậu xe. Do đó, khi xây cao ốc, các chủ đầu tư phải tính đến tầng hầm kỹ thuật và chỗ đậu xe ngầm. Ông Nguyễn Tráng, Công ty Apave Việt Nam và Đông Nam Á, cũng cho rằng số lượng xe hơi ở TPHCM sẽ tăng nhanh trong thời gian tới nên cần phải có nhiều công trình ngầm để đáp ứng nhu cầu này.

Còn GS. Phan Văn Trường, giảng viên trường Đại học Kiến trúc TPHCM, dự báo có thể tới đây, khi xây nhà ở TPHCM, tầng hầm sẽ là sự chọn lựa của người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, với góc nhìn của nhà đầu tư, KS. Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, cho rằng TPHCM đang thiếu bãi đậu xe trầm trọng, và việc xây dựng tầng hầm dưới những khu đất công cộng là giải pháp hiệu quả nhất về mặt kinh tế.

Thực trạng ngổn ngang

Xu hướng thực tế là vậy nhưng việc thi công các công trình ngầm hiện nay đang gặp phải nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là  không ai biết rõ đang có những gì dưới các công trình ngầm hiện hữu.

Chuyện thi công gói thầu C (Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố) của liên doanh nhà thầu N.E.S là một ví dụ. Trong bản vẽ thiết kế của dự án chỉ thể hiện bảy công trình ngầm, nhưng khi thi công gặp đến 20 công trình; nào là cáp điện lực, điện thoại, chiếu sáng, ống cấp nước, thoát nước…

Vì vậy, sự cố xảy ra khi thi công là không tránh khỏi. Nhà thầu đã làm đứt 400 line điện thoại khi đào đường Nguyễn Công Trứ, quận 1.Theo Ban quản lý Dự án cải thiện môi trường nước (lưu vực kênh Bến Nghé – Tàu Hủ – Kênh Đôi – Kênh Tẻ), việc thi công thường xuyên vướng phải các công trình ngầm.

Ông Nguyễn Hữu Phước, quản lý thi công Dự án vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) cho rằng, có 60-70% điểm đào đường đụng công trình ngầm. “Thi công trên đường Phan Văn Trị, chúng tôi gặp các ống, cáp chạy dọc ngang như rừng”, ông Phước nói.

Thật vậy, có không ít trường hợp thi công một số công trình ngầm thoát nước, thuộc Dự án vệ sinh môi trường, đã phải dừng lại vì “đụng” các công trình ngầm khác. Như trường hợp thi công tuyến cống phi 800 trên đường Nguyễn Cửu Vân (quận Bình Thạnh) đụng đường ống cấp nước và cáp điện thoại, cáp điện chiếu sáng; gói thầu 12B1 trên đường Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận) đụng phải hệ thống cáp điện chằng chịt…

Thi công công trình ngầm mới đụng công trình ngầm cũ hiện nay là điều không thể tránh khỏi. Chỉ riêng Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, sáu tháng đầu năm 2008 đã để xảy ra hơn 100 vụ bể ống nước, do thi công công trình ngầm. Các đơn vị thi công công trình ngầm quy mô lớn hiện nay như dự án cải thiện môi trường nước TPHCM và dự án vệ sinh môi trường TPHCM đều cho rằng, tiến độ thi công chậm là vì ảnh hưởng của “mạng nhện” các công trình ngầm sẵn có.

Theo ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, công trình ngầm có các loại như: (i) hạ tầng kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, cáp năng lượng, cáp thông tin); (ii) giao thông (metro, hầm chui…); (iii) công trình công cộng (bãi đậu xe, cơ sở thương mại, dịch vụ…); và (iv) phần ngầm của các công trình xây dựng. Nhưng ngổn ngang nhất hiện nay chính là loại công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật.

TPHCM chưa có bản đồ quy hoạch công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật chung và một cơ quan quản lý thống nhất. Hệ thống cáp ngầm viễn thông, điện lực, điện chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông… đều được bố trí dọc các tuyến đường, nhưng lại do các cơ quan khác nhau lắp đặt và quản lý.

Vì thế hiện tượng ngành này vừa thi công xong lấp xuống, thì ngành khác lại đào lên; hay chuyện công trình ngầm sau đụng phải công trình ngầm trước diễn ra như cơm bữa… gây lãng phí lớn cho xã hội, là chuyện tất nhiên.

QUANG CHUNG

  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới