Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngôn ngữ thời nay…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngôn ngữ thời nay…

Nguyễn Hữu Thiện

minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Không biết từ bao giờ mà “tư thương ép giá” lại trở thành cách diễn đạt đầy bức bối, đến nỗi “tư thương” cứ như là những người xấu, tham lam, chuyên mua rẻ bán mắc… Cho nên khi nông sản được mùa mất giá thì cứ đổ “tư thương ép giá” là xong.

1. Nhưng tư thương là ai? Có phải đó là những anh Tư, chị Năm dành dụm tiền sắm chiếc ghe hay chiếc xe tải nhẹ để thức khuya dậy sớm, mua gom nông sản ra huyện ra tỉnh bán cho mối rồi đến chành, đến vựa, đến công ty? Đã có “tư”, phải có “công”. Vậy “công thương” là ai? Chắc là công ty nhà nước (vì nếu là công ty tư nhân thì rốt cuộc cũng là tư thương). Nhưng “tư thương ép giá” mà “công thương” có ép giá không? Nếu không thì sao “công thương” không đến tận ruộng mua cho nông dân nhờ?

Trên TBKTSG số 29-3-2012 trong bài Mua tạm trữ lúa gạo: chiếc phao hay rào cản? có đoạn “…hiện 89 doanh nghiệp hội viên của VFA thu mua (lúa) với giá thấp nhất là 5.150 đồng/ki lô gam… tuy nhiên, mức giá VFA tuyên bố chỉ là giá mua tại kho của doanh nghiệp, thực tế nông dân không thể nào bán được với mức giá này bởi nếu nông dân bán qua thương lái sẽ bị thương lái ép giá để khấu trừ các chi phí vận chuyển, bốc vác; còn nếu nông dân chở lúa tới kho doanh nghiệp sẽ phát sinh chi phí vận chuyển…”.

Còn ở Bến Tre thì “các doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều niêm yết giá thu mua 4.200 đồng/trái dừa, tức hơn 50.000 đồng/chục (12 trái). Tuy nhiên khi gặp dân ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm… thì thấy nông dân chỉ bán được 40.000-42.000 đồng/chục” bởi “nông dân thiếu thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu nên chấp nhận bán giá rẻ mà thương lái đưa ra” (Tuổi Trẻ online, ngày 3-4-2012).

Thì ra vậy. “Công thương” thì ngồi tuốt trên tỉnh hay thành phố, phát ra mức giá; “tư thương” sẽ lặn lội mua gom đem về cho “công thương”. Công cán len lỏi sông rạch, chi phí xăng dầu, ăn uống, khuân vác… sẽ tính vào đâu nếu không “ép giá” bởi ông “công thương” trước sau chỉ… một giá đã phát.

Mà cũng không thấy tư thương nào lên tiếng “thanh minh thanh nga” xem chuyện mua gom, làm “cầu nối” tiêu thụ từ nông dân tới công thương phải cực khổ làm sao, rủi ro thế nào, được mấy đồng lời..? Nếu quả thật cái “nghề ép giá” dễ làm, ngon ăn thì hẳn đã có nhiều “tư thương” lắm?

2. Ở sân bay Nội Bài có hai mẫu thùng rác mang màu xanh và màu vàng. Thùng rác màu xanh ghi chữ tiếng Việt là Rác tự phân hủy, tức rác hữu cơ như vỏ chuối thì bỏ vào đây nhưng dòng tiếng Anh lại là Recyclable thì Tây sẽ hiểu là rác tái chế được như lon bia, họ sẽ bỏ vào thùng này. Thùng rác màu vàng thì ghi tiếng Việt là Rác không phân hủy (như vỏ lon bia) thì bỏ vào đây, nhưng dòng tiếng Anh lại là Non-recyclable thì Tây lại hiểu là rác không tái chế được (như vỏ chuối chẳng hạn) bỏ vào đây. Chỉ có thùng rác mà “ông nói gà, bà hiểu vịt”, ta bỏ vỏ chuối thì Tây bỏ lon bia, vậy thì mong gì “phân loại rác tại nguồn” hay những chuyện lớn lao hơn?

Cũng lại chữ nghĩa nhưng nhìn pano tuyên truyền “An toàn giao thông là không tai nạn” thì trong đầu bỗng “sáng ra” là “ban ngày thì không phải ban đêm”, “no là không đói”, “mệt là không khỏe”. Vậy mà hồi nào đến giờ không nghĩ ra. Hay ở một vùng quê, có câu khẩu hiệu kêu gọi “Hãy bảo vệ trái đất!”. Thử hình dung, nếu hỏi một bác nông dân về câu khẩu hiệu trên thì chắc bác ấy sẽ thành thật cho rằng “tui đọc hổm rày mà hổng biết trái đất là trái gì, nhà tui thì hổng có trồng loại trái này”. Rồi có khi bác ấy lại đâm lo ngang “Mà nó bị sâu rầy hay sao? Xài thuốc gì để bảo vệ trái đất?”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới