Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngư dân làm khổ chính mình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngư dân làm khổ chính mình

Hồng Văn

Thuyết phục chủ tàu cá thay đổi thói quen, đánh bắt hải hản phải ghi nhật ký và báo cáo khai thác không dễ chút nào-Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Hơn 4 tháng trôi qua kể từ khi quy định xuất khẩu thủy sản từ khai thác biển phải có có chứng nhận xuất xứ mới được phép xuất khẩu vào thị trường EU có hiệu lực, gọi tắt là quy định IUU, nhưng tới nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khó mà suy cho cùng, bắt nguồn từ chính ngư dân và cơ quan quản lý.

Công ty Pataya Food Industries Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn của Thái Lan ở Cần Thơ lẽ ra phải nhận được giấy chứng nhận khai thác hải sản (Catch Certificate – C/C) cho các lô hàng nguyên liệu hải sản của mình chờ xuất đi EU từ cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Kiên Giang, cái mà công ty nhận được, lại là một công văn.

Trong công văn này, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Kiên Giang, theo quy định, đã yêu cầu công ty phải gửi kèm hồ sơ là nhật ký khai thác của các chủ tàu bán nguyên liệu cho công ty thì mới được cấp C/C.

Chuyện tưởng rằng quá đơn giản, chỉ cần nói các chủ ghe tàu bán nguyên liệu cho công ty đưa nhật ký khai thác là xong, ai dè đại điện công ty cho biết, các chủ tàu chẳng hề có nhật ký khai thác do họ không thực hiện việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác cho dù nhiều lần công ty bàn bạc với họ.

“Phần lớn ngư dân đều trả lời rằng họ không quan tâm đến những quy định này, nếu công ty không mua hàng, họ có thể bán cho các công ty không xuất khẩu vào thị trường EU”, đại diện công ty cho hay. Điều đáng nói là 90% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của công ty phụ thuộc vào thị trường EU.

Không riêng gì Công ty Pataya Food Industries Việt Nam mà hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản có nguồn gốc từ đánh bắt và xuất sang thị trường EU đang gặp rất nhiều khó khăn khi xin chứng nhận C/C, cho dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý thủy sản địa phương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tập huấn cho doanh nghiệp, phổ biến quy chế IUU cho ngư dân và doanh nghiệp.

“Ghi nhật ký khai thác hay không ghi của các chủ tàu, doanh nghiệp đâu có quyền bắt ngư dân phải làm nhưng nếu ngư dân ai cũng không ghi, doanh nghiệp không xuất được vào thị trường EU thì chính ngư dân đã làm khổ mình”, một doanh nghiệp thủy sản bức xúc cho hay.

Do hiện nay, chỉ có thị trường EU có quy định về xuất xứ của các lô hàng đánh bắt, các thị trường khác thì không nên nhiều chủ tàu dựa vào cái lý “không bán được cho doanh nghiệp này thì bán cho doanh nghiệp khác”.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp thủy sản, EU là thị trường xuất khẩu lớn hiện nay, một khi việc xuất khẩu vào EU gặp khó thì các thị trường khác khó lòng “gánh” hết và thủy sản đánh bắt của ngư dân bị tác động về giá cả, thị trường tiêu thụ.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Thuận Phước ở Đà Nẵng cũng cho rằng thói quen của ngư dân không dễ, nhà nước cần nên có những quy định mang tính bắt buộc, vì hiện tại chỉ có thị trường EU, trong tương lai, có thể nhiều thị trường khác áp dụng những quy định tương tự IUU. “Suy cho cùng, quy định nguồn gốc lô hàng cũng là cách đánh bắt, chế biến thủy sản có trách nhiệm với cộng đồng, môi trường”, ông nói.

Hơn nữa, thực hiện ghi sổ nhật ký khai thác và thực hiện các quy định khác để được cơ quan thẩm quyền cấp C/C cũng là cách tập dần cho khai thác thủy sản Việt Nam đi vào bài bản, hiện đại.

Hồi đầu năm nay, khi triển khai quy chế cấp C/C cho các lô hàng của doanh nghiệp thủy sản xuất đi EU, Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep) đã lường trước những khó khăn một khi ngư dân lười ghi nhật ký khai thác, nên đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc bộ triển khai hướng dẫn ngư dân các địa phương thực hiện các quy định của IUU, trong đó với ngư dân là nhật ký khai thác.

Thậm chí, theo Vasep, nhiều doanh nghiệp thủy sản chế biến từ nguyên liệu khai thác biển để xuất khẩu sang EU đã chủ động hướng dẫn các ghe tàu đánh bắt, các nậu vựa, đại lý của công ty các quy định mới.

Tuy nhiên, do tập quán, thói quen của ngư dân, cho tới nay, nhiều chủ tàu vẫn không ghi nhật ký và họ đã làm khổ doanh nghiệp, nhưng rồi đây cũng sẽ tới lượt ngư dân gặp khó bởi chính thói quen của họ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới