Thứ Bảy, 10/06/2023, 04:10
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Ngư dân sợ đi biển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngư dân sợ đi biển

Tàu thuyền đánh cá ở Bình Thuận đang nằm bờ chờ biển yên, giá lặng – Ảnh: VĂN NAM

(TBKTSG Online) – Từ sau Tết đến nay, số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản ở tỉnh Bình Thuận “xuất hành” trở lại chiếm chưa tới 1/3 trên tổng số 7.400 thuyền đánh bắt của tỉnh, chủ yếu vì ngư dân sợ lỗ.

Ông Đỗ Thành Do, giám đốc Sở Thủy sản Bình Thuận, cho biết nhiều ngư dân ở đây chưa muốn xuất hành trở lại còn vì giá dầu tăng cao từ ngày 25-2, khiến ngư dân càng sợ lỗ. “Nếu nhà nào có 3 chiếc ghe thì họ chỉ đi biển một chiếc, những nhà nào có một chiếc thì neo ghe nằm chờ”, ông Do nói.

Biển động, giá dầu tăng, giá thu mua hải sản thấp khiến không chỉ ngư dân ở Bình Thuận lâm vào cảnh khó khăn mà ngay cả các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản ở đây cũng đang đau đầu tìm giải pháp duy trì sản xuất vì thiếu nguồn nguyên liệu.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Bình Thuận cho biết, hầu hết ngư dân đang yêu cầu các doanh nghiệp tăng giá thu mua thêm 20% nữa để có thể trang trải chi phí và có chút lời.

“Bình Thuận hiện có khoảng 40 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. Trước yêu cầu tăng giá thu mua hải sản của bà con ngư dân, nhiều doanh nghiệp chưa thể chấp nhận ngay vì họ còn phải thỏa thuận lại giá bán với các khách hàng nước ngoài”, ông Tiến trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trong khi đang ở TPHCM để đàm phán giá cả với một số khách hàng nước ngoài.

Theo ông Tiến, nhiều doanh nghiệp từ Tết đến giờ chỉ thu mua được khoảng 50% lượng hàng so với cùng thời điểm năm ngoái. Nếu muốn tiếp tục sản xuất, các doanh nghiệp trước sau cũng phải chấp nhận tăng giá thu mua cho ngư dân.

Ông Trần Văn Hiến, chủ doanh nghiệp tư nhân Hải Hiến ở thành phố Phan Thiết, Bình Thuận cho biết, ông đang sở hữu 4 tàu loại 500CV, chuyên thu mua hải sản dài ngày trên biển. Bình quân mỗi chiếc tàu đi 15 ngày trên biển tiêu thụ khoảng 10.000 lít dầu.

Ông Hiến nhẩm tính: “Với giá dầu tăng thêm 3.700 đồng/lít (dầu Diesel 0,25%S tăng từ 10.200 đồng/lít lên 13.900 đồng/lít), tiền dầu tôi phải chi thêm cho mỗi chiếc là 37 triệu đồng/chuyến. Tính tổng cộng 4 chiếc, thì mỗi chuyến thu mua bây giờ tôi phải trả thêm ít nhất 148 triệu đồng”.

Đó là chưa kể khi ông Hiến mua dầu tại đảo Phú Quý thì giá bán mỗi lít dầu được cộng thêm 2% chi phí vận chuyển từ đất liền ra đảo. “Nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc đi biển cũng đua nhau tăng giá khiến việc đi biển càng trở nên khó khăn hơn. Nếu không khéo cân đo và tiết kiệm thì khả năng huề vốn và bị lỗ là rất cao”, ông Hiến tỏ ra lo lắng.

Trao đổi với một số ngư dân ở Bình Thuận đang “gác” ghe thuyền, họ cho biết đã phản ánh lên cơ quan chức năng rằng giá dầu tăng cao khiến họ không biết phải xoay sở thế nào. Nhiều nhà từ sau Tết đến giờ chỉ “trúng” toàn cá cơm, giá bán chỉ 5.000 đồng/kg, thế là… nằm nhà vì sợ đi tiếp lại lỗ.   

Chính phủ đã tính đến giải pháp hỗ trợ cho ngư dân theo phương thức cấp một phần chi phí tăng thêm về giá dầu cho chuyến đi biển; ngoài ra còn hỗ trợ thay máy tàu từ loại tiêu hao nhiều nhiên liệu sang loại tốn ít nhiên liệu.

Khi được hỏi về việc bà con ngư dân tại Bình Thuận đã được hỗ trợ thêm về chi phí dầu chưa, ông Do cho biết hiện Sở Tài chính tỉnh đang tham mưu cho Bộ Tài chính đề xuất phương án hỗ trợ ngư dân cụ thể để trình Chính phủ phê duyệt. Nhưng còn thời điểm bắt đầu việc hỗ trợ thì ông Do lắc đầu: “Vẫn chưa biết cụ thể, chắc khoảng… vài tháng sau”.

Như vậy, trong thời gian sắp tới, bà con ngư dân lại phải tiếp tục cùng lúc chống chọi với hai cơn bão, bão biển một bên và “bão giá” một bên!

 VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới