Ngưng cho vay vàng: công ty nữ trang gặp khó
Thủy Triều
![]() |
Việc không được vay vốn bằng vàng từ ngân hàng sẽ khiến các công ty nữ trang gặp khó khăn hơn. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG Online) – Từ ngày 1-5, các ngân hàng không được thực hiện việc cho vay vàng kể cả đối với nhu cầu chế tác nữ trang theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo nhiều công ty kinh doanh nữ trang vàng, vấn đề này đang ít nhiều gây khó khăn cho họ.
Lãnh đạo một công ty nữ trang lớn cho biết từ trước đến nay công ty vẫn vay vàng từ ngân hàng về để chế tác nữ trang rồi bán và phần vốn vay từ ngân hàng chiếm một phần khá đáng kể trong tổng vốn của công ty. Cho nên, việc ngừng cho vay đối với nhu cầu chế tác nữ trang sẽ gây khó khăn cho các công ty nữ trang.
Việc ngưng cho vay, theo Ngân hàng Nhà nước, sẽ áp dung cho cả các hợp đồng vay vàng đã ký nhưng chưa giải ngân hoặc mới giải ngân một phần.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết việc ngân hàng ngừng cho vay vàng đối với các công ty kinh doanh nữ trang ít nhiều cũng có tác động đến hoạt động của công ty. Bởi vì đối với vàng nữ trang, các công ty thường phải chôn một lượng vốn vào đây vì sau khi chế tác phải để nữ trang một thời gian dài ở các cửa hàng chờ bán, và thường lượng vốn vàng này là vốn vay từ phía các ngân hàng với lãi suất không quá cao.
Bà Cúc cho biết hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã cấm các ngân hàng cho vay vàng kể cả để chế tác nữ trang thì các công ty như PNJ một thời gian trước đó đã phải cân đối, tự xoay xở nguồn vốn để đảm bảo hoạt động của mình.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần ở quận 1 cho biết các công ty nữ trang có nhu cầu nếu không vay vàng được nữa thì buộc phải chuyển sang vay tiền đồng sau đó mua vàng để chế tác. Thế nhưng chi phí của các công ty sẽ bị đội lên cao vì lãi suất cho vay hiện đang xoay quanh mức 20% mà vay được vốn cũng không dễ dàng, ông nói.
Do không thể cho vay vàng được nữa nên hiện nay hầu hết các ngân hàng đều hạ lãi suất huy động vàng xuống thấp, chỉ còn dưới 1%/năm. Ngân hàng Nhà nước cho phép việc huy động vàng thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng vàng được tiếp tục cho đến ngày 1-5-2012.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, hiện tại số lượng vàng huy động được với lãi suất không đáng kể cũng có thể giúp đảm bảo về thanh khoản cho ngân hàng. Bà cũng cho hay gần đây khi lãi suất huy động vàng xuống thấp, thì cũng có một lượng khách hàng bán vàng trong tài khoản cho ngân hàng để chuyển sang tiền đồng.Từ ngày 4-5, Đông Á đã giảm lãi suất huy động vàng xuống còn từ 0,2%-0,4%/năm và khách hàng không được rút trước hạn.
Bên cạnh việc ngưng cho vay vàng, hiện nay, các ngân hàng cũng không thể bán vàng để chuyển sang tiền đồng như trước nữa cho nên hiệu quả hoạt động của những ngân hàng trước nay có thế mạnh về vàng trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng do vàng nằm tồn trong kho mà không làm được gì.
Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank cho biết tại đại hội cổ đông thường niên của ngân hàng ngày 23-4 rằng hiện ngân hàng đang quản lý khối lượng vàng hơn 13 tấn, bao gồm huy động từ khách hàng và các nguồn khác, trong đó 7 tấn đã được dùng để cho vay và phần còn tồn lại khoảng 6 tấn. Hoạt động kinh doanh vàng của Eximbank thời gian qua mặc dù không hiệu quả cao nhưng chưa đến mức bị lỗ.
Còn tại đại hội cổ đông ngày 26-4, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết tỷ lệ tài sản sinh lời của ngân hàng này trong năm nay khoảng 86-88% nhưng tỷ lệ này sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính sách rất lớn. Trong điều kiện Nhà nước hạn chế hoạt động kinh doanh vàng, cho vay và huy động vàng, thì có thể có một lượng lớn tài sản huy động đặc biệt là vàng sẽ buộc giữ tồn kho, ông Hải nói.