Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngừng xuất khẩu than theo đường tiểu ngạch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngừng xuất khẩu than theo đường tiểu ngạch

Việc ngừng xuất khẩu than tiểu ngạch từ ngày 1-6-2008 là một trong những giải pháp của Chính phủ nhằm chấm dứt việc khai thác, kinh doanh than trái phép – Ảnh minh họa: baothuongmai.com.vn

(TBKTSG Online)- Ngừng xuất khẩu than theo đường tiểu ngạch từ ngày 1-6-2008 là một trong những biện pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than trái phép đang diễn ra phức tạp tại Quảng Ninh.

Theo đó, từ ngày 1-6 tới, Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ ngừng xuất khẩu than theo hình thức buôn bán biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch), chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Việc xuất khẩu than sẽ chỉ do TKV thực hiện trực tiếp và giao cho một thành viên là Công ty Coalimex-TKV cùng thực hiện.

Có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ phải nhập than trong tương lai. Vì vậy, cơ quan quản lý cần phải xác định than là mặt hàng ngang với xăng dầu, điện khí đốt trong chiến lược an ninh năng lượng để quản lý tiêu thụ chứ không thể thả nổi như hiện nay. Do đó, việc xoá bỏ bán than tiểu ngạch vào tháng 6-2008 được đánh giá cũng chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp lâu dài được đề xuất là chỉ khai thác đủ tiêu dùng trong nước, bỏ hoàn toàn xuất khẩu than.

Theo báo cáo từ tỉnh Quảng Ninh lên Chính phủ, trong những năm gần đây việc khai thác của TKV tại tỉnh này đều không theo quy hoạch với số lượng lớn. Năm 2007, TKV khai thác 41,3 triệu tấn, tiêu thụ 42,8 triệu tấn, xuất khẩu 25,5 triệu tấn. Trong quí 1 năm 2008 sản xuất trên 12 triệu tấn, tiêu thụ 9,091 triệu tấn, xuất khẩu 4,1 triệu tấn.

Tuy nhiên, tại cuộc họp của Chính phủ và các đơn vị liên quan hôm 23-4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phê bình các đơn vị khi không nắm được những số liệu chính xác về tình hình khai thác, chế biến và kinh doanh than trái phép. 

Đặc biệt, tình hình kinh doanh than trái phép càng diễn biến phức tạp vào đầu năm 2008 khi hoạt động khai thác than trái phép ngày càng lan rộng, chủ yếu diễn ra trong ranh giới quản lý tài nguyên than của các đơn vị trực thuộc TKV, đặc biệt là các khu vực thuộc huyện Đông Triều, ở các xã Mạo Khê, Yên Thọ, Hồng Thái, Hoàng Quế, Tràng Khê, Tràng Lương, và các xã của huyện Hoành Bồ. 

Các hoạt động khai thác than trái phép diễn ra tại các hầm lò và khai thác lộ thiên, có những nơi có quy mô lớn, sử dụng các phương tiện cơ giới như máy xúc, máy ủi cỡ lớn, ô tô trọng tải 10-15 tấn trở lên cùng với hàng trăm lao động làm việc cả ngày lẫn đêm. Nghiêm trọng hơn, có mỏ khai thác sát chân cột điện cao thế dẫn đến mất an toàn cho lưới điện. Việc lập các bến bãi kinh doanh than trái phép diễn ra phức tạp. Các bến cảng chế biến và tiêu thụ than trái phép nằm đan xen với các cảng của TKV.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, việc lập các bến bãi kinh doanh than trái phép trên tuyến bờ biển diễn ra rất lộn xộn. Trên 50% các doanh nghiệp sử dụng bến bãi tiêu thụ than không nằm trong số các cụm cảng đã được quy hoạch. Việc vi phạm này, theo Bộ Công Thương, đã gây thất thoát tài nguyên, đe doạ phá vỡ quy hoạch phát triển ngành than, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan, an toàn và kéo theo nhiều hậu quả xã hội khác.

Cũng theo báo cáo từ Quảng Ninh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu than phức tạp thời gian vừa qua. Hiện nay nhu cầu than trong nước và thế giới tăng dẫn đến giá than tăng cao, kích thích tình trạng khai thác, mua bán trái phép bùng phát. Ranh giới quản lý tài nguyên của TKV rất rộng, địa bàn hiểm trở, có nhiều khu dân cư nằm đan xen trong ranh giới các mỏ tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân lợi dụng diện tích đất được giao(trồng rừng, đất ở, mở đường dân sinh…) để khai thác, chế biến và kinh doanh than trái phép dẫn đến công tác bảo vệ và quản lý tài nguyên khó khăn, phức tạp.

Một nguyên nhân nữa được chỉ ra trong cuộc họp nêu trên là công tác quản lý nhà nước về khai thác, chế biến, kinh doanh than của cả chính quyền địa phương và TKV còn có nhiều hạn chế, bất cập và không theo kịp tình hình trong nước và thế giới

Trước những diễn biến phức tạp nêu trên, bên cạnh việc sẽ chấm dứt hoàn toàn việc xuất khẩu tiểu ngạch thì một loạt biện pháp khác đã được kiến nghị lên Chính phủ nhằm đưa hoạt động khai thác khoáng sản than vào trật tự.

Cụ thể, để có cơ sở kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than trên toàn quốc, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính để cấp phép hoạt động khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản theo thẩm quyền. Còn Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ chế lập và sử dụng kinh phí trong việc quản lý về, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường lực lượng hỗ trợ cho bộ đội biên phòng và Công an tỉnh Quảng Ninh trong công tác kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển trái phép khoáng sản trên toàn tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh.

HẠNH LIÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới