Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người bạn Nhật của nông dân Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người bạn Nhật của nông dân Việt Nam

Đức Tâm

Người bạn Nhật của nông dân Việt Nam
Mayu Ino (ở giữa) cùng một cán bộ trung tâm khuyến ngư Bến Tre giới thiệu văn hóa ẩm thực của địa phương tại một triển lãm ẩm thực được tổ chức tại Hàn Quốc năm 2015 – Ảnh: Mayu Ino

(TBKTSG Online) – Theo lời giới thiệu của một nông dân Bến Tre, một ngày đầu tháng 12-2015 tôi tìm gặp cô Mayu Ino, người sáng lập tổ chức “Từ hạt giống đến bàn ăn” (Seed to Table), một tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ nông dân Việt Nam trong việc bảo tồn hạt giống, cải thiện sinh kế người nghèo và sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Cô Mayu Ino đến Việt Nam từ năm 1997 trong vai trò nhân viên của một tổ chức phi chính phủ Nhật Bản giúp đỡ phát triển bền vững nông thôn bằng cách chuyển giao những kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân. Năm 2009 dự án không còn tiếp tục, nhưng với cái duyên gắn bó với Việt Nam, Mayu quyết định thành lập tổ chức phi chính phủ “Từ hạt giống đến bàn ăn” và tiếp tục con đường đi cùng người nông dân Việt.

Trước mặt tôi là một phụ nữ người Nhật nói tiếng Việt thông thạo với giọng chuẩn miền Bắc. 18 năm sống ở Việt Nam, khoảng thời gian đủ dài để mang đến cho Mayu nhiều kỷ niệm đáng nhớ, vui có, buồn có với những người nông dân.

Từ hạt giống …

Tại sao lại bắt đầu từ hạt giống mà không phải từ “trang trại đến bàn ăn” theo xu hướng mà nhiều người đề cập? Về lý thuyết, hẳn ai cũng có thể tìm được câu trả lời cho chính mình rằng đại ý hạt giống là khâu đầu tiên, là nơi bắt đầu vòng đời của một nông sản … Tuy vậy, câu chuyện của Mayu lại hấp dẫn hơn rất nhiều. Nó đến từ thực tế trải nghiệm của chính cô với đồng bào dân tộc người Mường ở Hòa Bình.

Mayu nhớ lại, năm 2005 bà con dân tộc được giới thiệu giống lúa lai với lời quảng cáo đây là giống lúa tốt, cho năng suất cao. Bà con tin và trồng. Kết quả là giống mới bị sâu bệnh, một loại bệnh mà bà con chưa từng thấy, và dịch bệnh còn lây cả sang các giống cây bản địa, phải mất 3 năm để điều chỉnh. Mọi việc tạm ổn với giống cây mới thì đến năm 2009, bà con lại không còn giống mới này để sử dụng do nguồn cấp giống từ Tứ Xuyên – Trung Quốc bị gián đoạn. Cuộc sống lại khó khăn. Trong cái rủi có cái may, bà con quay lại với giống bản địa, loại giống đã qua sàng lọc của tự nhiên, chịu được thời tiết và kháng sâu bệnh mà tổ tiên để lại cho bà con.

“Thực tế trồng trọt và so sánh cho thấy việc dùng giống lúa mới vừa mất tiền, năng suất lại không cao như người ta nói”, Mayu chia sẻ và cho biết đó là lý do cô bắt đầu dự án với mong muốn bảo tồn những giống cây bản địa tại các địa phương.

Câu chuyện diễn ra cách đây 10 năm có lẽ vẫn đáng cho những người quan tâm đến nông nghiệp suy ngẫm khi hiện nay nhiều giống cây trồng bản địa đã mất đi. Sự đa dạng của nông nghiệp có khuynh hướng trở nên bị đồng dạng hóa với những giống cây chuyên dùng cho thương mại, thậm chí kể cả những giống cây chuyển đổi gen còn đang gây nhiều tranh cãi cũng được phép chính thức cho canh tác.

Hiện nay, ngoài dự án bảo tồn giống bản địa ở Hòa Bình, tổ chức Seed to Table còn có 3 dự án khác, trong đó có hai dự án tập huấn nông dân trồng rau hữu cơ tại Hòa Bình và Bến Tre; một dự án xây dựng ngân hàng con giống để cải thiện sinh kế hộ nghèo ở Bình Đại – Bến Tre. Tất cả đều hoạt động xung quanh triết lý đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập người nông dân dựa trên các nguồn lực có sẵn tại địa phương và thân thiện với môi trường.

Từ câu chuyện hạt giống, Mayu chuyển sang câu chuyện trồng rau hữu cơ, những câu chuyện để lại cho cô nhiều cung bậc cảm xúc.

Năm 2012 Mayu hướng dẫn bà con tại một xã ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trồng rau theo phương pháp hữu cơ, tuyệt đối không dùng hóa chất và thuốc hóa học bảo vệ thực vật.

Dự án triển khai được một năm, nhà nông quen dần với hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ. Tình cảm giữa bà con nông dân và Mayu trở nên thân thiết. Rồi bất ngờ những người nông dân này bỏ Mayu chạy theo dự án trồng rau an toàn với lý do đơn giản là họ được hỗ trợ hoàn toàn vật tư nông nghiệp.

Sở dĩ nói rằng nông dân bỏ Mayu vì việc họ không theo dự án đẩy Mayu vào tình thế khó khăn mà có lẽ những bà con nông dân này không lường tới. Seed to Table là một dự án phi chính phủ và nhận tiền tài trợ từ các doanh nghiệp cũng như Chính phủ Nhật để hoạt động. Để nhận được tài trợ, Mayu phải trình bày những việc mà tổ chức của cô sẽ làm, trong đó có việc giúp đỡ triển khai nông nghiệp hữu cơ tại xã nêu trên. Do đó, khi nông dân bỏ ngang dự án, ít nhiều ảnh hướng đến kế hoạch mà Mayu cam kết thực hiện với các nhà tài trợ.

“Cũng một năm sau đó, khi chương trình trồng rau an toàn không còn được hỗ trợ, bà con xin quay lại với tôi nhưng tôi từ chối. Tình cảm là tình cảm còn công việc là công việc. Tôi không thể làm việc với những người thiếu sự cam kết và thất hứa như vậy”, Mayu chia sẻ.

Như vậy, dự án xem như thất bại. Chị rút ra được kinh nghiệm gì chăng? Tôi hỏi. Và câu trả lời của Mayu thật sự bất ngờ.

“Người rút kinh nghiệm phải là nông dân chứ. Đâu phải tôi. Cái này ai có thể lường trước được? Làm việc với bà con, không biết chắc được điều gì sẽ xảy ra. Phần mình, chỉ biết nỗ lực làm tốt nhất có thể là được rồi”, Mayu nói.

Đến bàn ăn

Sự cố ở Bình Đại không làm Mayu nản lòng. Hiện cô đang tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn tập huấn kỹ thuật cho các hộ nông dân trồng rau hữu cơ tại huyện Ba Tri – Bến Tre. Tham gia các lớp học này, người nông dân không những không đóng tiền học phí mà còn được hỗ trợ chi phí đi học.

Để tăng thêm niềm tin của nông dân vào mô hình, đầu tháng 12 vừa rồi, Mayu đã tổ chức đưa nông dân Bến Tre ra Hà Nội để tham khảo kinh nghiệm từ những người làm rau hữu cơ thành công.

Không dừng ở đó, Mayu còn cố gắng kết nối với các nhà hàng, tổ chức các chương trình ẩm thực nơi người nông dân trực tiếp giới thiệu sản phẩm họ trồng với các đầu bếp nổi tiếng và người tiêu dùng để qua đó họ có thể giới thiệu sản phẩm rau hữu cơ rộng rãi hơn đến cộng đồng. 

Sau buổi giới thiệu về rau hữu cơ do nông dân Bến Tre trồng tại một nhà hàng Nhật ở Quận 1, TPHCM ngày 9-12 vừa qua, đã có một số khách hàng Nhật quan tâm tìm đến đặt mua rau.

“Đó là điều đáng mừng”, Mayu nhận xét, và bổ sung: “nhưng cần lưu ý thị trường của người Việt rộng lớn hơn nhiều. Người Việt mua rau do người Việt trồng là hay nhất, bền vững nhất”.

Năm 2011, Mayu từng triển khai một dự án tương tự tại tỉnh Hòa Bình. Thời gian đầu có 48 nhóm nông dân, mỗi nhóm tối thiểu năm hộ gia đình, đăng ký tham gia, một năm sau còn 20 nhóm, năm sau nữa thì chỉ còn 5 nhóm, và đến nay, chỉ có 4 nhóm được cấp chứng nhận hữu cơ PGS (1).

Do vậy, với dự án đang diễn ra tại Ba Tri, Mayu rất thực tế khi chia sẻ cô không kỳ vọng tất cả những người tham gia khóa học đều sẽ thay đổi phương thức canh tác. Điều mong muốn qua các khóa học, như cô nói, là “thay đổi quan điểm nhận thức của con người là chính. Nếu không thay đổi được nhận thức thì có đầu tư bao nhiêu tiền cũng vô ích. Mà nhận thức thì không phải ai cũng có thể thay đổi được”.

Bên cạnh các dự án trên, Mayu còn xây dựng “ngân hàng con giống” để cung cấp giống gia súc, gia cầm và kỹ thuật chăn nuôi giúp hơn 1.000 hộ gia đình khó khăn ở Bình Đại cải thiện cuộc sống.

Xin đưa một ví dụ để dễ hiểu về cách ngân hàng này hoạt động. Người dân sẽ được cho vay một con bê và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khi con bê trưởng thành và sinh con, người dân sẽ trả lại ngân hàng một con bê con. Như vậy người dân được con cá và cần câu trong khi con cá ban đầu hỗ trợ dự án của tổ chức Seed to Table được luân chuyển sang người khó khăn khác.

Bên cạnh giá trị hữu hình có thể cân đo đong đếm được, Seed to Table còn mang đến nhiều giá trị vô hình khác. Trong đó, quan trọng nhất là cách tổ chức này giúp nông dân thay đổi nhận thức, từ việc nói dối không biết chữ để không ghi sổ theo dõi chăn nuôi trong giai đoạn ban đầu chuyển sang ghi chép chủ động để quản lý hiệu quả chăn nuôi.

Trên đây chỉ là một vài câu chuyện tiêu biểu trong số rất nhiều chuyện mà Mayu, một người bạn đến từ Nhật, giúp đỡ người nông dân và nông nghiệp Việt Nam.

Trong khi một số người lợi dụng chức quyền để lấy đi từng con gà của người dân thì Mayu xây dựng một ngân hàng gia súc gia cầm đến để người dân nghèo cải thiện cuộc sống. Trong khi nhiều người mất dần niềm tin vào nông dân thì Mayu đang cố xây dựng lại niềm tin bởi cô tin rằng vẫn có những người nông dân tiên tiến, có thể thay đổi nhận thức và trở thành hạt giống lan tỏa sự thay đổi tích cực tiếp theo. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói Mayu đang gieo những “hạt giống” phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện ở khu vực nông thôn. Và hoàn toàn không quá khi gọi Mayu là “người bạn của nông dân Việt Nam”.

(1) PGS (Participatory Guarantee System – Hệ thống bảo đảm cùng tham gia) là hệ thống cấp chứng nhận hữu cơ cho nhóm hộ nông dân theo hình thức đảm bảo các bên cùng tham gia, bao gồm người nông dân, đơn vị cấp chứng nhận – hiện là các liên nhóm và Ban điều phối PGS tại các địa phương, và kể cả người tiêu dùng. Để được cấp chứng nhận PGS, ít nhất 5 hộ nông dân phải hợp lại thành một nhóm canh tác theo phương pháp hữu cơ dưới sự kiểm tra của các liên nhóm và Ban điều phối PGS tại các địa phương. Chỉ những nhóm thực hiện sản xuất đúng yêu cầu mới được cấp chứng nhận. Vào năm 2004, Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) chấp nhận PGS là một hệ thống đảm bảo có giá trị cho các sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là cho thị trường nội địa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới