Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người cuối cùng dệt  lãnh Mỹ A

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người cuối cùng dệt  lãnh Mỹ A

Khung cửi dệt lãnh bằng gỗ.

(TBKTSG) – Làng lụa Tân Châu với sản phẩm lãnh Mỹ A nổi tiếng một thời giờ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Thời vang bóng, làng lụa có hàng trăm cơ sở dệt giờ chỉ còn duy nhất cơ sở Tám Lăng gắng gượng với nghề. Chủ cơ sở là một ông lão 81 tuổi với trên 20 năm tuổi nghề – ông Nguyễn Văn Long, tên thường gọi Tám Lăng…

Người cuối cùng dệt lãnh

Cơ sở Tám Lăng không lớn lắm, xung quanh được vây bằng lưới B40, mái lợp tôn. Bên trong, 10 thợ dệt với tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi, mỗi người canh một khung dệt. Những chiếc máy dệt bằng gỗ có “tuổi đời” 10-20 năm vẫn hoạt động nhịp nhàng.

Anh Hiền, người có gần chục năm đứng máy dệt lãnh, chăm chú nhìn vào con thoi đang chạy qua chạy lại. Thỉnh thoảng anh vội vàng dừng máy, thay con thoi mới nhằm đảm bảo những đường tơ không bị lỗi. Ở một góc khác, một phụ nữ trung niên tỉ mẩn se từng cọng tơ vào con suốt nhỏ bằng ngón tay út. Một tay chị quay bánh xe, một tay ấn cho cọng tơ chìm xuống nước trước khi cuộn vào con suốt.

“Phải se qua nước để sợi chỉ mềm, khi dệt không bị gồ lên, tấm lãnh mới mịn màng”, ông Tám giải thích. Cô cháu gái của ông Tám thì gắn những bó tơ vào khung để quay vào ống trước khi mắc cửi. Dệt xong một tấm lãnh, anh Hiền gấp lại ngay ngắn đem vào kho chờ đem đi nhuộm.

Ông Tám trầm tư: “Mới đó mà đã làm nghề hơn hai chục năm. Làng lụa nổi tiếng này giờ chỉ còn mình tui theo nghề. Làm nghề này công phu và cực lắm…”.

Nhắc về thời huy hoàng của làng lụa, ông Tám lại tặc lưỡi tiếc nuối. Uống ngụm trà, ông Tám xuýt xoa: “Thời vàng son, dọc hai bên bãi bồi ven sông Hậu từ biên giới Campuchia đến Tân Châu, khắp các làng Tân An, Vĩnh Hòa đâu đâu cũng là những vườn dâu xanh ngút mắt. Khắp làng trên ngõ dưới, đi đâu cũng nghe tiếng lách cách đưa thoi, tiếng rầm rập của máy dệt, tiếng nện hàng đì đùng. Hai bên đường, những tấm lụa phơi khắp trong vườn trên những giàn tre, đen bóng. Làng lụa Tân Châu nổi tiếng một thời giờ chỉ còn là hoài niệm. Nghề trồng dâu nuôi tằm cũng vì thế mà lụi tàn theo”.

Ông Nguyễn Văn Long, chủ cơ sở Tám Lăng đang kiểm tra sản phẩm vừa dệt xong.

Hiện tại, để dệt lãnh, ông Tám phải đặt tơ tận Bảo Lộc (Lâm Đồng). “Tơ dệt lãnh phải là loại tơ tốt nhất, phải đặt hàng mới có. Loại tơ này đắt gấp đôi tơ thường nhưng cũng phải chấp nhận bởi chỉ có tơ tốt mới đảm bảo những thước lãnh luôn mịn màng”, ông Tám nói.

Lãnh sau khi dệt có màu trắng ngà đặc trưng của tơ tằm nguyên chất. Để lãnh có màu đen bóng, người ta dùng mủ trái mặc nưa (có sẵn trong vùng hoặc mua từ Campuchia) nhuộm – phơi – nhuộm cả trăm lần trước khi thành thành phẩm. Tất cả công đoạn này đều được làm thủ công. Trái mặc nưa được giã nát, lược qua khăn lấy nước sền sệt màu đen cho vào thùng phuy và pha nước vào để nhuộm mà không có bất kỳ loại hóa chất nào.

Để vải thấm đều, đủ độ đen cần thiết, ông Tám cho biết bình quân mỗi cây vải phải nhúng khoảng 100 lần. Sau khi nhúng vào mủ nưa, lụa sẽ được vắt sạch và đem phơi, mỗi ngày nhuộm từ ba đến bốn lần. Khi nhuộm phải lựa lúc trời nắng tốt, nếu gặp trời u ám, lãnh sẽ kém chất lượng. Bình quân phải mất khoảng 45 ngày mới xong một đợt nhuộm lãnh. Giá thành một thước lãnh hiện nay khoảng 120.000 đồng.

Gắng gượng giữ nghề

Trước giải phóng, ông Tám buôn trái mặc nưa từ Campuchia về bán lại cho các cơ sở dệt lãnh. Mỗi lần đến giao hàng, ông cố tình đi ngang khu vực dệt để học lóm kỹ thuật cũng như các công đoạn làm lãnh. Giải phóng, việc buôn bán khó khăn, ông không đi buôn nữa.

Công đoạn se tơ.

Năm 1987, một công ty tơ lụa được thành lập tại Tân Châu, sản xuất chủ yếu lãnh Mỹ A. Với tay nghề học lóm được, ông xin vào làm cho công ty. Tuy nhiên, do giá bán quá cao so với điều kiện kinh tế và thu nhập của người dân lúc bấy giờ nên hàng làm ra không bán được. Năm 1989, công ty giải thể. Với tay nghề sẵn có, ông Tám mở xưởng dệt riêng.

Thời gian đầu, ông dệt gia công cho các công ty tơ lụa. Để tăng thêm thu nhập, ông dệt vải ni lông để bán sang Campuchia và khu vực lân cận. Nhưng rồi hàng sản xuất ra vẫn bán không được, ông đành dừng sản xuất. Nhiều xưởng dệt lãnh khác cũng “dẹp tiệm”, chuyển sang quay tơ bán sang Campuchia hoặc bán cho các xưởng dệt nơi khác. Nghề dệt lãnh đã không còn ai theo…

Năm 1997, một phụ nữ người Pháp đã ghé xưởng của ông. Bà đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm lãnh mỗi năm khoảng 2.000 mét nếu ông đồng ý dệt. “Tay nghề mình đâu có thiếu nhưng lúc đó tui lo lắm, không dám nhận. Lỡ mình bỏ tiền sắm máy dệt, làm vài bận mà khách không lấy hàng nữa thì máy móc tính sao? Có người đặt lãnh tui mừng lắm vì có thể làm lại nghề truyền thống đã bị dừng bấy lâu nay nhưng cuộc sống của cả nhà phụ thuộc vào xưởng dệt này chứ đâu phải chuyện chơi”, ông Tám kể. Như hiểu được tâm tư của ông, người khách đã bỏ ra 3 triệu đồng đầu tư máy dệt. Còn ông thì tuyển và đào tạo thợ.

Những thước lãnh đầu tiên ra lò trong sự lo lắng của ông. Máy mới, tay nghề thợ chưa thạo nên lãnh bị lỗi. Người khách đem hàng về Pháp cũng không bán được. Thế nhưng khách hàng vẫn không bỏ cuộc, ông Tám thì tiếp tục tìm cách khắc phục. Rồi những thước lãnh mịn màng cũng được ra đời.

Sản phẩm tốt, khách hàng lúc đầu chỉ đặt hàng 2.000 mét, rồi tăng lên 3.000, và hiện giờ xưởng của ông dệt 5.000 mét lãnh mỗi năm.

“Nếu chỉ dệt lãnh thì sống cũng khó khăn nên phải dệt thêm các loại vải ni lông. Làm nghề này thì không giàu nhưng sống được nên cũng ráng mà giữ cái nghề truyền thống. Nếu tui không làm nữa có lẽ lãnh Mỹ A nổi tiếng một thời sẽ chỉ còn là ký ức. Vì thế mà tui hướng các con, cháu theo nghề. Tui muốn dệt nhiều hơn nữa”, ông Tám chia sẻ. Tuy nhiên, do đã hứa với khách hàng không bán sản phẩm ra bên ngoài nên đầu ra của cơ sở bị hạn chế. Hơn nữa, do giá cao nên sản phẩm khó tiêu thụ ở thị trường trong nước.

“Nhiều khi nghĩ thấy lương tâm cắn rứt lắm. Thị trường nội địa quá nhỏ, muốn mở rộng cũng khó. Nếu không dệt cho người khách nọ thì sẽ không bán được hàng, thợ bỏ đi, nghề sẽ bị mất”, ông Tám trầm tư.

Bài và ảnh: ĐỨC PHONG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới