Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người dân châu Á thắt chặt chi tiêu trước viễn cảnh kinh tế màu xám

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tâm lý người tiêu dùng Thái Lan trong sáu tháng tới vẫn có xu hướng xấu hơn so với các nước ASEAN láng giềng vốn cũng đang đối phó với sự hoành hành của chủng Delta. Tâm lý siết chặt chi tiêu “lây lan” qua Hàn Quốc khi người dân bị gánh nặng lãi vay đè nặng sau đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương.

Tương tự như vậy ở nhiều nước châu Á khi dự trữ ngoại tệ cạn dần, tình hình phá sản bởi tác động của dịch Covid gia tăng…

Người dân Thái Lan đang rất thận trọng trong chi tiêu mua sắm khi số ca nhiễm Covid mới vẫn đang trên 10.000 ca mỗi ngày. Ảnh: Bangkok Post

80% thận trọng khi mua sắm dù là hàng thiết yếu

Usana Chantarklum, Giám đốc điều hành chi nhánh Thái Lan của Ipsos – công ty lớn thứ ba thế giới về nghiên cứu thị trường, nói rằng khảo sát gần đây của Ipsos về ảnh hưởng của dịch Covid với hành vi tiêu dùng ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cho thấy 36% người Thái cho rằng tình hình tài chính của họ là “tồi tệ”, tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Trong khi đó, có đến 76% người tham gia khảo sát ở nhóm nước trên cho rằng tình hình tài chính hiện giờ là tốt hoặc khá.

“Chỉ 47% người Thái nghĩ rằng tình hình tài chính cá nhân của họ sẽ được cải thiện và họ đang thận trọng hơn trong việc chi tiêu mua sắm”, bà Usana nói với Bangkok Post.

Vị giám đốc thậm chí còn nói rằng dù không có giới hạn về đi lại, người Thái vẫn sẽ chi nhiều hơn cho việc mua nguyên liệu thực phẩm và nấu ăn ở nhà, các sản phẩm tẩy trùng và chăm sóc cá nhân. So với trước khi khủng hoảng Covid-19, họ sẽ chi ít hơn cho du lịch, đồ chơi, hoạt động văn hóa, đi ăn uống ngoài tiệm, quần áo và giày dép.

Khảo sát cũng cho thấy sự sụt giảm rõ rệt cho các chi tiêu lớn như mua xe hơi hay nhà trong suốt ba đợt sóng dịch bệnh vừa qua. “Đến 80% người Thái vẫn thận trọng trong chi tiêu, và một nửa trong số họ có trạng thái tâm lý xấu hơn người dân các nước láng giềng bởi đã trải qua 18 tháng phòng chống dịch”, bà phát biểu.

“Mặc dù tình hình có vẻ khả quan hơn bởi tốc độ tiêm chủng đang mở rông dần trong vòng ba tháng tới, sự tự tin của người Thái khi đi thăm bạn bè, đi nhà hàng, du lịch trong nước, đến phòng gym và sử dụng giao thông công cộng vẫn thấp nhất trong khu vực.

Sẽ còn một thời gian lâu nữa để người dân Thái Lan cảm thấy Covid-19 tương tự như cúm mùa. Dù cho có các tín hiệu của hồi phục kinh tế thông qua chiến dịch tiêm chủng đại trà, niềm tin người tiêu dùng sẽ không bật lại nhanh chóng nếu số ca nhiễm mới vẫn trên mốc 10.000 ca mỗi ngày”, bà Usana giải thích.

Nhà tiếp thị và doanh nghiệp nên rất cẩn trọng khi tung ra các sản phẩm hoặc giới thiệu các nhãn hàng mới bởi cần có thời gian để kinh tế và niềm tin người tiêu dùng hồi phục. Nhà tiếp thị cần thu thập tất cả các thông tin trước khi đầu tư – bà nhận định.

Khảo sát cũng cho thấy người Thái dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội, các nội dung livestream, chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến và bằng thanh toán điện tử các cửa hàng vật lý.

Bà Usana cũng cho biết khoảng 80% người Thái quen thuộc với hình thức mua sắm qua livestream và 60% sử dụng dịch vụ này để mua hàng thời trang, thực phẩm và các sản phẩm làm đẹp. Doanh nghiệp nên sử dụng hình thức livestream để thu hút khách, tinh giản quy trình đặt hàng, cung cấp các sản phẩm mà người tiêu dùng mong đợi, và có thông điệp rõ ràng đối với người người tiêu dùng.

Cuộc khảo sát của Ipsos cũng cho thấy quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng đối với chính phủ là bảo vệ an toàn cho tất cả mọi người trong dịch Covid-19, kiểm soát giá cả hàng hóa và dịch vụ, bảo vệ và tạo thêm việc, giảm khoảng cách giàu nghèo.

Các thùng hoa quả tại một chợ bán sỉ ở Gwangju, cách thủ đô Seoul 330 cây số. Người Hàn Quốc năm nay vẫn sẽ tiếp tục chi tiền để mua quà Trung thu cho người thân, nhưng sẽ cắt giảm tiền đi du lịch và các chuyến về quê thăm gia đình. Ảnh: Yonhap

“Thắt lưng buộc bụng” là trở ngại lớn nhất của hồi phục kinh tế

Hàn Quốc có được lớp vỏ bọc khá chắc trước cuộc khủng hoảng Covid hiện nay, phần lớn bởi nỗ lực khống chế dịch cũng như sự tham gia tích cực của dân chúng, ví dụ như số người mang khẩu trang nơi công cộng cao hơn các nước phương Tây.

Nhưng tốc độ lây lan của chủng Delta đã buộc ngành y tế duy trì mức cảnh báo cao nhất là cấp độ 4. The Korea Times nói rằng các thương vụ nhỏ trong ngành dịch vụ, bao gồm những nơi phải tuân theo lệnh cấm tụ tập, đang tiến dần đến bờ vực phá sản. Tổng quan, siết chặt chi tiêu là trở ngại lớn nhất đối với hồi phục kinh tế.

Siết chặt chi tiêu cá nhân trước những đợt bùng dịch mới do chủng Delta vẫn sẽ tiếp diễn trong những tháng còn lại của năm 2021, tạo thêm áp lực cho Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) tạm ngưng gia tăng lãi suất một lần nữa. Tình huống khó chịu này sẽ chịu thêm cú đá bồi do tỷ lệ tăng trường ở Mỹ thấp hơn chờ đợi như dự báo từ báo cáo Beige Book của Quỹ Dự trữ liên bang (Fed).

Trong một báo cáo công bố hôm 9-9, Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI) nói rằng tiêu dùng cá nhân trong nước sẽ tiếp tục kém trong nửa năm còn lại do đợt dịch lần thứ tư kéo dài.

Tiêu dùng cá nhân dự báo chỉ tăng 2,8% trong năm nay, bởi gánh nặng phải trả lãi cao đè nặng sau khi BOK tăng 25 điểm phần trăm lãi suất trong tháng 8.

Đánh giá mới nhất của KERI cũng nhìn lại sự hồi phục trong chi tiêu cá nhân trong nửa đầu năm 2021. KERI cho rằng sự chờ đợi nền kinh tế bật nảyy trở lại sớm hơn dự định đã tập trung vào sự gia tăng giá trị tài sản, bao gồm giá cổ phiếu và bất động sản, cũng như nỗ lực khống chế virus.

KERI dự báo tỷ lệ tăng trưởng của Hàn Quốc sẽ duy trì ở mức thấp 3% trong năm nay, bởi triển vọng đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm trở nên xa vời hơn mặc cho chính phủ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Hàn Quốc hy vọng đạt được mục tiêu 70% dân số tiêm mũi thứ nhất vào cuối tháng 9 này và đến tháng 11 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng.

“Nếu tốc độ lây lan không chững lại và việc chậm trễ tiêm vaccine không cải thiện, tăng trưởng GDP vẫn thấp”, báo cáo của KERI viết.

Báo cáo kém lạc quan của KERI được công bố gần như cùng lúc với báo cáo Beige Book của Fed rằng “kinh tế Mỹ có chiều đi xuống một chút trong tháng 8 vừa rồi”. Fed giải thích sự trì trệ trong tháng rồi là do suy giảm trong lĩnh vực dịch vụ – gồm ăn uống và du lịch, khi chủng Delta lan rộng. Các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống còn 5,7% trong năm nay, thấp hơn mức 6% công bố vào tháng trước.

“Sự hồi phục của nền kinh tế Hàn Quốc được xây dựng gần như toàn bộ trên nền tảng là xuất khẩu và chi tiêu tài khóa mạnh. Siết chặt tiêu dùng cá nhân là yếu tố cần được chú ý bởi liên hệ trực tiếp đến tâm trạng của người dân bình thường về điều kiện tiền bạc, tài chính của họ. Đây là lý do mà ngân hàng trung ương cần theo sát các dữ liệu của các tháng tới trước khi có quyết định tăng lãi suất”, nhà kinh tế Lee In-ho thuộc Đại học Quốc gia Seoul bình luận.

Số doanh nghiệp Nhật Bản bị phá sản do ảnh hưởng Covid trong tháng 8-2021 là 121 doanh nghiệp, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Hãng nghiên cứu Tokyo Shoko Research cho biết số vụ phá sản do Covid-19 trong tám tháng đầu năm 2021 là 1.026, chiếm khoảng 26% số vụ đóng cửa trên toàn quốc. Chủ nhân các nhà hàng, quán bar chịu thiệt hại nhiều nhất, khoảng 20% số vụ phá sản do Covid, do các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt – theo Nikkei AsiaSau khi trích nguồn dự trữ để trả khoản nợ 1 tỉ đô la vào tháng 7, theo Bloomberg, chính phủ Sri Lanka hiện chỉ còn đủ ngoại tệ để chi trả cho hàng nhập khẩu trong chưa đầy hai tháng. Quốc gia Nam Á này đã mua bột mì, đường và sữa từ nước ngoài. Đồng rupee đã giảm 7,3% giá trị trong năm nay, khiến giá hàng nhập khẩu tăng vọt, lạm phát gia tăng, khiến người dân hoảng loạn mua đồ tích trữ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới