Người dân chưa có lòng tin với bác sĩ gia đình ở trạm y tế
Hoàng Nhung
![]() |
Bác sĩ gia đình đang khám bệnh tại nhà. Ảnh: M.N |
(TBKTSG Online) – Mô hình bác sĩ gia đình lồng ghép với trạm y tế hiện nay chưa tạo được lòng tin của người dân, một phần do năng lực của đội ngũ bác sĩ tham gia, một phần do thiếu trang thiết bị khám chữa bệnh, theo Hội nghị sơ kết đề án thí điểm bác sĩ gia đình diễn ra hôm nay, 4-8, tại TP.HCM do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có sáu tỉnh thành đã thực hiện mô hình bác sĩ và phòng khám gia đình, với 240 phòng khám bác sĩ gia đình đang hoạt động.
Từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2015, các phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện được hơn 195.000 hồ sơ sức khỏe, khám sàng lọc được gần 5,1 triệu lượt bệnh nhân, trong đó phát hiện 246.000 ca bệnh tật và chuyển viện 3.600 ca…
Đặc biệt, hai phòng khám tại TPHCM đã áp dụng thành công mô hình này là Phòng khám Bệnh viện Quận 2 và Phòng khám đa khoa Thành Công. Các phòng khám này đã sử dụng bệnh án điện tử, hội chẩn trực tuyến, sử dụng phần mềm quản lý phòng khám.
Tuy nhiên, việc thành lập mô hình phòng khám bác sĩ gia đình còn chưa hấp dẫn đối với tư nhân nên các phòng khám bác sĩ gia đình khối tư nhân còn quá ít. Hơn nữa người dân chưa thực sự hiểu đầy đủ về bác sĩ gia đình, hầu hết nghĩ rằng bác sĩ gia đình là đến nhà khám chữa bệnh.
Tại TPHCM, 20/23 bệnh viện quận/huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình tại khoa khám bệnh, và 136/319 trạm y tế phường/xã đã thành lập một phòng khám bác sĩ gia đình với ít nhất một bàn khám do bác sĩ chuyên môn y học gia đình phụ trách. Giá một lượt khám bệnh thu theo giá khám như ở bệnh viện với 45.000 đồng/ca, trong khi các phòng khám tư nhân hiện thu giá khám từ 100.000 đến 200.000 đồng/lượt khám.
Theo Sở Y tế TPHCM, mô hình bác sĩ gia đình lồng ghép với trạm y tế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại trạm y tế nên không đến khám.
Người đến trạm y tế đa số là những người nghèo do không đủ điều kiện chi trả phí dịch vụ, nhưng số bệnh nhân đến khám tại trạm y tế vẫn còn ít, đặc biệt là tại những thành phố lớn. Hơn nữa, danh mục được phép khám chữa bệnh tại trạm y tế còn hạn chế; các trang thiết bị y tế, thuốc điều trị chưa đầy đủ, hạn hẹp về số lượng và chủng loại; một số thuốc điều trị các bệnh mãn tính như đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… không được cấp tại trạm y tế.
Năng lực khám chữa bệnh của trạm y tế phường/xã chưa phù hợp với yêu cầu của mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cơ bản như siêu âm tổng quát, chụp X-quang, đo điện tim… còn chưa được thực hiện do chưa có trang thiết bị và nhân sự được đào tạo; và đa số các y bác sĩ tập trung phục vụ công tác tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, các chương trình tư vấn sức khỏe… nên không đủ lực để làm bác sĩ gia đình.
Xem thêm: