Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người dân thiếu tin tưởng hiệu quả giải quyết khiếu kiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người dân thiếu tin tưởng hiệu quả giải quyết khiếu kiện

Tư Hoàng

Người dân thiếu tin tưởng hiệu quả giải quyết khiếu kiện
Thời gian để xử lý một khiếu nại hành chính kéo dài từ 17-27 tháng. Ảnh TL SGT Online.

(TBKTSG Online) – Tình trạng kém hiệu của các cơ quan nhà nước trong việc đáp ứng các nhu cầu pháp lý cơ bản của người dân và xử lý các vụ tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính đã khiến một số người dân tìm kiếm cách giải quyết bên ngoài hệ thống công lý. Việc giải quyết khiếu kiện cũng thường mất rất nhiều thời gian.

Đây là tổng kết của báo cáo chỉ số công lý 2012 do Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cùng xây dựng, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), được công bố ngày 3-10.

Chỉ số này dựa trên kinh nghiệm thực tế của hơn 5.000 người dân thuộc nhiều tầng lớp xã hội đang sinh sống ở 21 tỉnh, thành trên khắp đất nước Việt Nam. Chỉ số phản ánh ý kiến và nhận xét của người dân về hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm công lý và các quyền cơ bản của người dân.

Theo đó, chỉ số công lý 2012 cho thấy mức độ kém hiệu quả của một số cơ quan nhà nước, với 1/5 tất cả các khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và ô nhiễm môi trường không nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan hữu quan của Nhà nước.

Đồng thời, khoảng 1/2 tất cả các tranh chấp đất đai và khiếu kiện về môi trường vẫn chờ đợi Nhà nước xử lý và các cơ quan nhà nước thường cần nhiều thời gian hơn luật định để xử lý các khiếu kiện hành chính. Trong thực tế, thời gian trung bình để xử lý một khiếu kiện hành chính kéo dài từ 17 đến 27 tháng, tuỳ thuộc vào khiếu kiện đó là của cá nhân hay của hộ gia đình.

Theo gần 1/2 số người được điều tra, tranh chấp đất đai là loại hình tranh chấp phổ biến nhất và tiếp tục là vấn đề “gây bất ổn” ở địa phương. Có tới 38% các cuộc tranh chấp đất đai liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù và tái định cư. Những người dân được điều tra cho biết, các quy định hiện hành về quyền sử dụng đất và các kế hoạch sử dụng đất không minh bạch ở địa phương làm cho người dân mất lòng tin vào sự an toàn của hạn điền và khiến họ không muốn đầu tư lâu dài vào đất đai.

Báo cáo cho biết, người dân đã lên tiếng đòi phải có một hệ thống công lý nhạy bén, có hiệu quả, đáng tin cậy, chuyên nghiệp và dễ tiếp cận, với mức độ liêm khiết cao. Cuộc điều tra nhấn mạnh rằng cải cách tư pháp và tăng cường thực thi pháp luật có vai trò then chốt trong việc nâng cao mức phát triển con người cao ở Việt Nam.

Ông Bakhodir Burkhanov, Phó giám đốc quốc gia của UNDP nói: “Chúng tôi hy vọng rằng chỉ số sẽ cung cấp một điểm tham chiếu hữu ích cho các biện pháp cải cách tiếp theo, nhằm làm cho hệ thống tư pháp và luật pháp của Việt Nam có hiệu quả hơn và nhạy bén hơn với nhu cầu và nguyện vọng của người dân”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới