Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người họa sĩ của hoài niệm qua đời

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người họa sĩ của hoài niệm qua đời

Nguyễn Vinh

Người họa sĩ của hoài niệm qua đời
Họa sĩ Đinh Cường tại cuộc triển lãm chung với Phạm Văn Hạng, Thân Trọng Minh, Hoàng Trọng Bân (tại đây, Đinh Cường trưng bày loạt 15 bức chân dung Bùi Giáng) ở Gallery Tự Do, Sài Gòn, tháng 8-2011 – đây là một trong những cuộc triển lãm cuối cùng của ông. Ảnh: Nguyễn Vinh

(TBKTSG Online) – Họa sĩ Đinh Cường, một trong những gương mặt hội họa hàng đầu trưởng thành từ trong đời sống mỹ thuật đô thị miền Nam trước 1975 vừa qua đời tại Mỹ sau những ngày tháng dài vật lộn với bệnh ung thư.

Ông Đinh Cường mất tối 8-1-2016, ở tuổi 77, để lại nhiều quyến luyến và thương tiếc cho những người ái mộ khuynh hướng mỹ thuật lãng mạn, giàu hoài niệm của ông.

Đinh Cường, tên thật là Đinh Văn Cường, sinh ngày 5 tháng 7 năm 1939 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông học trường Pétrus Ký, Sài Gòn từ 1951-1957; sau đó, theo học Cao đẳng Mỹ thuật Huế (tốt nghiệp 1963) và tiếp tục chuyên ngành Sư phạm Hội họa quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (tốt nghiệp 1964).

Đầu thập niên 1960, ông Đinh Cường có thời gian lưu trú và sáng tác tại Đà Lạt (tại studio thuê trọ trên đường Hoa Hồng) và có triển lãm gây tiếng vang tại thành phố sương mù vào dịp Giáng sinh năm 1965. Ông là một trong những tên tuổi quan trọng trong nhóm Hội họa sĩ trẻ Việt Nam, từng là ủy viên Kiểm soát của Hội này từ 1969-1971.  

Ngoài sáng tác, ông còn là một nhà sư phạm với phong thái nhẹ nhàng, chân thành và đầy mô phạm. Ông từng là giáo sư hội hoạ trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế (1963-1967) và là giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1967-1975).

Khánh Ly, tranh sơn dầu trên bố, 30 x 40, Đà Lạt, 1964. Tranh Đinh Cường

Với phương pháp hội họa lãng mạn, những bức tranh duy mỹ, giàu hoài niệm, xa vắng, và đầy tính thơ của ông đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến bút pháp của nhiều họa sĩ Huế và đô thị miền Nam cùng thời và về sau. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nhận định đại ý rằng, trong hội họa, thì Đinh Cường là "thi sĩ của hoài niệm".

Đinh Cường từng dành Huy chương Bạc (tác phẩm Thần Thoại, triển lãm Hội hoạ Mùa Xuân Sài Gòn, 1962), giải thưởng Đệ nhất triển lãm Mỹ thuật Quốc tế (bức Nhà thờ, 1962), và Huy chương Bạc lần thứ hai (bức Chứng tích) tại Triển lãm Hội hoạ Mùa Xuân Sài Gòn, 1963).

Ông có khoảng 25 cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân và hơn 20 cuộc triển lãm chung với các họa sĩ khác ở trong và ngoài nước.

Họa sĩ Đinh Cường cũng là người làm thơ, viết tùy bút với hai tập: Cào lá ngoài sân đêmTôi về đứng ngẩn ngơ, xuất bản tại Mỹ. Ông cũng là người viết tùy bút và ghi chép, tiểu luận mỹ thuật để lại nhiều dữ liệu quý cho giới nghiên cứu hội họa các đô thị miền Nam trước 1975 với bộ Đi vào cõi tạo hình.

Từ 1989, họa sĩ Đinh Cường sang định cư tại thị trấn Burke, Virginia, Mỹ và thi thoảng về nước tổ chức triển lãm.

Họa sĩ Trịnh Cung, người bạn thân của họa sĩ Đinh Cường hiện đang ở tại California, Mỹ chia sẻ với PV TBKTSG Online qua điện thoại sau khi có tin buồn: “Chúng tôi đều đã đứng trước làn ranh cuối của cuộc đời. Và một người nữa trong số ba chúng tôi (nhóm bạn Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung, Đinh Cường) vừa bước qua làn ranh đó. Ngoài tài năng ra, thì trong đời sống, Đinh Cường là người hiền hậu, nhẹ nhàng với tất cả mọi người, cách sống điềm đạm của anh được nhiều người yêu mến.”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới