Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người làm luật có trách nhiệm!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người làm luật có trách nhiệm!

Em Bình (phải) được mọi người thăm hỏi, tặng quà – Ảnh: M.Q (Tuổi Trẻ)

(SGTO) – Chuyện một em gái giúp việc bị chủ ngược đãi như nô lệ suốt mười mấy năm, từ lúc mới lên bảy cho đến khi quá tuổi thành niên, đang gây bức xúc và công phẫn mạnh mẽ trong dư luận cả nước.

Đáng chú ý là sự việc xảy ra ngay tại  thủ đô Hà Nội, giữa một khu dân cư đông đúc, được tổ chức và quản lý theo đúng bài bản: có công an khu vực, tổ dân phố, có các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nói chung, có đầy đủ các thiết chế công cộng được trông cậy như các công cụ bảo đảm trật tự xã hội và xây dựng khu phố văn hóa, cuộc sống cộng đồng, gia đình, cá nhân văn minh. 

Bà Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi được hỏi về chuyện này, theo quan điểm riêng, đã trả lời: “Chúng ta không thiếu pháp luật, vấn đề là chúng ta thực hiện pháp luật như thế nào”. Hẳn bà muốn nói rằng chúng ta có bộ luật hình sự, luật xử phạt vi phạm hành chính, luật bảo vệ trẻ  em… nhưng các luật ấy đã không được tôn trọng vì nhiều lý do.  

“Một hệ thống quy tắc chống bạo hành hoàn chỉnh phải chứa đựng không chỉ các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt bạo lực, mà còn giúp nạn nhân thoát được kiếp đọa đày và hưởng một cuộc sống bình thường, như bao nhiêu người bình thường.”

Đúng là chúng ta không thiếu các biện pháp trấn áp bằng công lực đối với các hành vi bạo ngược trong quan hệ giữa người và người, cũng như không thiếu các điều kiện vật chất cần thiết cho việc thực hiện những biện pháp ấy.

Thế nhưng, trong quan niệm lành mạnh, luật được làm ra không phải chủ yếu nhằm trừng phạt hay răn đe. Mục tiêu tối hậu của luật, trong xã hội trọng pháp, là tổ chức cuộc sống của con người. Giá trị nhân văn của hệ thống pháp lý thể hiện thành các biện pháp chủ động của nhà chức trách, có tác dụng tạo ra những hành lang mà đi theo đó, con người có thể thu được các lợi ích được chính mình xác định, một cách nghiêm túc, như là mục tiêu sống của mình.

Với ý nghĩa đó, một hệ thống quy tắc chống bạo hành gọi là hoàn chỉnh phải chứa đựng không chỉ các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt bạo lực, mà còn giúp nạn nhân thoát được kiếp đọa đày và hưởng một cuộc sống bình thường, như bao nhiêu người bình thường.

Trước hết, nạn nhân phải được bảo đảm thoát khỏi nanh vuốt của kẻ bạo hành, nghĩa là được đưa đến một nơi nương thân an toàn. Có thể sau đó họ không cần (đúng ra là hầu như không dám mơ tưởng đến) các quyền chủ thể xa xỉ, như quyền được học hành đến nơi đến chốn, được tạo cơ hội vươn lên, thăng tiến trong xã hội; nhưng ít nhất, khi đã bình tâm, họ phải được tạo điều kiện để bước vào đời sống xã hội trong tư thế một con người tự do, có khả năng tự mình đáp ứng các yêu cầu nào đó của xã hội, để được xã hội đền bù lại bằng các lợi ích vật chất và tinh thần. Nói rõ hơn, giải pháp chống bạo hành triệt để phải có tác dụng giúp cho nạn nhân có một chỗ ở độc lập, ổn định và một việc làm để nuôi sống bản thân.

Hệ thống pháp luật hiện hành không có một quy tắc nào đặt cơ sở cho việc đáp ứng yêu cầu  đó, ngoài những quy tắc mang tính khẩu hiệu suông. Đặc biệt, luật không hề dự kiến sự đỡ đầu chính thức và cụ thể của nhà chức trách đối với việc thành lập các trung tâm bảo trợ, trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm miễn phí cho các nạn nhân bạo hành, cho những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa.

Có thể hiểu tại sao dù không hề muốn tiếp tục sống dưới sự hành hạ của chủ, cô bé trong câu chuyện đau lòng đã không dám tự mình thực hiện ý định bỏ trốn: đơn giản, em không biết đi đâu, về đâu và làm gì để sống, một khi ra khỏi chốn địa ngục đó.

Người ta cũng trách cộng đồng hàng xóm, láng giềng đã quá thờ ơ đến nỗi không biết chuyện đau lòng xảy ra bên cạnh mình hoặc, tệ hơn, biết mà không can thiệp. Cũng có thể đã và đang có những cộng đồng vô cảm hoặc hèn nhát, nhắm mắt quay lưng trước sự lộng hành của bạo lực để được yên thân.

Nhưng điều chắc chắn trong khung cảnh hiện tại là, dù có muốn, người ta không trả lời được câu hỏi liệu phải đi theo lộ trình pháp lý nào để đưa em gái trong câu chuyện đến một bến bờ khác, nơi mà em có thể, như điều mơ ước giản dị đến xé lòng người mà em thổ lộ, có được những ngày sống không bị đòn roi.

Rất may là cuối cùng, cũng có một người hào hiệp đã tháo gỡ bế tắc; bà đã chủ động tổ chức việc giải thoát nạn nhân và thậm chí, đã, giải quyết được vấn đề một cách dứt khoát: hiện em gái đã có một chỗ ở bình yên và trong tương lai sẽ có một việc làm.

Vấn đề là: sự can thiệp của người phụ nữ dũng cảm và nhân hậu ấy hoàn toàn không dựa vào luật, mà chỉ dựa vào tiếng gọi, vào mệnh lệnh của trái tim. Điều đó cũng có nghĩa rằng trước vấn đề cụ thể này, liên quan đến thân phận của những con người cô thế trong một xã hội chỉ mới tập tành sống theo chuẩn mực khách quan, luật và trái tim có những tiếng nói không đồng điệu.

Trách nhiệm đối với sự không đồng điệu đó phải thuộc về người làm luật.           

TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới