Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người nhìn thấy “ngoại lệ Việt Nam”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người nhìn thấy “ngoại lệ Việt Nam”

Nguyễn Nguyên Thảo

Ông Thomas J. Vallely.

(TBKTSG) – Giải văn hóa Phan Châu Trinh lần 7, năm 2014 vừa được trao tối 24-3-2014 tại Sài Gòn. Hạng mục Giải giáo dục năm nay gây chú ý đặc biệt khi chủ nhân là một nhà giáo dục người Mỹ có tư tưởng cấp tiến, một tên tuổi không xa lạ với những ai quan tâm đến Chương trình Fulbright, ông Thomas J. Vallely.

Năm 1994, ông Thomas J. Vallely với sự giúp đỡ của nhiều bạn bè đồng nghiệp Việt Nam, đã tham gia thành lập Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam. Hiệu quả của chương trình giáo dục trên đóng góp vào nguồn nhân sự trí thức trẻ, nhân lực quản trị kinh tế theo xu hướng tiến bộ của Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy. Hai mươi năm sau, ông được mời tham gia trong một nỗ lực chung của Việt Nam và Mỹ ở dự án xây dựng đại học có tên Fulbright Việt Nam.

Ông Vallely cho biết, dự án thú vị trên được truyền cảm hứng từ chính tư tưởng cải cách giáo dục, canh tân văn hóa của cụ Phan Châu Trinh đầu thế kỷ 20. Qua việc phân tích, cắt nghĩa về tính thời sự của tư tưởng Phan Châu Trinh trong việc chọn cải cách giáo dục làm trọng tâm canh tân, quyết định quỹ đạo phát triển đất nước, ông Thomas J. Vallely chỉ ra rằng, rào cản lớn nhất của giáo dục Việt Nam trong tiến trình hội nhập đó là tự tách mình ra khỏi mối tương quan với giáo dục hiện đại của thế giới phát triển bên ngoài. Ông gọi đó là một “cạm bẫy tinh thần”, một sự tự cô lập trong cái gọi là “ngoại lệ Việt Nam”.

Các hạng mục khác trong giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần 7: Giải vì sự nghiệp văn hóa: Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang vì những đóng góp xuất sắc trong việc sưu tầm và truyền bá Văn hóa dân gian Nam bộ; Giải dịch thuật: Phó giáo sư Ngô Đức Thọ vì những đóng góp trong dịch thuật và truyền bá Văn hóa Hán Nôm; Giải nghiên cứu: nhà nghiên cứu sử học Tạ Chí Đại Trường vì những đóng góp mới mẻ và độc đáo trong nghiên cứu sử học.

“Sau một thời gian dài theo dõi các cuộc tranh luận về cải cách giáo dục ở Việt Nam, tôi thấy tính ngoại lệ này thể hiện ở ít nhất hai lĩnh vực. Đầu tiên là về cách thức đo lường và đánh giá tiến bộ. Không thể cứ tiếp tục nói rằng Việt Nam ngày nay khá hơn Việt Nam 20 năm trước một khi nó vẫn tụt hậu một cách tệ hại so với các nước trong khu vực. Giáo sư Hoàng Tụy là tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối sự nguy hiểm của tính tự mãn trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Lĩnh vực thứ hai mà chúng ta phải cảnh giác với ngoại lệ là quản trị đại học. Bất kỳ một nền giáo dục đại học có chất lượng nào cũng đều có một số đặc điểm có tính phổ quát, vượt ra khỏi bối cảnh địa phương. Những trường đại học xuất sắc nhất trên thế giới có chung một thuộc tính cơ bản, trong đó bao gồm tự do học thuật, trọng dụng nhân tài và minh bạch. Nỗ lực cải thiện giáo dục đại học mà bỏ qua những phẩm chất vô hình này thường không bao giờ đem lại kết quả mong muốn. Các trường đại học nên bắt rễ sâu từ nền văn hóa bản địa, nhưng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu dùng văn hóa như một cái cớ để hạn chế những nguyên tắc cốt lõi của đại học, như tự do học thuật chẳng hạn”, ông Thomas J. Valley diễn giải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới