Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người nông dân đáng nể

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người nông dân đáng nể

Lưu Thị Lương

Ảnh: Thanh Tùng.

(TBKTSG) – Nói cho đúng là hình ảnh người nông dân của những sáng tác thơ văn được chọn in vào sách giáo khoa môn ngữ văn, để giảng dạy trong nhà trường.

Lớp 10, đầu cấp trung học phổ thông, học sinh được nhắc lại kiến thức ở cấp trung học cơ sở bằng chục câu ca dao có nội dung thương yêu, buồn tiếc, vui cười. Lớp 11 được tỏ lòng kính phục các nghĩa sĩ nông dân với lòng yêu nước bộc trực, rặt chất Nam bộ qua bài văn tế bi tráng của nhà thơ mù Nam bộ – Nguyễn Đình Chiểu. Tiếp đó, là nỗi cảm thương gã Chí Phèo, người nông dân hiền như đất bị bức ép vào con đường lưu manh không lối thoát, rồi phải tự giết mình khi ước mơ trở lại làm người lương thiện không thành. Lớp 12 lại gặp người nông dân đi làm cách mạng như ở lớp 9.

Trong suốt thời gian đi học, học sinh thành thị lẫn thôn quê biết được bấy nhiêu đó về những người ngày ngày cung cấp cho chúng “bát cơm đầy… dẻo thơm”. Những từ ngữ đồng nghĩa hoán dụ quen thuộc về người nông dân mà chúng thường dùng trong bài làm văn là “chân lấm tay bùn” hoặc “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, “những người áo vải”… Và hình thành một khái niệm chung khuôn mẫu là các bác nông dân hiền lành, chất phác, chăm chỉ, rất nghèo và rất khổ.

Vì vậy, mỗi khi trong trường tổ chức buổi ngoại khóa, hay hội thi hóa trang thì người đóng vai nông dân dứt khoát là phải đi chân đất. Hỏi lý do, học sinh rất vô tư nghĩ sao nói vậy: “Nông dân làm ruộng suốt ngày, tối về ngủ trên giường, đâu cần đi dép!”.

Tôi cũng chẳng khác gì học sinh của mình, đi học, đi dạy chỉ thấy quen mặt người nông dân trong sách, còn người thiệt ngoài đời thì lâu lâu mới gặp, mà chỉ thoáng vèo qua như chuyến xe đò chạy vun vút trên đường, hai bên nhà cửa thụt lùi phía sau.

Có lần, tôi cứ trố mắt nhìn cảnh chị hàng xóm của người quen vừa quăng cái nón đi rẫy về là hối hả ra sức cạo gió cho con heo mới bắt đầu ăn cám. Vừa cạo vừa khóc, vì cái hy vọng con vật nuôi làm vốn qua cơn bệnh ngặt cứ lụi dần theo hơi thở yếu ớt phì ra từ cái mũi run rẩy của nó.

Tôi cứ nhớ mãi, ba má tôi vì chuyện đời đưa đẩy phải lên tuốt trên miệt Tùng Nghĩa (Lâm Đồng) hồi bốn chục năm trước. Khi dắt díu nhau về được đến nhà, hai ông bà cứ tấm tắc mãi một điều là dân xứ đó cày ruộng, tưới rau mà mặc áo vét! Sang kỳ sang lạ!

Hơn hai chục năm trước, tôi đi thăm nhà học trò, đường xa có khi ngủ lại, bữa cơm dọn ra có những món đạm bạc cây nhà lá vườn gì quên mất rồi, nhưng tôi còn nhớ tới bây giờ cái món cá ruộng chiên, hoặc nướng dầm nước mắm hành. Con cá bề ngang bằng ngón chân cái, bề dài bằng trái đậu bắp nằm còng queo trên cái đĩa sành, chung quanh là những lá hành xanh (hái trong cái chậu đất trộn phân gà ngoài sàn nước) xắt nhỏ nổi lập lờ trong nước mắm trơn, không pha chế thêm chanh, đường, tỏi, ớt. Đĩa cá đó để đãi cô giáo. Cả nhà cũng thò đũa vào, nhưng chỉ là để chấm nước mắm bằng hai đầu đũa trống trơn.

Lại nhớ có lần xuống miền Tây chơi, sáng sớm tôi đi vòng vòng trong xóm vì muốn hưởng thụ (chỉ nhái thôi) không khí đồng nội trong lành yên ả của ba bài thơ thu nổi tiếng, mà tác giả được sách giáo khoa xưng tụng là nhà thơ của làng quê. Bỗng bắt gặp dưới đất, bên bụi tre, kế vũng trâu đầm một cái rổ có mấy cọng rơm làm thành cái tổ êm ái để lót mớ trứng gà vườn nhỏ nhắn, trắng hồng hồng như da em bé. Cũng may, tôi không giả bộ để trí khôn ở nhà như bác nông dân trong truyện cổ tích vì sao mình cọp có vằn đen vằn vàng, nên rõ ràng đó là món hàng để bán, người bán chắc đang bận quét sân trước sân sau đầy lá rụng, chớ không phải ổ gà đẻ bậy, đẻ lang đâu. Sau này có dịp ngủ ở nhà phụ huynh, chủ ruộng trồng bắp cải, tôi ước nói cho ba má tôi biết chuyện nông dân trên cao nguyên chuyên đời nằm giường nệm, cao cả tấc nữa kìa.

Không biết tới đợt cải cách giáo dục lần sau, hình ảnh người nông dân trong sách có thêm bớt gì không. Đường làng bây giờ xe có bình xăng, bình dầu chạy rần rần, cầu khỉ sắp trở thành vật trưng bày – dấu ấn văn hóa nền văn minh lúa nước. Con cái nhà nông lên thành phố lớn học đại học đông tới số lượng khó mà đếm được, mấy em cháu đó ăn mặc mô-đen, sang, đẹp y như dân thành thị có nòi.

Nhưng tôi muốn chắc rằng, học trò vẫn được thấy người nông dân đẹp mộc mạc, giản dị, đáng quý, đáng nể trọng. Dù khổ sở cùng cực bởi bão bùng, lũ lụt… nhưng khí chất hiền lành trong khe như nước trong mội, trong nguồn, sự cần cù bền bỉ, tinh thần lạc quan vô biên của họ không hề rơi rớt, hao mòn. Nông thôn sẽ giàu lên, nhưng chắc vẫn còn cảnh ngày Tết thắm thiết tình làng nghĩa xóm của câu thơ Nguyễn Khuyến trong sách giáo khoa cũ:

“Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng

 Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt” .

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới