Thứ Tư, 27/09/2023, 18:40
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Người nuôi heo, cá tôm chờ … vốn hỗ trợ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người nuôi heo, cá tôm chờ … vốn hỗ trợ

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Đầu tháng 8-2012, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi gia súc và thủy sản vay vốn với lãi suất ưu đãi 11%/năm nhưng đến nay vẫn chưa mấy trường hợp tiếp cận được vốn.

Người nuôi heo, cá tôm chờ ... vốn hỗ trợ
Nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi và thủy sản vẫn khó tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ ngân hàng – Ảnh: Trung Chánh

Vốn có nhưng khó lấy

Sau khoảng 2 tháng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ (đầu tháng 8), vẫn rất ít nông dân và doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi 11%/năm.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Đến nay chỉ mới có 1-2 trang trại của hội viên hiệp hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này thôi, so với nhu cầu thực tế của ngành chăn nuôi con số này chẳng thấm vào đâu”.

Theo ông Công, phía ngân hàng bắt buộc người chăn nuôi phải trả nợ cũ mới cho vay nợ mới. “Nhưng thực ra mấy ông chăn nuôi đã “ngắt ngư” hết rồi, lấy đâu ra tiền trả nợ cũ để vay mới? Có chăng chỉ còn mỗi cách là đi vay nóng bên ngoài để đáo nợ ngân hàng rồi vay nợ mới nhưng cách "đảo nợ" này cũng không được. Vì vậy, chúng ta lại quay vào cái vòng lẩn quẩn, vốn ngân hàng có nhưng khó lấy được”, ông Công cho biết.

Không riêng gì người chăn nuôi gia súc gia cầm, bà con nuôi cá tra cũng đang méo mặt vì thiếu vốn, trong khi giá cá nguyên liệu xuống thấp từng ngày.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, hộ nuôi cá tra tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, cho biết: “Phía ngân hàng yêu cầu chúng tôi phải trả hết nợ cũ và phải có tài sản thế chấp mới giải quyết cho vay tiếp”.

Ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Công ty thủy sản Minh Phú cho biết: “Ngân hàng bây giờ cũng muốn cho vay bởi vì họ dư vốn. Tuy nhiên, họ không dám cho vay tiếp tới các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu (trả nợ cũ, có tài sản thế chấp…). Nếu doanh nghiệp có phương án tốt, có tải sản cầm cố thì ngân hàng vẫn cho doanh nghiệp vay thôi”.

Chính sách giải cứu chưa triệt để

Từ đầu năm đến nay, giá cá tra nguyên liệu lẫn giá heo hơi liên tục sụt giảm xuống dưới giá thành sản xuất nên có không ít hộ nuôi đã phá sản hoặc đang hoạt động cầm chừng. Vì thế, một giải pháp vực dậy ngành chăn nuôi, thủy sản là hết sức cần thiết trong lúc này.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, con đường tốt nhất để “cứu” nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay là hỗ trợ vốn cho họ, và thực tế Chính phủ đã có chính sách dùng vốn cho vay ưu đãi, tuy nhiên, phía ngân hàng lại không giải quyết cho vay. Vậy làm cách nào để “cứu” nông dân và doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Trí Công cho biết: “Việc cần làm trước tiên là ngay lập tức khoanh nợ, giãn nợ trong vòng 24 tháng đối với những hộ, trang trại chăn nuôi đang gặp khó khăn về vốn, tức phía ngân hàng chốt lại mức nợ đó và “tạm” để sang một bên trong 24 tháng. Song song đó, ngân hàng nên xem xét những trường hợp nào có phương án làm ăn khả thi, có tài sản thế chấp thêm sẽ áp dụng cho vay với lãi suất thấp”.

“Có như vậy mới mong tạm giúp ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này được”, ông Công cho biết thêm.

Ông An từ Công ty Thủy sản Minh Phú cho biết: “Ngân hàng không dám cho nông dân và doanh nghiệp vay vốn vì lo ngại họ không có khả năng trả nợ”. Theo ông An, Chính phủ phải có chính sách như thế nào đó giúp nông dân và doanh nghiệp, chẳng hạn phải bảo đảm nếu họ (nông dân, doanh nghiệp) không trả được nợ cho phía ngân hàng trong trường hợp ngân hàng giải quyết cho vay không thế chấp tải sản thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Dĩ nhiên, họ phải có kế hoạch khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh được Chính phủ chấp nhận.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới