Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người thuê, mua nhà trả góp ở các nước được bảo vệ trong mùa dịch ra sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người thuê, mua nhà trả góp ở các nước được bảo vệ trong mùa dịch ra sao?

Thiện Khang

(KTSG Online) – Tại Mỹ, Úc và một số nước châu Âu, ngân hàng áp dụng biện pháp cho phép tạm hoãn trả lãi và nợ gốc của người vay cá nhân mua nhà trả góp. Các công ty cung cấp điện, nước, gas … cũng không được ngưng cung cấp các dịch vụ thiết yếu này đối với khách hàng quá hạn thanh toán.

Người thuê, mua nhà trả góp ở các nước được bảo vệ trong mùa dịch ra sao?
Tại nhiều nước, ngân hàng bị cấm trục xuất người mua nhà trả góp nợ tiền trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Ảnh: CNBC

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của hàng triệu người thuộc giới làm công ăn lương ở các nước. Nhiều người đang mua nhà theo hình thức trả góp, bất ngờ lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc thu nhập bị sụt giảm nhiều do không còn làm việc toàn thời gian. Điều này đã khiến cho họ không còn tiền đâu để trả góp cho ngân hàng và đối mặt với viễn cảnh đầy u ám là sẽ bị trục xuất ra khỏi nhà.

Ngoài ra còn một diện đối tượng khác là những người không đủ điều kiện tài chính để được ngân hàng cho vay mua nhà, do đó, họ phải thuê nhà và trả tiền thuê hàng tháng. Nếu người thuê chậm trễ thanh toán tiền thuê vài lần thì chủ nhà có quyền trục xuất (eviction) người thuê ra khỏi nhà.

Nhà cửa bị ngân hàng thu hồi do không trả góp đúng hẹn ở Mỹ gọi là “house foreclosure", mà người gốc Việt ở Mỹ thường gọi nôm na là “bị nhà băng kéo nhà”.

Để bảo vệ người dân gặp khó khăn tài chính do đại dịch, chính phủ Mỹ – ngoài các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân để chi cho các nhu cầu thiết yếu – còn ban hành luật cấm các ngân hàng không được áp dụng hình thức cưỡng chế thu hồi nhà khi người mua không thể trả góp tiền mua nhà đúng hạn.

Ngoài ra, luật còn bảo vệ những người đang thuê nhà. Các gói cứu trợ từ năm ngoái đều có khoản chi hỗ trợ tài chính cho những người mua trả góp, thuê nhà và các ngân hàng cho vay, giới kinh doanh địa ốc và những chủ tư nhân có nhà cho thuê và những người vô gia cư vì bị trục xuất ra khỏi nhà.

Trong gói kích cầu 1.900 tỉ đô la của chính phủ Mỹ ban hành vào giữa tháng 3 năm nay, có 50 tỉ dành cho lĩnh vực nhà ở theo quy định của đạo luật American Rescue Plan. Trong đó, 27tỉ dành hỗ trợ người thuê nhà, 10 tỉ dành cho người mua nhà trả góp và 5 tỉ dành cho người vô gia cư. Các khoản hỗ trợ này còn bao gồm cả tiền điện, nước, gas, thuế bất động sản cho nhà cửa cá nhân.

Theo công bố của chính phủ Mỹ, sẽ có 2,7 triệu người mua nhà trả góp được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này, đồng thời sẽ có thêm 11 triệu người được tham gia chương trình mua nhà trả góp của liên bang.

Ngày 24-6-2021, chính phủ Mỹ thông báo rằng các Bộ Phát triển gia cư và đô thị (HUD) Bộ Cựu chiến binh (VA) và Bộ Nông nghiệp (USDA) đã thống nhất gia hạn đến ngày 31-12-2021 không áp dụng “foreclosure” đối với các khoản vay mua nhà được chính phủ liên bang bảo lãnh (thông qua các bộ này).

Nhưng, một cơ quan liên bang khác là Cục Bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng (CFPB) đã cảnh báo là đạo luật hiện hành Care Act nhằm bảo vệ người mua nhà không bị “foreclosure” sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 9-2021 này và sẽ làm cho 1,7 triệu người Mỹ mua nhà trả góp bị mất nhà.

Ngoài ra, còn có từ 10 đến 20 triệu người thuê nhà bị trục xuất do chậm trễ thanh toán tiền nhà vì ảnh hưởng của Covid-19. Do đó, Cục đang đệ trình lên chính phủ liên bang yêu cầu gia hạn hiệu lực của Care Act đến cuối năm 2021.

Ở nhiều bang của Mỹ, từ năm rồi chính quyền bang cấm các công ty cung cấp điện, gas sinh hoạt không được cắt điện, gas khi người dùng cá nhân chậm thanh toán. Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực cung ứng điện, gas ở các bang cũng chia sẻ khó khăn với khách hàng. Họ áp dụng biện pháp tạm ngưng thu tiền điện, gas hàng tháng trong thời gian ít nhất là 3 tháng và có thể hoãn lâu hơn tùy theo tình hình thực tế.

Một số nước châu Âu và Úc cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngân hàng, giới chủ nhà cho thuê bị ảnh hưởng vì Covid-19 tương tự như Mỹ. Nhưng, diện hỗ trợ không mở rộng sang người mua nhà và thuê nhà.

Ngoài các ngân hàng áp dụng biện pháp cho phép tạm hoãn trả lãi và nợ gốc đã vay của các doanh nghiệp và người vay cá nhân, về phiá chính phủ thì không hỗ trợ trực tiếp người mua nhà, thuê nhà như ở Mỹ. Mới đây, ngân hàng cho vay mua nhà lớn nhất của Úc là The Commonwealth Bank đã thông báo là họ sẽ không trục xuất các khách hàng vay mua nhà do chậm trể thanh toán, việc đình chỉ trục xuất có hiệu lực đến tháng 2-2022.

Tổng hợp từ CNN, CNBC, Forbes, HRW

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới