Chủ Nhật, 15/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Người tiêu dùng Đông Nam Á chi 3,7 tỉ đô la cho trà sữa trân châu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cơn sốt trà sữa trân châu và các thức uống trà kiểu mới tương tự khắp Đông Nam Á đã giúp phân khúc giải khát này đạt doanh thu gần 3,7 tỉ đô la trong năm 2021, theo một báo cáo nghiên cứu công bố hôm 16-8.

Báo cáo này cũng ghi nhận các đối thủ bản địa đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các thương hiệu trà sữa trân châu của Trung Quốc. Báo cáo được thực hiện bởi Công ty tư vấn đầu tư mạo hiểm Momentum Works (Singapore) và Qlub, một công ty khởi nghiệp về giải pháp thanh toán không tiếp xúc ở các nhà hàng, có trụ sở ở Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Ảnh minh họa: TL
Trà sữa ở Việt Nam chiếm thị phần lớn trong biểu đồ tiêu dùng của giới trẻ. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Báo cáo cho biết ngành công nghiệp trà sữa trân châu của Indonesia dẫn đầu về quy mô thị trường so với các nước Đông Nam Á, với doanh thu hàng năm đạt 1,6 tỉ đô la.
Tiếp theo là Thái Lan với doanh thu hàng năm là 749 triệu đô la Mỹ từ hơn 31.000 cửa hàng trà sữa trân châu và các kênh bán lẻ khác. Singapore, quốc gia nhỏ nhất trong khu vực, đứng thứ tư với doanh thu trà sữa trân châu hàng năm là 342 triệu đô la, đứng ngay sau Việt Nam, có doanh thu 362 triệu đô la.

Dù có dân số ở Singapore ít hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác nhưng người tiêu dùng của nước này có sức mua cao nhất. Giá trung bình của một đơn hàng trà sữa trân châu ở đảo quốc Sư tử cao hơn gần 2 lần so với các nước khác trong khu vực, khiến nó trở thành một điểm gia nhập tuyệt vời cho các thương hiệu trà sữa trân châu cao cấp, báo cáo của Momentum Works và Qlub nhận định.

Hiện tại, có hơn 60 thương hiệu trà sữa trân châu đang hoạt động với nhiều hương vị và mức giá khác nhau tại Singapore, nơi được chọn là điểm xuất phát đầu tiên ở Đông Nam Á cho các thương hiệu cao cấp như Heytea.

Mặc dù ngành công nghiệp trà sữa trân châu của khu vực này từ lâu nằm dưới sự thống trị của các thương hiệu Đài Loan và nội địa, nhưng điều đó có thể sắp thay đổi khi một loạt các thương hiệu Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập vào các thị trường Đông Nam Á.

Thị trường trà sữa trân châu ở Trung Quốc ước tính có doanh thu hàng năm 20 tỉ đô la hàng năm nhưng đang bão hòa và có tính cạnh tranh cao. Một số thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc như Mixue, Chagee và Heytea gần đây đã thâm nhập vào Đông Nam Á.
Dù tỷ suất lợi nhuận gộp sản phẩm tốt nhất trong ngành lên đến khoảng 60-70%, rất ít công ty trà sữa trân châu có thể duy trì lợi nhuận liên tục ở quy mô lớn, theo Momentum Works.

Ví dụ, Nayuki (Trung Quốc), thương hiệu trà sữa “kiểu mới” đầu tiên niêm yết cổ phiếu, chứng kiến ​​mức vốn hóa thị trường của nó giảm hơn 70% kể từ đó. Báo cáo trên cho biết mức định giá bán trà sữa trân châu không phải là yếu tố duy nhất tác động đến quyết định mua người tiêu dùng.

“Người tiêu dùng cũng đưa ra quyết định dựa trên danh mục thức uống có tại các cửa hàng cũng như tính dễ tiếp cận của chúng, tức số cửa hàng mà một thương hiệu trà sữa trân châu đang có… Nhiều người trẻ ở Đông Nam Á muốn mở một quán trà sữa. Dù có tỷ suất lợi nhuận cao, trà sữa trân châu là một cuộc chơi ít tạo ra khác biệt vì các sản phẩm dễ dàng bị bắt chước và chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn”, Sik Hoe Yong, Giám đốc hoạt động Qlub, cho biết.
Tuy nhiên, ông tin rằng sự yêu chuộng của người tiêu dùng trong khu vực đối với trà sữa trân châu khó có thể thay đổi sớm, mặc dù họ có khả năng ủng hộ các thương hiệu yêu thích dựa vào túi tiền của mình.
Jianggan Li, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Momentum Works, cũng nhận thấy các đối thủ địa phương đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ một nhóm các thương hiệu trà sữa trân châu mới nổi của Trung Quốc, vốn giỏi về quảng bá thương hiệu, sản phẩm và quản lý chi phí cũng như chuỗi cung ứng.

Ông nói: “Không khó để quan sát và học hỏi chiến lược của họ nhưng điều quan trọng hơn là bảo đảm kinh tế học đơn vị (unit economics – khái niệm mô tả doanh thu và chi phí của một mô hình kinh doanh cụ thể liên quan đến một đơn vị riêng lẻ) và lợi suất đầu tư tích cực”.

Theo Business Times, CNA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới