Người tiêu dùng không dễ kiện doanh nghiệp
![]() |
Người dân nuôi tôm cá dọc theo sông Thị Vải có quyền kiện Vedan bồi thường thiệt hại dù thành công trong vụ kiện là rất khó khăn- Ảnh: phapluattp.vn |
(TBKTSG Online) – Việc người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường thời gian gần đây có thể xem như một hồi chuông cảnh tỉnh các doanh nghiệp vì lợi nhuận gây ảnh hưởng đến môi trường sống.
Đó là nhận định của tiến sĩ Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch thường trực Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas). Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Thắng xung quanh câu chuyện có hiện tượng người tiêu dùng quay lưng lại các sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
TBKTSG Online: Thưa ông, thời gian gầy đây, một số siêu thị phải hạ hàng hóa của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi kệ mà lý do là người tiêu dùng không mua sản phẩm của các doanh nghiệp này. Phải chăng người tiêu dùng trong nước đã ý thức hơn tới “quyền lực mềm” của mình?
Ông Hồ Tất Thắng: Trong thời gian qua có quá nhiều vụ việc doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trầm trọng mà dưới góc độ người tiêu dùng (NTD) thì đó là việc ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của họ. Và thực tế trên thị trường đã xảy ra hiện tượng NTD phản ứng trở lại một cách mạnh mẽ mà từ trước tới nay chưa hề có như thông qua báo chí, NTD đề nghị tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp gây ô nhiễm; đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm như trường hợp Vedan “giết” sông Thị Vải 14 năm qua mà nếu chỉ xử lý hành chính đơn thuần thì họ có thể khởi kiện đòi bồi thường hay tẩy chay hàng hóa.
Thậm chí một số NTD còn thể hiện “quyền lực mềm” của mình là không chọn mua hàng hóa của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Nhưng theo tôi, sở dĩ NTD đã mạnh mẽ hẳn lên là do gần đây có quá nhiều doanh nghiệp xem thường pháp luật về môi trường và NTD đã ý thức hơn tới cộng đồng, tới môi trường sống xung quanh. Qua cách mà NTD phản ánh tới hội thì doanh nghiệp một khi gây ô nhiễm môi trường chính là xâm hại tới lợi ích của NTD, hay nói rộng ra là lợi ích của cộng đồng.
Đây là hồi chuông cảnh tỉnh các doanh nghiệp “ăn” vào môi trường sống. Người tiêu dùng cũng đã nhận ra rằng, giá cả hàng hóa của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường dù có rẻ hơn sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất chân chính khác thì họ cũng hiểu rằng cái rẻ hơn ấy được đánh đổi bằng sức khỏe, bằng môi trường sống ô nhiễm.
Không chỉ cảnh tỉnh doanh nghiệp, mà thông qua những hành động trong thời gian qua, NTD đã rung lên hồi chuông báo động, hay có thể gọi là gây áp lực các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm hơn trong việc thực thi Luật bảo vệ môi trường, trong hành xử giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp vi phạm hay việc lựa chọn thu hút đầu tư trong và ngoài nước. NTD bây giờ thừa biết Việt Nam đâu còn cái thời nhà đầu tư nào vào cũng gật đầu, mà phải lựa chọn công nghệ, mức độ gây ô nhiễm hay các cam kết xử lý ô nhiễm môi trường.
![]() |
Tiến sĩ Hồ Tất Thắng-Ảnh: Nguyễn Lưu |
Liệu NTD trong nước có mạnh tay tẩy chay hàng hóa tới mức doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải phá sản như ở một số nước đã từng xảy ra?
NTD có mạnh tay hay không còn tùy thuộc vào doanh nghiệp vi phạm và hành xử của cơ quan quản lý nhà nước. Cái quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước nên cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để người tiêu dùng hiểu.
Trường hợp Vedan, nếu NTD đồng loạt tẩy chay như ở các nước thì không chỉ Vedan bị thiệt hại do hành vi mình gây ra, mà còn ảnh hưởng tới cả ngành sản xuất, như nông dân trồng sắn bán cho Vedan hay các dịch vụ trước và sau sản xuất của Vedan.
Với tư cách là hội bảo vệ quyền lợi của NTD, chúng tôi cố gắng đưa ra thông tin định hướng NTD sáng suốt lựa chọn hàng hóa, dịch vụ không gây hại tới môi trường. Tuy nhiên, theo tôi cũng không nên gây tâm lý hoang mang như trường hợp sữa nhiễm melamine, chỉ vì các cơ quan của Bộ Y tế thiếu thông tin kip thời mà thị trường sữa bị sụt giảm, thậm chí NTD không dám mua sữa cho con em mình. Đây là điều nguy hiểm.
Tôi cho rằng một số NTD thông qua các phương tiện truyền thông và hành động thực tế của mình khi mua sắm, đã quay lưng lại với sản phẩm của Vedan là chính đáng và qua đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải xử lý sao cho đúng pháp luật. Trường hợp luật pháp chưa đồng bộ hay còn thiếu thì phải chỉnh sửa cho phù hợp thực tế. Hiện nay, có quá nhiều doanh nghiệp cố tình “ăn” vào môi trường, hay có thể nói là làm giàu trên sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, thế giới người ta có khái niệm “NTD thông thái”, biết lựa chọn hàng hóa, dịch vụ an toàn cho sức khỏe của mình và của cộng đồng, cũng như có thái độ hành xử đúng mực, để không ảnh hưởng xấu tới sản xuất kinh doanh của thị trường hay ảnh hưởng hoang mang tới xã hội.
Hiện ở TPHCM có thông tin các ngân hàng không cho các doanh nghiệp nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường vay vốn. Theo tôi, đó cũng là một phần ý thức của cộng đồng đã được nâng cao vì nói cho cùng, các cán bộ nhân viên của ngân hàng cũng là… người tiêu dùng!
Liệu NTD Việt Nam có thể khởi kiện dưới các hình thức khác nhau đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường?
Trên thế giới, ở các nước có nền luật pháp về môi trường bài bản, một doanh nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng như Vedan ở Đồng Nai hay Hào Dương ở TPHCM có thể bị NTD khởi kiện ra tòa ngay tức khắc và có khi doanh nghiệp đền bù cho NTD mà sạt nghiệp. Ở đây phải hiểu NTD với khái niệm rộng hơn, không chỉ là người đi mua hàng hóa, dịch vụ mà còn là người dân, cộng đồng ở những nơi nhà máy gây ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống mưu sinh của họ.
Một số nước họ có tòa án riêng để giải quyết các vụ khiếu kiện của NTD giống như ở ta có tòa kinh tế, tòa hành chính. Một số nước thì không có lập ra tòa án riêng nhưng họ có hội đồng thẩm phán chuyên giải quyết các vụ thiệt hại của NTD.
Luật pháp và cơ chế hiện tại ở Việt Nam hiện nay rất khó cho NTD kiện đòi các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường bồi thường. Chẳng hạn dân cư sống hai bên sông Thị Vải muốn kiện Vedan gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hay sản xuất của họ không dễ, bởi phải chứng minh thiệt hại cụ thể như mức độ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thế nào, cá tôm chết ra sao… chứ không thể nói định tính.
Trong khi đó, luật pháp lại không ràng buộc các cơ quan chức năng của nhà nước phải có nghĩa vụ cung cấp các thông số kỹ thuật, môi trường cho người dân. Một trường hợp khá đơn giản mà NTD vẫn không thể kiện đòi bồi thường là các cây xăng gian lận bằng cách gắn con chíp đã bị công an phát hiện.
Thế nhưng các cây xăng chỉ bị phạt hành chính chứ họ không thể bồi thường cho nhà nước, tức nhà nước không thể là nguyên đơn trong vụ kiện. Muốn kiện cây xăng bồi thường, người mua xăng phải có hóa đơn chứng minh. Nhưng gần như chẳng có ai mua xăng lẻ đổ cho xe máy có ý thức lấy hóa đơn.
Vụ nhỏ như xăng dầu mà kiện còn không được thì vụ Vedan hay Hào Dương càng khó chứng minh hơn nữa. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu người dân khởi kiện các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, chúng ta nên ủng hộ vì chính qua quá trình vụ kiện, dù thắng hay thua, mới cho thấy hết những bất hợp lý của luật pháp hay những gì có liên quan để sửa đổi.
Xin cảm ơn ông!
HỒNG VĂN thực hiện