Người tiêu dùng và giao thương xuyên biên giới
Thuận An
(SGTT) – Ghi nhận xu hướng quan tâm của người tiêu dùng về việc mua hàng hóa xuyên biên giới, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã phối hợp cùng với Amazon Global Selling tổ chức sự kiện “Bán hàng toàn cầu trên Amazon” tại Hà Nội và TPHCM vào cuối tháng 9 vừa qua.
Theo ban tổ chức, các chủ đề trong sự kiện trên tập trung làm rõ vấn đề bán hàng xuyên biên giới trên Amazon. Trên thực tế, những vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất có lẽ là việc kiểm soát chất lượng hàng hóa và việc bảo vệ quyền lợi người mua trong hoạt động bán hàng hàng trực tuyến xuyên biên giới.
Thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là thị trường có mức độ tăng trưởng nhanh. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có xu hướng tăng dần đều ở mức trên 20%/năm.
Tại cuộc hội thảo chuyên ngành vào tuần qua ở Hà Nội, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết đến cuối năm 2017, quy mô thị trường bán lẻ qua các kênh thương mại điện tử đạt 6,2 tỉ đô la Mỹ, doanh thu thương mại điện tử chiếm khoảng 3,6% doanh thu tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt mức 10 tỉ đô la, tương đương với việc mỗi người dân chi tiêu khoảng 350 đô la mỗi năm cho việc mua sắm trên mạng.
Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Việc người mua đặt hàng rồi nhận được sản phẩm kém chất lượng hơn hoặc thậm chí khác hoàn toàn so với sản phẩm mẫu cũng là điều thường xảy ra trong mua bán trực tuyến.
Để hạn chế những tình trạng tiêu cực và tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các sàn giao dịch thương mại điện tử thường áp dụng cơ chế cho người mua hàng có thể phản hồi về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã sử dụng và những phản hồi này là cơ sở để những người khác tham khảo trước khi lựa chọn.
Một số sàn thương mại điện tử lớn cho phép người mua có khoảng thời gian nhất định, tùy theo mặt hàng để xem xét chất lượng, tính năng của sản phẩm. Nếu không hài lòng, khách hàng chỉ cần bấm vào thao tác khiếu nại trên ứng dụng và sàn thương mại điện tử sẽ giải quyết vấn đề. Chỉ khi nào người mua hài lòng với sản phẩm thì sàn thương mại điện tử mới chuyển tiền hàng cho người bán. Cơ chế này khiến người bán hàng có ý thức hơn trong việc giới thiệu, mô tả sản phẩm và chịu trách nhiệm về những thông tin đã cung cấp cho khách hàng, đồng thời cũng tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Mặc dù các sàn thương mại điện tử đã có những biện pháp bảo vệ người mua, nhưng các chuyên gia khuyến nghị rằng người tiêu dùng, trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch thương mại điện tử nào cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm. Càng có nhiều thông tin, họ càng thuận tiện trong việc lựa chọn sản phẩm đúng nhu cầu và hạn chế tối đa các tranh chấp phát sinh sau đó.
Việc giải quyết tranh chấp trong giao dịch thương mại điện tử cũng là một mối quan tâm của người tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng, cần có quy định xác nhận các giao kết trong giao dịch thương mại điện tử có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng mua bán trực tiếp để xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp. Mặt khác, nên hướng tới việc giải quyết các trahh chấp trong thương mại điện tử nói riêng và giao dịch thương mại nói chung thông qua cơ chế hòa giải hoặc trọng tài thương mại.
Các chuyên gia cho rằng chỉ khi nào quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia được đảm bảo một cách hài hòa mới tạo ra nền tảng để thương mại điện tử phát triển bền vững. Từ đó, nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng được đáp ứng và bảo vệ một cách đầy đủ.