Người trong một nước…
Dạ Ngân
![]() |
(minh họa: Khều). |
(TBKTSG) – Hình như khi nước nhà có biến, người Việt mới sát cánh bên nhau nhưng khi hòa bình thì sự lỏng lẻo và định kiến vùng miền lại sống dậy, dai dẳng, khó chịu.
Vào khoảng năm 1968, cô gái Cần Thơ 16 tuổi lần đầu đặt chân đến U Minh. Đang hồi kháng chiến hừng hực tuổi xuân, cô gái áo bà ba màu sáng chít eo bó sát, “phom” người trông như một chiếc đàn ghi ta gợi cảm. Cô bị mấy bà chị quê Rạch Giá và Cà Mau tiếp đón bằng nửa con mắt: “Coi cái con Cần Thơ điệu chưa kìa!”.
Bữa cơm đầu tiên trong “cứ”, cô thấy nồi canh chua cá lóc để nguyên con không nêm đường, không rau độn, không gia vị gì cả, như cá luộc. Cô nói thầm trong bụng: Dân U Minh chặt to kho mặn, quá thô! Sau này, khi hai bên đã tường tận tính nết của nhau thì mọi định kiến ban đầu mới được nói toẹt ra để lý giải.
Cần Thơ là trung tâm của khu vực, thuộc văn hóa miệt vườn nhỏ nhẹ, cầu kỳ, kiểu cách, còn dân U Minh là miệt biển nước mặn đồng chua ăn to nói lớn, xài đậm, thế thôi! Dù vậy dân Cà Mau vẫn thích kê kích dân Cần Thơ: “Cà Mau ăn cá bỏ đầu. Cần Thơ thấy vậy xỏ xâu mang về”.
Không biết từ bao giờ người miền Tây Nam bộ hay chỉ trích nhau. Chỉ trích chứ không chỉ đùa chơi trên bàn nhậu. Người Cà Mau chê người Cần Thơ nhiều nhược điểm; còn người Cần Thơ thì dè bỉu dân Bến Tre ki bo, sính chữ.
Tưởng đó chỉ là một “căn bệnh tỉnh lẻ” cho dù miệt vườn hay miệt ruộng thì cũng dân thuần nông cả, nhưng đi rộng ra mới thấy ở những địa phương khác cũng cùng một thứ bệnh chê bai sau lưng nhau như vậy.
Người Nghệ Tĩnh chê người Thanh Hóa đất vua hay vụ lợi và tính toán, thậm chí người Hà Tĩnh còn chê người Nghệ An cực đoan, gay gắt và nhiều tính mục đích.
Ra với đồng bằng Bắc bộ nghe người Hà Nội chê người Huế thâm, xuống Hải Phòng nghe người Hải Phòng kêu dân Hà Nội xảo… Không hiểu sao càng ngày sự dè bỉu nhau bằng ranh giới hành chính ấy lại càng đậm và ngày càng lộ liễu, quá quắt.
Mới đây thôi, khi tác giả viết bài này phóng xe trên đường phố Sài Gòn thì một người đàn ông đi phía sau lầm bà lầm bầm, vậy rồi gã ta vọt nhanh lên để ném lại một câu: “Biển số Hà Nội hả, Hà Nội sao không ở Hà Nội mà chen vô đây?”. Thực lòng cứ muốn rượt theo để nói vỗ lại một tràng rặt tiếng Cần Thơ xem gã ta thấy bị hớ như thế nào nhưng nghĩ lại, ăn thua nhau ngoài đường không thiệt kép cũng thiệt đơn, đành nhịn.
Ra nước ngoài, đi từ tầng hầm gửi xe lên khu China Town, thấy nhiều ông bà lão người Tàu ngồi ghế đá bình thản như họ đang ở ngay trên tổ quốc của họ, không bị tác động gì cả. Càng quan sát càng thấy họ đúng là họ như mình từng nhìn biết họ ở Việt Nam, ở Campuchia hay ở Lào, một cộng đồng keo sơn, chắc nịch, đông đúc. Không thấy họ đứng trên vỉa hè chửi nhau, càng không thấy cảnh người trong nhà có chuyện thì tung cửa đứng ra ngoài để lu loa cho thiên hạ cùng nghe chơi và chắc chắn họ cũng không hay chê nhau ở những đặc điểm lặt vặt. Họ lặng thầm giúp nhau, cùng một họ coi như cùng huyết thống, cùng tỉnh coi như cùng nhà và họ đã kéo nhau lên, vượt qua tất cả.
Người Việt mình ở hải ngoại gặp nhau không dễ dàng tay bắt mặt mừng, nhóm này không chơi với nhóm kia, chơi rồi cắt, cắt xong thì không còn muốn nhìn mặt nhau nữa. Hình như khi nước nhà có biến, người Việt mới sát cánh bên nhau nhưng khi hòa bình thì sự lỏng lẻo và định kiến vùng miền lại sống dậy, dai dẳng, khó chịu. Đâu phải vì Trịnh – Nguyễn phân tranh quá lâu, đâu phải vì câu chuyện sông Gianh đã lặp lại ở sống Bến Hải mấy chục năm nữa? Bằng chứng là Cà Mau và Cần Thơ có giới tuyến nào đâu mà một nhà thơ gốc Cà Mau thì không được trọng dụng ở Cần Thơ? Chắc chắn đã đến lúc người Việt ở đâu cũng cần gạt bỏ mọi tị hiềm, lúc đó đất nước mới thật sự có sức mạnh dân tộc để yên bình và vươn lên.