Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguồn lực quốc gia phải được phân bổ hợp lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguồn lực quốc gia phải được phân bổ hợp lý

(TBKTSG) – Trong danh mục 1.000 công ty đóng thuế thu nhập lớn nhất 2010 (Top 1000) theo công bố của Vietnam Report, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chiếm ưu thế với 55,4% tổng số tiền nộp, dù số lượng chỉ chiếm hơn một phần ba trong danh sách. Số liệu trên dễ khiến nhiều người nghĩ rằng DNNN đang làm ăn có hiệu quả cao.

Vấn đề đặt ra ở đây là kết quả sẽ như thế nào nếu các nguồn lực của quốc gia được ưu tiên phân bổ cho khu vực nào có hiệu quả tốt nhất, thay vì tập trung hầu hết mọi ưu đãi, vốn liếng và tài sản cho khu vực kinh tế nhà nước như lâu nay.

Lướt qua danh sách Top 1000, sẽ dễ dàng nhận ra những doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất phần lớn rơi vào các ngành dầu khí, khai thác than, dịch vụ tài chính ngân hàng, viễn thông, bất động sản, nhập khẩu và phân phối xăng dầu, điện lực… Đây là những lĩnh vực kinh doanh có khả năng sinh lợi tốt mà trong thời gian dài trước đây hầu như do quốc doanh chi phối, còn khu vực kinh tế tư nhân ít có cơ hội tiếp cận. Bên cạnh đó, DNNN còn dễ dàng tiếp cận các khoản tín dụng ưu đãi và được hưởng rất nhiều ưu ái về vốn và đất đai.

Dù có nhiều ưu thế như vậy, nhưng hiệu quả kinh doanh của DNNN lại kém hẳn so với khu vực tư nhân. Nếu so với số tài sản khổng lồ lên đến trên 1,24 triệu tỉ đồng được Nhà nước giao, thì số tiền thuế hơn 40.000 tỉ của nhóm DNNN trong Top 1000 đóng góp là không tương xứng.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng việc phân bổ các nguồn lực giữa các thành phần kinh tế không hợp lý trong nhiều năm qua đang khiến nền kinh tế mất cân đối.

Vấn đề đặt ra là sắp tới cần thay đổi cách phân bổ nguồn lực của quốc gia. Những khu vực nào có khả năng cạnh tranh, năng suất cao, tạo được giá trị gia tăng lớn hoặc có vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế dài hạn, thì phải được phân bổ nhiều hơn và ngược lại.

Có như vậy, các nguồn lực của quốc gia mới được sử dụng một cách hiệu quả nhất, tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần để cho khu vực kinh tế nhà nước có cơ hội tự khẳng định mình, thông qua việc tạo dựng môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng, mà ở đó doanh nghiệp chỉ có thể đứng vững bằng chính năng lực cạnh tranh của bản thân, thay vì phụ thuộc vào những ưu đãi của Nhà nước.

Hiện nay, DNNN đã chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Bước đi này đã tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế về mặt pháp lý. Tuy nhiên, vẫn còn những quy định cần thay đổi, mà một trong số đó, theo đề xuất của một số chuyên gia kinh tế, là nên cân nhắc lại cụm từ “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI sắp tới. Đây là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến việc hình thành môi trường kinh doanh chưa bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhất là trong vấn đề phân bổ nguồn lực của quốc gia.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới