Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguồn vốn ngoại tệ sẽ bị thu hẹp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguồn vốn ngoại tệ sẽ bị thu hẹp

Thủy Triều

Nguồn vốn ngoại tệ để cho vay được dự báo sẽ bị thu hẹp. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Với các chính sách gần đây đối với ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ, nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng dự kiến sẽ không tăng mạnh thậm chí có thể giảm vào thời gian tới nếu tỷ giá được giữ ổn định ở mức hiện nay.

Ngày 9-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quy định trần lãi suất huy động ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ đối với cá nhân là 3%/năm, giảm mạnh so với mức cao nhất lúc đó là 6%/năm và sau đó giảm xuống 2% đối với cá nhân và 0,5% đối với doanh nghiệp vào cuối tháng 5.

Cơ quan này cũng đã tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ liên tiếp 2 lần trong 5 tháng đầu năm lên mức 7% hiện nay, đồng thời buộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (kể cả công ty có vốn nhà nước trên 50%) phải bán đô la cho ngân hàng.

Ông Đỗ Lam Điền, Phó giám đốc Ngân hàng Doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Hàng Hải, cho biết một người giữ đô la Mỹ hiện nay nếu để ở ngân hàng chỉ được hưởng lãi suất cao nhất 2%/năm, nếu bán lấy tiền đồng gửi ngân hàng sẽ được ít nhất 14%/năm. Nếu tỷ giá không thay đổi nhiều từ giờ đến cuối năm thì giữ tiền đồng có lợi hơn. “Mà theo ý kiến nhiều chuyên gia thì tỷ giá sẽ ổn định từ nay đến cuối năm, do vậy đã có làn sóng chuyển dịch từ giữ ngoại tệ sang tiền đồng, và nguồn ngoại tệ bán cho ngân hàng gia tăng đáng kể”, ông Điền nói.

Số liệu thống kê mới nhất của NHNN đã cho thấy xu hướng này. Theo NHNN, các ngân hàng thương mại tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng và NHNN đã mua ròng (mua nhiều hơn bán) khoảng 877 triệu đô Mỹ từ đầu năm đến 19-5. Bên cạnh đó, báo cáo hoạt động ngân hàng tháng 5 của NHNN cho biết tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 19-5-2011 ước tăng 0,56% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng đồng Việt Nam tăng 1,32%, nhưng tiền gửi bằng ngoại tệ giảm đến 1,96%. Đây là tháng đầu tiên từ đầu năm đến nay tiền gửi bằng ngoại tệ tại ngân hàng giảm.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết chính sách tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các ngân hàng không làm chi phí vốn của ngân hàng tăng, tức lãi suất cho vay ngoại tệ sẽ không tăng cao do trần lãi suất huy động đã hạ thấp xuống. Tuy nhiên, dù lãi suất đô la không tăng nhưng doanh nghiệp cũng sẽ không dễ dàng vay ngoại tệ từ ngân hàng do nguồn ngoại tệ huy động được dự báo có xu hướng giảm nên ngân hàng cũng chọn lọc khách hàng để cho vay ngoại tệ.

Ông Điền của Ngân hàng Hàng Hải cho biết NHNN cũng đã ra Thông tư số 07 có hiệu lực từ đầu tháng 5 hạn chế bớt đối tượng vay ngoại tệ, nhất là đối tượng vay ngoại tệ để nhập hàng xa xỉ, làm tăng nhập siêu khi tăng trưởng dư nợ ngoại tệ tiếp tục cao trong các tháng qua.

Theo NHNN, cho vay đối với nền kinh tế tính đến 19-5 ước tăng 0,01% so với tháng trước, trong đó cho vay tiền đồng giảm 0,64% nhưng cho vay ngoại tệ (chủ yếu đô la Mỹ) vẫn tăng đến 2,19%. Tính chung 5 tháng đầu năm, tăng trưởng cho vay ngoại tệ gần 19%.

Áp lực lên tiền đồng trong tương lai

Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng, nếu các doanh nghiệp vay ngoại tệ rồi bán lấy tiền đồng để sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm, khi ngoại tệ về từ 3 đến 6 tháng sau sẽ được dùng để trả nợ cho ngân hàng. Như vậy, nguồn ngoại tệ để bán cho ngân hàng sẽ thiếu trong các tháng cuối năm trong khi nhu cầu mua ngoại tệ không đổi có thể sẽ tạo áp lực lên đồng nội tệ.

Bên cạnh đó, bản chất Việt Nam là một nền kinh tế nhập siêu tức là thiếu ngoại tệ nên nếu nhập siêu không được kiềm chế vào cuối năm thì áp lực về cung ngoại tệ sẽ tăng, vị này nói.

Về cơ bản, các ngân hàng không thể lấy ngoại tệ huy động được đem đi bán lấy tiền đồng và ngược lại không được lấy tiền đồng huy động để mua ngoại tệ. Ngoại tệ mua bán và ngoại tệ huy động-cho vay là khác nhau.

Theo báo cáo chiến lược tháng 6 của Công ty chứng khoán Rồng Việt, tuy tỷ giá đang diễn biến tích cực nhưng chỉ là ngắn hạn, áp lực lên đồng nội tệ vẫn lớn do nhập siêu vẫn tiếp tục ở mức cao (nhập siêu tháng 5 ở mức 1,7 tỉ đô la Mỹ và lũy kế 5 tháng nhập siêu chiếm đến 19% kim ngạch xuất khẩu). Ngoài ra, lãi suất đô la Mỹ thấp có thể khiến các dòng tiền bên ngoài đổ vào ít hơn. Nếu xu hướng trên tiếp tục tái diễn trong các tháng tiếp theo sẽ ảnh hưởng xấu đến cán cân thanh toán và cuối cùng là đến tâm lý người dân, công ty này nhận định.

Trước đó, cũng với quan ngại về nhập siêu, ngân hàng Standard Chartered trong báo cáo cuối tháng 5 của mình dự báo có khả năng tiền đồng sẽ có đợt giảm giá nhẹ vào quí 3 năm nay xuống còn 21.800 đồng so với mức khoảng 20.600 đồng hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới