Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp rình rập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp rình rập

Thu Hiền

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, Lê Trường Giang thăm bà con xóm ghe. Ảnh: Trang Lê

(TBKTSG Online) – Dịch tiêu chảy cấp đang có nguy cơ lây lan ở TPHCM khi mới đây ngành y tế phát hiện thêm 2 ca dương tính với phẩy khuẩn tả, điều nguy hiểm là các trường hợp này đều sinh sống trên ghe. Trong khi đó, khu vực biên giới phía Nam, giáp Cambodia và Thái Lan đang có dịch tả khiến nguy cơ lây lan từ khu vực biên giới vào nước ta sẽ rất cao.

Ca tả đầu tiên

Nguy cơ lây lan tả

Cần một chiến lược phòng chống tả

Đây là khuyến cáo của Viện Pasteur TPHCM đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm cho 20 tỉnh thành khu vực phía Nam hôm 21-4, tại TPHCM.

Khuẩn tả thâm nhập nguồn nước

Ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết đến thời điểm này, cơ quan y tế đã phát hiện bốn trường hợp tiêu chảy mới ở khu vực xóm ghe (quận 7, TP HCM). Hai cha con dương tính với phẩy khuẩn tả là anh Trần Văn Em (1984) và Trần Văn Lợi (18 tháng tuổi), sống trên ghe số 2. Ghe này có đến 9 người sinh sống, trong đó có 5 trẻ em.

Hiện tại xóm ghe này có 14 “căn nhà lưu động” trên sông, với 51 nhân khẩu, trong đó 16 trẻ em. Ông Giang nhận định, so với nhóm bệnh nhân phát hiện tại quận 5 thì nhóm bệnh xóm ghe trên kênh Tẻ là có nguy cơ lây lan nguồn bệnh cao nhất vì vi khuẩn vào nguồn nước là không thể ngăn chặn. “Nguy cơ khuẩn tả lây lan vào nguồn nước là rất lớn vì tất cả nhân khẩu ở xóm ghe đều phóng uế xuống kênh Tẻ khiến khuẩn tả có thể lan vào nguồn nước khác tại thành phố. Đáng lo ngại là việc xử lý tả trên cả dòng sông là điều không thể thực hiện”, ông Giang nói.

Sau khi phát hiện các trường hợp trên, Sở Y tế đã lập danh sách bệnh nhân, cấp phát thuốc dự phòng; trước mắt, địa phương đã lắp đặt nhà vệ sinh công cộng, bồn chứa 5.000 lít nước sạch phục vụ cho xóm ghe, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát y tế cả khu vực.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết hiện nay bệnh tả diễn biến rất phức tạp. Tại TPHCM, hiện có 3 chùm ca tả tại 3 khu vực khác nhau là quận 5, quận 7 và quận 8, địa bàn dịch ngày càng mở rộng và có thể lan nhanh nếu không kịp ngăn chặn kịp thời.

Nguy cơ đến từ biên giới

Theo báo cáo tại hội nghị, đến thời điểm này có 5 tỉnh thành phố phát hiện 19 ca dương tính với phẩy khuẩn tả, trong đó 5 ca đầu tiên phát hiện là tại tỉnh An Giang. Điều đáng chú ý là địa phương này giáp giới với Camphuchia, trong khi nước này đã phát hiện 12 ca bệnh tả. Vì vậy, nguy cơ lây lan dịch từ vùng biên giới là rất cao.

Ông Phan Vân Điền Phương, Phó giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết: “Do dịch tả lây lan từ Campuchia nên chúng tôi triển khai tất cả các khâu phòng chống dịch từ đây, riêng về điều trị đã tổ chức 3 khâu phòng ngự đó là trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện tuyến huyện. Với “phòng tuyến” này, chúng tôi hy vọng có thể chặn đứng được dịch”. Theo ông Phương, Sở Y tế An Giang cũng đã cử cán bộ y tế sang Cambodia giúp các địa phương giáp biên giới chống dịch.

Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, Lê Hoàng San, đề nghị ngành y tế các địa phương cần kiểm tra, giám sát tiêu chảy cấp, đặc biệt là những ca tiêu chảy nghi tả, phải có giám sát lấy mẫu nhằm phát hiện sớm ca đầu tiên để có thể dập tắt ngay.

Trước tình hình dịch tả tại Campuchia và Thái Lan, ông Lê Trường Giang, quan ngại: “Hiện mỗi ngày, thành phố có hơn 1 triệu khách vãng lai. Vì vậy, thành phố phải thực hiện mọi biện pháp phòng dịch cho cộng đồng, không để lây lan dịch bệnh”.

Giám sát chặt vùng biên giới

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, khuyến cáo khu vực biên giới giáp Campuchia và Thái Lan hiện đang có dịch tả khiến nguy cơ lây lan từ khu vực biên giới vào phía Nam nước ta là rất cao. Đặc biệt, miền Nam đang thời điểm mùa hè là mùa du lịch nên nhu cầu đi lại giữa các vùng miền tăng lên khiến nguy cơ dịch có thể lan rộng.

Để ngăn chặn dịch tả từ biên giới vào Việt Nam, ông Nga cho rằng các cơ sở y tế địa phương phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch, điều tra rõ các mối liên quan đến dịch và khoanh vùng dập dịch khi phát hiện các ổ dịch.

Đối với các cửa khẩu giáp với vùng có dịch như Campuchia và Thái Lan phải được giám sát chặt chẽ, đặc biệt là đối với du khách đi từ vùng có dịch vào Việt Nam.

Các cơ sở y tế phải chuẩn bị vật tư y tế, đủ cơ số thuốc và thông báo rộng rãi trong bệnh viện và người dân biết nếu phát hiện trường hợp mắc tả và không che giấu thông tin khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhanh; đồng thời cho phép các cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ.

Theo Bộ Y tế, đến nay dịch tả đã lan đến Hà Nội, Hải Dương, TPHCM, An Giang và Bắc Ninh; và hiện thời tiết đang nắng nóng, nguy cơ bùng phát dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả là rất lớn, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông người, điều kiện vệ sinh môi trường kém, ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, để chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, Cục Y tế dự phòng và môi trường khuyến cáo thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đặc biệt là phòng tránh bệnh tả. Trong vùng có dịch, các gia đình không nên tổ chức ăn uống đông người và khi phát hiện có người bị tiêu chảy cấp, phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới