Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ kinh tế giảm tốc khi nhu cầu hạ nhiệt

Ngọc Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Các khảo sát doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu và châu Á cho thấy số lượng đơn hàng mới đã giảm khi một số nhà máy chuyển sang xử lý các đơn hàng tồn đọng từ trước.

Nhu cầu suy yếu đối với hàng điện tử tiêu dùng được phản ánh trong xuất khẩu chậm lại của một số nền kinh tế châu Á. Ảnh: DAVID ZALUBOWSKI/ ASSOCIATED PRESS

Các nhà máy trên khắp thế giới báo cáo nhu cầu sản phẩm suy giảm, một dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ hàng tiêu dùng – tạo động lực cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, có thể giảm tốc khi giá cả và lãi suất tăng cao làm xói mòn khả năng chi tiêu.

Khảo sát các nhà sản xuất được công bố gần đây cho thấy tình trạng tương tự dù đó là nhà máy ở Hàn Quốc, Ý hay Mỹ.

Khi giá cả bắt đầu tăng nhanh chóng vào đầu năm ngoái, các ngân hàng trung ương cho rằng sự gia tăng này chỉ trong ngắn hạn vì nguồn cung sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu lớn hơn. Nhưng khi lạm phát cao hơn kéo dài, họ ngừng chờ đợi và bắt đầu tăng chi phí đi vay để hạ nhiệt nhu cầu.

Giờ đây, dường như bản thân giá cao hơn cũng có tác động tương tự, ảnh hưởng đến việc mua hàng ngay cả ở những nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, nơi lãi suất vẫn chưa tăng.

Việc này có thể giúp ích cho các ngân hàng trung ương nếu nó giúp hạ nhiệt áp lực giá cả. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tìm cách tăng lãi suất đủ để kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái – gọi là hạ cánh mềm.

Kurt Rankin, nhà kinh tế cấp cao của PNC Financial Services Group, cho biết: “Nếu có bất kỳ cơ hội nào nhằm đem lại kết quả từ việc hạ cánh mềm của Fed thì việc phá hủy nhu cầu ở một tốc độ khiêm tốn nào đó sẽ làm giảm áp lực lên giá từ phía cầu”.

Rủi ro là nhu cầu giảm quá nhiều có thể dẫn đến các doanh nghiệp cắt giảm sản xuất và sa thải công nhân, đẩy các nền kinh tế vào suy thoái, ông Rankin nói.

Ông nói: “Hiện tại, cung và cầu đang thực sự mất cân bằng. Chúng ta cần cân đối cung cầu để giảm lạm phát”.

Hoạt động của các nhà máy ở Mỹ đã tăng trong tháng 6 với tốc độ chậm nhất trong hai năm, theo đo lường của Viện Quản lý cung ứng về hoạt động sản xuất của Mỹ, được gọi là chỉ số quản lý thu mua (PMI).

Lần đầu tiên sau hai năm, đơn hàng mới giảm do nhu cầu của khách hàng suy yếu. Khảo sát cho thấy việc làm trong lĩnh vực sản xuất cũng giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ do S&P Global thống kê chỉ ra rằng sản lượng đình trệ trong tháng 6 do doanh số bán hàng giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5-2020. Kỳ vọng về sản lượng trong tương lai giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2020.

Theo S&P Global, tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, sản lượng của các nhà máy đã giảm trong tháng 6 và ở mức yếu nhất kể từ tháng 8-2020.

Một dấu hiệu khác cho thấy xuất khẩu chậm lại từ một số nền kinh tế châu Á.

Số liệu chính thức mới được công bố cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc đã chậm lại đáng kể trong tháng 6, trong khi dữ liệu từ Việt Nam cho thấy xuất khẩu hàng công nghệ đã giảm trong tháng này và là tháng thứ hai liên tiếp. Hoạt động sản xuất ở Đài Loan đã suy giảm trong tháng 6, theo PMI của nước này, với các đơn hàng xuất khẩu ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hai năm.

Tại Trung Quốc, hoạt động của các nhà máy đã mở rộng vào tháng 6, lần đầu tiên sau ba tháng, theo chỉ số PMI chính thức cho lĩnh vực sản xuất, khi sản xuất tăng nhanh sau khi các biện pháp phong tỏa ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác được nới lỏng. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy nhu cầu ở nước ngoài yếu, với việc sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu mới.

Hồi tháng 5, nhà sản xuất chip Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp. cảnh báo rằng nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng đã giảm mất kiểm soát, trong khi Công ty Ryohin Keikaku của Nhật Bản, chủ sở hữu các cửa hàng Muji, đã cắt giảm hướng dẫn lợi nhuận năm của công ty, với lý do chiết khấu đáng kể nhằm giải phóng hàng tồn.

Một dấu hiệu khác về nhu cầu suy yếu là chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Bờ Tây Mỹ đã giảm 15% so với tuần cuối tháng 6, theo Chỉ số Freightos Baltic và thấp hơn 14% so với một năm trước đó.

Giá tiêu dùng và lãi suất tăng đã khiến người tiêu dùng Mỹ siết lại hầu bao trong những tháng gần đây.

Đặc biệt, chi tiêu cho hàng hóa lâu bền (là hàng hóa có tuổi thọ ít nhất ba năm) đã suy yếu đáng kể kể từ đầu năm. Điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu cho hàng hóa lâu bền đã giảm 3,5% trong tháng 5, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12-2021. Xe có động cơ và phụ tùng có mức chi tiêu thấp hơn chiếm hơn 3/4 mức giảm chi tiêu của hàng hóa lâu bền trong tháng 5, theo Bộ Thương mại.

Nhu cầu suy yếu đối với hàng điện tử tiêu dùng được phản ánh trong xuất khẩu chậm lại của một số nền kinh tế châu Á. Ảnh: DAVID ZALUBOWSKI/ ASSOCIATED PRESS

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới