Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ mất thị trường cá tra, ba sa do Mỹ thay đổi quy định

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguy cơ mất thị trường cá tra, ba sa do Mỹ thay đổi quy định

Ngọc Hùng – Thùy Dung

Nguy cơ mất thị trường cá tra, ba sa do Mỹ thay đổi quy định
Trước đây, cá tra xuất khẩu vào Mỹ chỉ bị kiểm soát ở khâu chế biến; nay, theo những gì mà USDA đưa ra, từ khâu con giống, nuôi trong ao cũng phải nằm dưới sự kiểm soát bằng một tiêu chuẩn được Mỹ công nhận – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Những tiêu chuẩn mà người nuôi cá tra, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang áp dụng như BAP, GlobalGap (thực hành nông nghiệp tốt), ASC khi xuất sang Mỹ sẽ có không có ý nghĩa gì trong thời gian tới mà phải theo một hệ thống tiêu chuẩn được Mỹ đồng ý là tương đương.

Đây là những yêu cầu nằm trong “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc bộ Siluriformes, trong đó có cá tra, cá basa của Việt Nam, vừa được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ban hành.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong thời gian tới, để cá tra xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam phải đưa ra một hệ thống những tiêu chuẩn được phía Mỹ xem xét là tương đương và căn cứ trên đó, các doanh nghiệp sẽ làm theo.

Ông Hòe cho biết, hiện tại, cá tra xuất khẩu qua Mỹ phải bị kiểm soát bởi FDA, tức là cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Nhưng sắp tới, Ban quản lý thực phẩm nông nghiệp an toàn và dịch vụ kiểm soát (FSIS) của Mỹ sẽ kiểm tra tất cả các quy trình “tạo ra sản phẩm cá tra” từ khâu con giống… đến sản phẩm cuối cùng.

Ông John P.Connelly, Chủ tịch Viện Thủy sản Mỹ (National Fisheries Institute) trong buổi làm việc với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) hôm nay 8-12, cho biết, để tiếp tục xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phải gởi cho phía Mỹ danh sách những doanh nghiệp đang và có mong muốn xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Và dĩ nhiên, những doanh nghiệp này phải chịu sự “kiểm soát” tất cả các quy trình trong khâu sản xuất, chế biến cá tra.

“Về mặt lý thuyết, thời gian tới, Việt Nam sẽ có một hệ thống tiêu chuẩn cho con cá tra từ khâu sản xuất giống đến nuôi trồng, chế biến rồi xuất khẩu tương đương tiêu chuẩn của Mỹ, còn sau đó, có bao nhiêu doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn này hay không là một câu chuyện khác”, ông Hòe của VASEP cho biết.

Khó khăn cho doanh nghiệp

Trong khi đó, ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam, nói rằng việc Mỹ thực hiện quy định giám sát mới với cá da trơn có thể khiến ngành cá tra, ba sa có nguy cơ mất thị trường Mỹ, vốn chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Thực tế, để điều kiện sản xuất cá tra của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn của một nước có trình độ phát triển như Mỹ cực kỳ khó khăn. Ngay cả Nghị định 36 về cá tra nhằm nâng cao một số tiêu chuẩn chất lượng trong nước cũng đã vấp phải sự phản ứng của doanh nghiệp, nói chi áp dụng theo tiêu chuẩn Mỹ.

Hoa Kỳ đưa ra quy định kiểm tra này với lý do nhà sản xuất của Mỹ sản xuất như vậy thì doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất khẩu cá vào Mỹ cũng phải áp dụng tương tự. Nhưng tiêu chuẩn là do họ đưa ra và họ tự công nhận chứ không phải do bên thứ ba. “Cho nên, nếu họ muốn dựng lên rào cản, ngăn cản cá tra, ba sa vào Mỹ thì đây là một rào cản có thẩm quyền thuộc về họ”, ông Dũng nói.

Thực tế, trước đây Thái Lan cũng đã bị Mỹ áp dụng đạo luật này với mặt hàng thịt gà. Sau đó, Thái Lan đã đấu tranh nhiều năm nhưng phía Mỹ vẫn áp dụng tiêu chuẩn tương đương.

Đã có ý kiến trong cộng đồng doanh nghiệp là nên kiện Hoa Kỳ ra WTO, song ông Dũng cho hay, việc kiện tụng rất khó khăn vì liên quan tới chi phí kiện tụng. Hơn nữa, liệu kiện có thắng không, sau kiện là gì, ai sẽ chi trả khoản phí đó, thuê mướn luật sư Mỹ ra sao để kiện lại chính phủ Mỹ? Đây là một loạt câu hỏi cần phải trả lời trước khi kiện tụng.

Gấp rút sửa đổi quy định

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), Bộ đang nghiên cứu sửa lại Nghị định 36, đặc biệt là thông tư 23 để phù hợp với tiêu chuẩn tương đương mà Hoa Kỳ đưa ra.

Thực tế, quy định mới của Hoa Kỳ không chỉ áp dụng riêng cho Việt Nam mà đối với tất cả các nước xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào nước này. Thời gian Hoa Kỳ áp dụng quy định mới rất gấp nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hệ thống quản lý nhà nước Việt Nam.

Do đó, theo Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát, từ nay đến đầu tháng 3-2016, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) gửi cho Mỹ danh sách các doanh nghiệp có mong muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào Mỹ, cũng như cung cấp các thông tin cho Mỹ về các hệ thống luật pháp, hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam theo như yêu cầu của phía Hoa Kỳ.

Kể từ tháng 3-2016 trở đi sẽ là khoảng thời gian chuyển tiếp 18 tháng. Trong 18 tháng này, Việt Nam sẽ phải cung cấp các tư liệu để chứng minh rằng Việt Nam có hệ thống quản lý đối với sản xuất, chế biến cá da trơn tương đồng với Mỹ. “Đây là quan ngại lớn, bởi hệ thống quản lý sản xuất, chế biến cá da trơn của Việt Nam và Mỹ đang có nhiều sự khác biệt”, Bộ trưởng Phát nói.

Còn về dài hạn, Bộ NNPTNT đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát, đối chiếu thật cụ thể, chi tiết để xem giữa quy định trong nước đang áp dụng còn chỗ nào chưa phù hợp, chưa tương đồng với quy định mới của Hoa Kỳ để điều chỉnh.

Hiện tại, trung bình mỗi năm, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ dao động ở mức 300 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Vì thế, theo ông Hòe, những quy định mới của Mỹ ít nhiều gây khó khăn cho cá tra xuất sang thị trường này.

Là một người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thủy sản, trải qua nhiều cuộc họp liên quan đến chuyện áp thế bán phá giá, hàng rào kỹ thuật đối với cá tra vào Mỹ, ông Hòe cho rằng, những hệ thống quy định mà FSIS đưa ra ở một khía cạnh nào đó là nhằm bảo hộ cho ngành cá da trơn (catfish) của Mỹ.

“Ý tưởng đưa cá da trơn vào một chuỗi kiểm soát bắt đầu từ Farm Bill 2008,… và ý tưởng này đã bị phản đối từ nhiều bên và hiện nay vẫn đang tiếp tục nhận phản đối từ một số nghĩ sĩ ở Mỹ. Theo tôi, những gì mà phía Mỹ đang đưa ra có thể xem như một hàng rào kỹ thuật để bảo hộ cho ngành sản xuất cá da trơn của Mỹ”, ông Hòe nói.

Ngày 2-12-2015, Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) đã quyết định ban hành "quy định cuối cùng" về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc bộ Siluriformes, trong đó có cá da trơn và cá tra của Việt Nam.

"Quy định cuối cùng" được triển khai theo yêu cầu của Luật Nông nghiệp 2014 (Farm Bill 2014) của Hoa Kỳ và áp dụng đối với tất cả các loài cá thuộc bộ Siluriformes, tức cá da trơn nuôi trồng nội địa và nhập khẩu. Quy định này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 3-2016, tức 90 ngày sau khi đăng Công báo Liên bang.

Một trong những nội dung quan trọng của quy định này là Hoa Kỳ sẽ áp dụng quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đối với cá tra và cá ba sa của tất các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn phải tương đương với tiêu chuẩn mà Hoa Kỳ đang áp dụng.

Đồng thời, quy định mới cũng yêu cầu quy trình giám sát từ khâu sản xuất, chế biến cá tra, cá ba sa phải tương tự như quy trình giám sát đối với thịt và sản phẩm thịt của Hoa Kỳ đang áp dụng.

Cùng với sự thay đổi này, Hoa Kỳ cũng sẽ thay đổi thẩm quyền giám sát các sản phẩm cá tra, cá ba sa, kể cả sản phẩm sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu, từ Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) trước đây chuyển sang cho Cục Kiểm dịch, Thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS).

Trong giai đoạn chuyển giao thẩm quyền giám sát của FDA cho FSIS, Hoa Kỳ sẽ có giai đoạn chuyển đổi, theo đó trước ngày 2-3-2016, các nước hiện đang xuất khẩu sản phẩm cá cá, cá ba sa vào Hoa Kỳ, nếu có mong muốn tiếp tục xuất khẩu cần phải cung cấp danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đang xuất khẩu, cũng như các tài liệu bằng văn bản để chứng minh thẩm quyền được xuất khẩu cũng như tuân thủ theo những quy định nhập khẩu hiện hành của FDA.

Trong 18 tháng chuyển đổi, FSIS sẽ tiến hành tái giám sát và lấy mẫu ngẫu nhiên ít nhất 1 lần/quý tại cơ sở xuất khẩu sang Hoa Kỳ để giám định về chủng loại cá cũng như dư lượng hóa chất có trong các lô hàng cá thuộc bộ Siluriformes. Sau khi kết thúc thời gian chuyển đổi 18 tháng này, các nước muốn tiếp tục xuất khẩu phải nộp tiếp hồ sơ để Hoa Kỳ xem xét Tiêu chuẩn tương đồng…

Xem thêm

>>> Sẽ thêm hàng rào hạn chế cá tra Việt Nam vào Mỹ?

>>> Xuất khẩu cá tra sụt giảm mạnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới