Thứ Bảy, 14/06/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ mất trắng 30 tỉ đồng nuôi tôm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguy cơ mất trắng 30 tỉ đồng nuôi tôm

(Ảnh minh họa)

Khu nuôi tôm công nghiệp Kim Trung, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) rộng 70,4 héc ta ra đời với kỳ vọng làm giàu cho người dân ven biển. Nhiều người biết tới bởi nó có quy mô lớn với số vốn đầu tư hơn 30 tỉ đồng, lớn nhất khu vực Nam sông Hồng vào những năm 2000.  

Khu công nghiệp này đang trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội", thất bại nối tiếp thua lỗ và chừng ấy tiền đầu tư cho cơ sở vật chất, trạm bơm, xây dựng hệ thống cung cấp và thoát nước... vô tác dụng. Không những thế còn bị xuống cấp trầm trọng...

Ngay từ khi đi vào hoạt động, 54 ao đầm có kết quả ngày càng “u ám”: năm 2004, sản lượng tôm cua thu được không đáng kể; năm 2005, cơn bão đã "quét'' sạch con giống; năm 2006 tôm chết hàng loạt do bị bệnh đốm trắng; năm 2007 và 2008 đứng trước viễn cảnh "vô vọng".

Do ảnh hưởng của môi trường, thời tiết nên sản lượng thu hoạch bù không nổi vốn đầu tư con giống, thức ăn... Thực tế, vụ mùa tôm cua khá nhất cũng chỉ đạt 1 tạ đến 2 tạ/héc ta/năm, thậm chí có ao đầm chỉ được 30 kg đến 50 kg/héc ta/năm.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Đinh Công Khanh, Phó chủ tịch UBND xã Kim Trung (Kim Sơn, Ninh Bình), một phần do bị ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, thời tiết nắng mưa thất thường. Phần khác, quy trình nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi phải đầu tư vốn cao, kỹ thuật nuôi trồng đúng quy trình... nhưng hầu hết các chủ đầm nhận thầu ao trong khu công nghiệp đều thực hiện rất nửa vời do thiếu vốn và không có trình độ chuyên môn.

Đáng nói là cũng có những hộ dám mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, mời cả chuyên gia miền Nam ra nghiên cứu nuôi trồng tại 6 ao đầm như hộ ông Trần Văn Chiên ở xóm 2 (Kim Trung), nhưng cũng thất bại cay đắng, thua lỗ và mắc nợ ngân hàng đến gần 2 tỉ đồng".

Thực tế diễn ra đang là dấu chấm hỏi đặt ra cho chính quyền địa phương và các nhà nghiên cứu xây dựng dự án khu công nghiệp nuôi tôm công nghiệp Kim Trung. Sau khi một vài vụ mất mùa, biết không thể duy trì nuôi tôm công nghiệp, nhiều hộ đã "lén" chuyển sang nuôi quảng canh nhưng cũng bị thất bại...

Trước thực trạng trên, UBND huyện Kim Sơn đã đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn như chuyển đổi cơ cấu, thay đổi mô hình quản lý, tránh đầu tư manh mún bằng cách kêu gọi một hoặc hai doanh nghiệp có vốn lớn đầu tư cải tạo lại môi trường, làm theo đúng quy trình nuôi tôm công nghiệp...

Nhưng theo ông Đoàn Kim Ly, Phó chủ tịch UBND huyện Kim Sơn thì tất cả vẫn chỉ là lý thuyết trên giấy tờ vì huyện không đủ "lực" để làm!  

TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới