Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ Mỹ sa lầy vào cuộc chiến thương mại không lối thoát

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguy cơ Mỹ sa lầy vào cuộc chiến thương mại không lối thoát

Lê Linh

(TBKSTG Online) – Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói Mỹ “dễ dàng thắng” trong một cuộc chiến tranh thương mại nhưng sau khi Washington và Bắc Kinh chính thức áp thuế nhằm vào hàng hóa của nhau, mọi chỉ dấu hiện nay cho thấy Mỹ có thể sa lầy vào một cuộc chiến không thấy lối thoát, được ví như một Afghanistan trên mặt trận kinh tế.

Đe dọa áp thuế 500 tỉ đô hàng hóa Trung Quốc

Nguy cơ Mỹ sa lầy vào cuộc chiến thương mại không lối thoát
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được dự báo tiếp tục leo thang. Ảnh: The Atlanta Voice

Hôm 6-7, Washington và Bắc Kinh đã chính thức áp thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của nhau mỗi năm khi cả hai nước bước vào một cuộc chiến tranh thương mại được dự báo sẽ kéo dài và ngày càng leo thang. Có 818 hạng mục sản phẩm của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế bao gồm ô tô, linh kiện máy bay, thiết bị y tế, ổ đĩa máy tính, máy bơm, robot công nghiệp…

Để đáp trả,Trung Quốc thông báo áp thuế 34 tỉ đô la hàng hóa Mỹ mỗi năm bao gồm ô tô, đậu nành, cotton, bột mì, ngô, gạo, lúa miến, các loại thịt heo, bò, gà…, các loại hải sản như tôm hùm, cua, mực, bạch tuộc.., các sản phẩm sữa và nhiều loại trái cây và rau quả như cam, chanh, táo, khoai tây, cà chua…

Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố lên án Mỹ “châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế toàn cầu”. Tuyên bố nói rằng Trung Quốc buộc phải đáp trả để bảo vệ các lợi ích của quốc gia và người dân.

Trao đổi với báo chí hôm 6-7, Tổng thống Donald Trump nói trong vòng hai tuần tới, Mỹ sẽ áp thuế 25% thêm cho 16 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa và cuối cùng, có thể áp thuế trên tổng cộng hơn 500 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm, tức gần bằng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ vào  năm ngoái.

“Bạn sẽ thấy 16 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc nữa sẽ bị áp thuế trong hai tuần tới, rồi như bạn biết, chúng ta còn 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc nữa để áp thuế và sau con số này, chúng ta vẫn còn 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa”, ông nói.

Cùng ngày, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông báo các công ty Mỹ có thể nộp đơn xin miễn trừ áp thuế đối với các sản phẩm nằm trong danh mục 818 sản phẩm Trung Quốc bị áp thuế. USTR cho biết bất kỳ quyết định miễn trừ nào cũng chỉ có thời hạn một năm.

USTR nói sẽ đưa ra quyết định dựa trên từng đơn yêu cầu cụ thể bằng cách xem xét liệu một sản phẩm mà công ty yêu cầu miễn áp thuế có thể có nguồn cung thay thế bên ngoài Trung Quốc hay không, liệu việc áp thuế 25% cho sản phẩm đó có thể gây tổn hại kinh nghiêm trọng cho công ty yêu cầu được miễn áp thuế hay không và liệu sản phẩm đó có tầm quan trọng chiến lược hoặc liên quan đến các chương trình phát triển công nghệ của Trung Quốc hay không, bao gồm chương trình Made in China 2025.

Không có chiến lược rõ ràng

Nhiều chuyên gia nhận định Tổng thống Donald Trump đang đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến thương mại không có lối thoát. Ảnh: Axios

Hồi tháng 3 khi Mỹ thông báo áp thuế thép 25% và thuế nhôm 10% nhằm vào tất cả đối tác thương mại trên toàn cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin tuyên bố: “Chiến tranh thương mại là tốt và dễ thắng”.

Giờ đây sau khi phát động cuộc gây hấn thương mại với các đối thủ lẫn các đồng minh, câu hỏi đặt ra là liệu ông có một kế hoạch để đạt được các kết quả mong muốn hay không hoặc liệu có phải ông đang đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến tốn kém và vô ích mà không có lối thoát hay không.

Trump đang đặt cược rằng đe dọa áp thuế các đối tác thương mại như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mexico và Canda, cuối cùng sẽ buộc họ phải quy phục trước các yêu cầu của Mỹ.

Chiến lược của Trump được sự tiếp sức nhờ nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho ông có nhiều sự lựa chọn áp thuế. Hơn nữa, có rất ít lý do để cho rằng các gói áp thuế ban đầu sẽ làm chệch hướng nền kinh tế Mỹ. 34 tỉ đô la Mỹ giá trị hàng hóa Mỹ và Trung Quốc bị áp thuế 25% ở mỗi nước chỉ là con số nhỏ so với với nền kinh tế có giá trị gần 20.000 tỉ đô la mỗi năm của Mỹ. Trump và các cố vấn thương mại của ông quả quyết rằng lịch sử sẽ đứng về phía họ và rằng cách tiếp cận của Trump sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với nhiều năm trời đàm phán bao gồm các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc mà cuối cùng không đem lại thỏa thuận nào tốt đẹp cho nước Mỹ.

Song các chuyên gia lo ngại Trump đang đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến thương mại không thấy lối thoát trước mắt.

Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) viết trong một bài xã luận hồi tháng 3: “Lập luận hùng hồn của Trump trong cuộc vận động tranh cử tổng thống là ông sẽ không lãng phí tính mạng người Mỹ và tài sản Mỹ trong các cuộc chiến vô nghĩa. Song việc ông phát động chiến tranh thương mại sẽ cho thấy rằng đây là một Afghanistan trên mặt trận kinh tế đầy tốn kém, không có hồi kết và vô ích”.

Daniel Price, một lãnh đạo ở công ty tư vấn Rock Creek Global Advisors, cựu trợ lý thương mại của Tổng thống Mỹ George W. Bush, nói. “Không có một kế hoạch rõ ràng nào cả. Chính quyền không đưa ra một chỉ dấu nào về cách để giải quyết vấn đề hay mục tiêu của họ là gì”.

Nhiều người ủng hộ Trump cho biết họ không chắc cuộc chiến thương mại sẽ diễn tiến như thế nào khi mà Nhà Trắng tiếp tục gia tăng các đe dọa và thiếu một chiến lược rõ ràng để hướng đến việc giải quyết bất đồng thương mại giữa Mỹ với các đối tác.

Thuế thép và thuế nhôm mà Mỹ đánh vào các đối tác cho đến nay hầu như không mang lại tác dụng nào, khiến Trump phải tìm cách gia tăng áp lực bằng cách đe dọa áp thuế ô tô và linh kiện ô tô nhằm các đối tác này.  Các cuộc đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ với Mexico và Canada vẫn bế tắc. Trong khi đó, các cố vấn thương mại của Trump đang phân vân không biết nên yêu cầu Bắc Kinh mua thêm hàng hóa Mỹ để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc hay thúc ép Trung Quốc tiến hành các cải cách kinh tế quan trọng.

Giới phân tích nhận định nếu xung đột thương mại với Trung Quốc không được giải quyết sớm, Trump có thể đe dọa áp thuế đối với hầu như mọi mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Trong khi nhiều người ủng hộ tin các tuyên bố mạnh miệng của Trump chỉ là một chiến thuật đàm phán nhưng hiện nay, đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ đã thất bại mà không có dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ nối lại các cuộc thảo luận trong thời gian sắp tới.

Nguy cơ xung đột leo thang

Khi mà có rất ít dấu hiệu về một giải pháp thông qua đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc hay bất kỳ đối tác thương mại nào khác, cuộc chiến thương mại hiện nay có nguy cơ leo thang và cuối cùng, có thể tác động thêm đến hàng trăm tỉ đô la hàng hóa.

Tổ chức tư vấn Oxford Economics (Anh) ước tính các gói thuế hiện nay chỉ khiến GDP của Mỹ và Trung Quốc mỗi bên mất khoảng 0,1 điểm phần trăm trong hai năm tới. Con số này sẽ tăng lên 0,3 điểm phần trăm nếu chính quyền Trump mở rộng giá trị danh mục hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế thêm 200 tỉ đô la.

Các đòn áp thuế hiện nay chỉ gây thiệt hại nhỏ cho tăng trưởng GDP của Mỹ nhưng sẽ gây tổn thương nặng nề cho một số ngành sản xuất nhất định của Mỹ. Chẳng hạn, giá hợp đồng đậu nành tương lai của Mỹ đã giảm 15% kể từ cuối tháng 5 khi Trung Quốc ra tín hiệu đánh thuế trả đũa Mỹ nằm vào mặt hàng này. Chủ tịch Hiệp hội đậu nành Mỹ John Heisdorffer, một nông dân trồng đậu nành ở bang Iowa, cho biết ông và những người khác trong ngành sản xuất đậu nành đã mất nhiều năm trời để phát triển thị trường ở Trung Quốc để rồi giờ đây thị trường này bị khép lại trong nháy mắt.

Nếu Mỹ thực hiện lời đe dọa áp thuế ô tô và linh kiện ô tô nhằm vào các đối tác và bị họ trả đũa thì giá trị hàng hóa bị áp thuế trên toàn cầu có thể lên đến hàng ngàn tỉ đô la. Nền kinh tế Mỹ có thể đủ mạnh để chịu đựng các gói áp thuế nhỏ mà Mỹ đã triển khai nhưng sẽ khó trụ vững nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang, đẩy giá trị hàng hóa bị áp thuế trên toàn cầu lên hàng ngàn tỉ đô.

Daniel Ikenson, giám đốc bộ phận nghiên cứu chính sách thương mại ở Viện Cato (Mỹ) nhận xét: “Trump đang xem chính sách thương mại như thể là một thương vụ bất động sản, nơi mà bạn tìm cách đánh bại đối thủ bằng cách uy hiếp và sĩ nhục đối thủ”.

Ikenson nói dù cách tiếp cận của Trump có tác dụng và các nước như Trung Quốc phải nhượng bộ thì thiệt hại lớn nhất của Mỹ là nước này đánh mất niềm tin ở các đối tác. Ngoài ra, ông cho rằng hành động gây hấn thương mại của Mỹ sẽ khuyến khích các nước khác bắt chước hành xử theo cách này khi họ bị dồn vào chân tường.

(Theo New York Times, Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới