Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ năng suất hồ tiêu sẽ giảm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguy cơ năng suất hồ tiêu sẽ giảm

Ngọc Hùng

Theo Hiệp hội tiêu Việt Nam, trong vài năm tới năng suất hồ tiêu sẽ giảm do bệnh tuyến trùng đang bùng phát. Trong ảnh: Một đoàn cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra bệnh tuyến trùng trên hồ tiêu tại các tỉnh Đông Nam bộ. Ảnh: Đức Cường

(TBKTSG Online) – Hiện tại hồ tiêu Việt Nam đứng đầu thế giới cả về số lượng lẫn giá trị xuất khẩu nhưng khả năng giữ được vị trí này trong những năm tới là không dễ dàng vì gần 80% diện tích trồng hồ tiêu đang bị bệnh tuyến trùng, năng suất cho hạt đang có dấu hiệu giảm.

Đây là cảnh báo của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam tại hội nghị thường niên năm 2010 và đại hội nhiệm kỳ 4 của hiệp hội này diễn ra tại TPHCM, ngày 26-4.

Sẽ đạt mốc xuất khẩu 500 triệu đô la Mỹ

Theo ông Nam, với giá tiêu tăng cao như hiện nay và có thể tăng cao trong những tháng cuối năm nên nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đạt mốc 500 triệu đô la Mỹ, tăng gần 80 triệu đô la Mỹ so với năm 2010, trong khi số lượng xuất khẩu từ 100.000 -110.000 tấn như năm ngoái.

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, dự báo kim ngạch xuất khẩu năm nay cao là nhờ hậu thuẫn của giá tiêu trên thị trường đang cao, có thể đạt 6.000 đô la Mỹ/ tấn trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, trong vòng 3 năm trở lại đây, hồ tiêu Việt Nam đã phần nào chi phối được giá tiêu trên thị trường thế giới nhờ lượng xuất khẩu chiếm gần 50% tổng số lượng tiêu xuất khẩu của thế giới.

“Do hồ tiêu có thể bảo quản được trong 3 năm nên hiện có nhiều hộ nông dân tìm cách dự trữ trong những tháng đầu năm và bán ra vào cuối năm vì thường có giá cao hơn. Ở một khía cạnh nào đó, hồ tiêu đang trở thành một kênh đầu tư tài chính của người dân trong một vài năm trở lại đây”, ông Nam cho hay.

Bệnh tuyến trùng và thiếu một tiêu chuẩn đồng bộ

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam do giá tiêu liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước nên nhiều hộ dân tìm mọi cách để nâng cao năng suất cây tiêu lên mức tối đa. Đến nay, các vùng trồng tiêu, đã xuất hiện nhiều hộ nông dân đã tạo được vườn tiêu năng suất cao từ 5-6 tấn/héc ta, thậm chí rất cao 7-10 tấn/héc ta, cá biệt có hộ dân thu hoạch trên 10 tấn tiêu/héc ta.

Nhận xét về vấn đề này, ông Nam cho biết, đó cũng là tin vui cho ngành hồ tiêu vì giá trị kinh tế thu về trên 1 héc ta lớn nhưng tiềm ẩn trong đó nhiều rủ ro khó lường trước.

“Để tăng năng suất cây tiêu nhiều hộ dân đã lạm dụng phân bón quá mức khiến đất trồng tiêu thoái hóa, khả năng đề kháng bệnh tật của cây tiêu giảm, bằng chứng hiện có khoảng 80% diện tích trồng tiêu đang bị bệnh tuyến trùng. Điều này sẽ làm giảm năng suất cho hạt của cây tiêu trong vài vụ tới”, ông Nam lo ngại.

Cũng theo ông Nam, Ấn Độ, Indonesia cũng từng xảy ra hiện tượng này khi năng suất cây tiêu tăng chỉ qua một vài vụ nhưng sau đó hàng chục héc ta trồng tiêu giảm năng suất liên tục chỉ còn dưới 1 tấn/héc ta khiến ngành hồ tiêu hai nước này đánh mất vị thế của mình trên thị trường hồ tiêu thế giới.

“Nếu chúng ta không xây dựng ngành hồ tiêu trên nền tảng sản xuất hữu cơ, hay theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch (GAP) thì Việt Nam sẽ đi theo vết xe đổ của ngành hồ tiêu Ấn Độ và Indonesia đã từng đối mặt”, ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng, viễn cảnh này không cần phải đợi lâu vì hiện nay năng suất hồ tiêu của Chư Sê, Gia Lai trong vụ tiêu vừa qua đã giảm 40% năng suất. Người trồng tiêu ở đây đã tìm cách đẩy nhanh năng suất bằng cách sử dụng nhiều phân bón. Hậu quả, đất trồng tiêu bị thoái hóa, dịch bệnh phát triển nhanh khiến hàng chục héc ta hồ tiêu bị ảnh hưởng, năng suất giảm.

Còn theo ông Mark Barnett, Giám đốc Công ty hương gia vị Sơn Hà (Hà Nội), người có nhiều năm sống và kinh doanh tiêu tại Việt Nam cho biết, mặc dù là nước có sản lượng chiếm 1/3 sản lượng hồ tiêu thế giới nhưng chất lượng hồ tiêu Việt Nam hiện nay đang có vấn đề vì hiện có thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ nhiều khả năng sẽ điều tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành tiêu Việt Nam.

“Tuy là một nước xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới với hơn 100.000 tấn/năm nhưng Việt Nam vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn chung để doanh nghiệp áp dụng. Nếu có bộ tiêu chuẩn này thì thương hiệu hồ tiêu Việt Nam được tăng lên trên thị trường thế giới”, ông Mark Barnett nói.

Theo ông Mark Barnett, nếu ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững, chất lượng tốt thì hồ tiêu Việt Nam sẽ thu được nhiều ngoại tệ hơn nhờ giá bán cao. Muốn làm được điều này thì hồ tiêu Việt Nam phải có thương hiệu. Đây là vấn đề mà ngành hồ tiêu bỏ quên trong thời gian qua.

Số liệu thống kê của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm, nước ta đã xuất khẩu khoảng 37.000 tấn, trong đó, 25.000 tấn của quí 1 và 12.000 tấn của tháng 4. Tiêu đen có giá trung bình là trên 4.500 đô la Mỹ/tấn và tiêu trắng là trên 7.000 đô la Mỹ/tấn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới