Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ thiếu hụt thuốc men trên toàn cầu do Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguy cơ thiếu hụt thuốc men trên toàn cầu do Covid-19

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Tình trạng gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc do dịch Covid-19 đang gây tổn thương nguồn cung của nhiều loại thuốc men thiết yếu như kháng sinh, thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, thuốc giảm đau hạ sốt…

Nguy cơ thiếu hụt thuốc men trên toàn cầu do Covid-19
Thuốc paracetamol được kiểm tra trong một phòng thí nghiệm ở vùng ngoại ô TP. Ahmedabad, Ấn Độ. Paracetamol là một trong 26 dược phẩm và hoạt chất dược phẩm bị Ấn Độ tạm thời cấm xuất khẩu. Ảnh: Reuters

Ấn Độ cấm xuất khẩu 26 dược phẩm và hoạt chất dược phẩm

Các hãng dược phẩm trên thế giới đang chật vật tìm mua các nguyên liệu thô quan trọng từ các nhà máy ở Trung Quốc, vốn bị đóng cửa trong nhiều tuần qua do dịch Covid-19, để sản xuất các loại thuốc kháng sinh, vitamin và một số thuốc men thiết yếu khác.

Là nước sản xuất hoạt chất dược lớn nhất thế giới nhưng Trung Quốc hiện đang chứng kiến sản lượng ở các nhà máy bị gián đoạn và điều này đang có nguy cơ gây khó khăn cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ấn Độ là nước chịu tác động nặng nề nhất.

Giờ đây, ngay cả khi các nhà máy ở Trung Quốc đã tái khởi động, tình trạng thiếu hụt thuốc men trên thế giới vẫn có thể xảy ra.

Hôm 3-3, Ấn Độ, nhà sản xuất thuốc gốc (generic drug) lớn nhất thế giới, ra quyết định cấm xuất khẩu 26 loại dược phẩm và hoạt chất dược phẩm. Thuốc gốc là loại thuốc sử dụng tên gốc của dược chất được phát minh hay tên hóa học của dược chất đó.

Chúng thường được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ.

Danh sách thuốc men bị cấm xuất khẩu của Ấn Độ chiếm 10% giá trị xuất khẩu dược phẩm hàng năm của nước này và bao gồm nhiều thoại thuốc kháng sinh như tinidazole, erythromycin, thuốc hormone progesterone (dùng để điều trị một số vấn đề bệnh lý liên quan đến hormone nữ), vitamin B1, B6, B12 và paracetamol, một trong những loại thuốc giảm đau thông dụng nhất thế giới.

Quyết định cấm này được ban hành giữa lúc nhiều nhà sản xuất hoạt chất dược phẩm ở Trung Quốc vẫn còn đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng.

Tờ The Economic Times (Ấn Độ) cho biết Ấn Độ hạn chế xuất khẩu dược phẩm sau khi một ủy ban cao cấp của chính phủ nước này phân tích sự phụ thuộc của Ấn Độ vào các hoạt chất do Trung Quốc sản xuất và cho biết có 34 loại thuốc không có nguồn cung hoạt chất dược phẩm thay thế ở bên ngoài Trung Quốc.

Một quan chức Ấn Độ giấu tên tiết lộ rằng chính phủ Ấn Độ muốn bảo đảm nguồn cung thuốc men đầy đủ cho người dân ở trong nước trước khi cho phép xuất khẩu.

Các chuyên gia trong ngành dược phẩm cảnh báo tình trạng thiếu hụt thuốc men sẽ xuất hiện trên toàn cầu nếu dịch Covid-19 kéo dài.

“Ngay cả những loại thuốc không phải sản xuất ở Trung Quốc cũng cần hoạt chất dược phẩm từ nước này. Nguồn cung thuốc men toàn cầu có thể thiếu hụt nếu nguồn cung tại Trung Quốc và Ấn Độ bị tác động nặng nề”, nhà phân tích Shaun Rein ở Công ty China Market Research Group, cảnh báo.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của ngành dược phẩm Ấn Độ đạt 19 tỉ đô la Mỹ,chiếm 20% sản lượng xuất khẩu thuốc gốc toàn cầu.

Nhà kinh tế Stephen Foreman ở Công ty tư vấn Oxford Economics, nói có những dầu hiệu cho thấy tình trạng khan hiếm nguồn cung hoạt chất dược phẩm đang đẩy giá thuốc lên cao.

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ hôm 3-3, Stephen Hahn, Giám đốc Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết FDA đang xác định xem lệnh cấm xuất khẩu thuốc men của Ấn Độ sẽ tác động như thế nào đối với nguồn cung các loại thuốc men thiết yếu ở Mỹ.

Mỹ và châu Âu lo lắng

Hoạt động sản xuất hoạt chất dược phẩm ở Trung Quốc bị đình trệ có thể khiến nguồn cung thuốc men bị thiếu hụt trên toàn cầu. Ảnh: DW

Các cơ quan quản lý dược phẩm trên thế giới đang lo lắng giám sát tình hình ở Trung Quốc. Cuối tuần trước, FDA thông báo Mỹ đang thiếu hụt một loại thuốc quan trọng sau khi nguồn cung hoạt chất sử dụng để sản xuất loại thuốc đó bị gián đoạn do dịch Covid-19. FDA không tiết lộ tên thuốc và nơi sản xuất nó.

Giám đốc FDA Stephen Hahn, nói: “FDA đang giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng dược phẩm và dự báo dịch Covid-19 sẽ tác động đến chuỗi cung ứng sản phẩm y tế, bao gồm nguy cơ gián đoạn nguồn cung hoặc thiếu hụt các sản phẩm y tế quan trọng ở Mỹ”. Ông cho hay FDA đã xác định được 20 loại thuốc sử dụng hoạt chất dược phẩm mua duy nhất từ Trung Quốc.

Ngành công nghiệp dược phẩm ở châu Âu cũng đang đối mặt với tác động tương tự. Tuần trước, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), cho biết “đang phân tích và giám sát tác động tiềm tàng của dịch Covid-19 đối với các chuỗi cung ứng dược phẩm vào châu Âu dù chưa nhận được báo cáo nào về tình trạng gián đoạn nguồn cung”.

Các loại thuốc kháng sinh, cao huyết áp, đái tháo đường, thuốc ARV (trị bệnh HIV/AIDS) và các loại thuốc thông dụng khác như thuốc giảm đau và hạ sốt ibuprofen, thuốc hydrocortisone (thuốc điều trị các bệnh như viêm khớp, rối loạn máu hoặc hormone) tại châu Âu cũng phụ thuộc lớn vào nguồn cung thuốc gốc và hoạt chất dược phẩm từ Trung Quốc.

Các hoạt chất dược phẩm để sản xuất các loại thuốc nói trên, phần lớn đã hết hạn bảo vệ bản quyền, có giá trị xuất khẩu tổng cộng hơn 30 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018, theo số liệu mới nhất của Phòng Thương mại xuất nhập khẩu dược phẩm và các sản phẩm y tế Trung Quốc.

Trong khi đó, 80% hoạt chất dược phẩm nhập khẩu của Mỹ chủ yếu đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy năm ngoái, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đến 95% thuốc ibuprofen, 91% thuốc hydrocortisone, 70% thuốc paracetamol, 40-45% thuốc kháng sinh penicillin và 40% thuốc heparin (chống đông đường tiêm).

Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học bang Minnesota, nhận định tình hình chuỗi cung ứng dược phẩm hiện nay bộc lộ rất nhiều vấn đề trong ngành sản xuất dược phẩm ở Mỹ: đó là gia công sản xuất hoạt chất dược phẩm tại Trung Quốc như không hiểu rủi ro chiến lược liên quan đến rất nhiều loại dược phẩm quan trọng.

Năm ngoái, các nghị sĩ Mỹ bắt đầu cảm thấy lo ngại trước sự phụ thuộc nguồn cung hoạt chất dược phẩm quá lớn vào Trung Quốc giữa lúc hai nước đang lao vào một cuộc chiến tranh thương mại.

Hôm 29-2, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố dữ liệu cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất nước này trong tháng 2 giảm sâu về mức 35,7 điểm so với mức 50 điểm vào tháng trước và vượt mức thấp kỷ lục 38,8 điểm vào tháng 11- 2008 khi nền kinh tế toàn cầu bước vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo hãng tin Tân Hoa xã, hoạt động sản xuất dược phẩm nói riêng cũng suy giảm mạnh trong tháng trước. Xiao Qing Boynton, Phó Chủ tịch Công ty tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu Albright Stonebridge Group, nhận định nếu hoạt động sản xuất ở các nhà máy dược phẩm ở Trung Quốc có thể được khôi phục nhanh chóng, chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu chỉ bị tác động ở mức hạn chế.

Nhưng nếu tình trạng nhà máy bị đóng cửa và các thành phố bị đóng cửa ở Trung Quốc kéo dài trong trung hạn đến dài hạn, các công ty dược phẩm nước ngoài sẽ phải suy tính liệu có cần chuyển nguồn cung ứng khỏi nước này hay không.

“Dịch Covid-19 phơi bày rõ hơn về mức độ phụ thuộc lẫn nhau và dễ gãy đổ trong chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng ta. Đối với nhiều công ty dược phẩm, tình trạng đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc thực sự cho thấy rõ điều này”, Xiao Qing Boynton cho biết.

Theo SCMP, New York Times, BBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới