Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ xâm thực đất nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguy cơ xâm thực đất nông nghiệp

Một cánh đồng mía ở Sudan, hệ thống tưới tiêu lấy nước từ sông Nile trắng -Ảnh: caneharvesters.com

(TBKTSG Online) – An ninh lương thực đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước, thúc đẩy các nước giàu nhưng thiếu điều kiện làm nông đi tìm kiếm cơ hội khai thác những vùng đất trù phú ở bên ngoài lãnh thổ.

Thuê đất nước ngoài để canh tác

Ả Rập Saudi không có sông hồ ngập nước quanh năm, lượng mưa thấp và không ổn định. Chỉ có thể gieo trồng thông qua những dự án tốn kém phải dùng đến hồ chứa nước ngầm. Gia súc nuôi lấy sữa phải được làm mát bằng quạt và máy phun sương. Tóm lại, đây không phải là một nước có thể sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.

Giá cả thế giới tăng vọt, kim ngạch nhập khẩu lương thực của Ả Rập Saudi đã tăng trung bình 19%/năm trong 4 năm qua, lên đến 12 tỉ đô la Mỹ năm 2007. Theo một nghiên cứu của ngân hàng SABB tại nước này, vương quốc dầu mỏ đang trở thành nhà nhập khẩu lương thực hàng đầu ở Trung Đông.

Nhưng tình hình sắp sửa chuyển biến. Doanh thu lớn từ dầu và nỗi lo ngại về an ninh lương thực đang thúc đẩy Ả Rập Saudi tìm kiếm cơ hội khai thác những mảnh đất màu mỡ trên toàn cầu qua các chuyến công du của các quan chức đến Sudan, Ukraine, Pakistan và Thái Lan.

Kế hoạch là triển khai những dự án lớn ở nước ngoài mà sau này khu vực tư nhân có thể tham gia, tập trung vào gieo trồng bắp, gạo, lúa mì. Các quan chức cho biết, một khi đã chọn được nước nào, sẽ phát triển những dự án quy mô hơn 100.000 héc ta và phần lớn vụ mùa sẽ được xuất khẩu về nước.

Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Ả Rập đang nhắm đến Kazakhstan và Sudan, Libya đang hy vọng thuê nông trại ở Ukraine còn Hàn Quốc đã nói đến kế hoạch đầu tư vào một dự án có diện tích canh tác 270.000 héc ta ở miền đông Mông Cổ. Ngay cả Trung Quốc, đất đai bao la nhưng không nhiều nước, cũng đã mua đất canh tác ở châu Phi và Đông Nam Á.

“Đây là một khuynh hướng mới trong thời khủng hoảng lương thực. Lực đẩy chủ đạo ngày nay là an ninh lương thực”, Joachim von Braun, giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế, nhận định.

Lần đầu tiên từ thập niên 1970, an ninh lương thực đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính phủ các nước. “Khủng hoảng lương thực đã báo động cho tất cả các nước phải tìm nơi đảm bảo nguồn cung nông sản”, Abdullah al-Obaid, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp của Ả Rập Saudi, nhấn mạnh.

Một loại tài sản chiến lược

Đối với các quốc gia giàu đất, nước nhưng thiếu vốn thì những kế hoạch cho thuê đất cũng mang lại lợi ích.

Sudan là thành viên của Liên đoàn Ả Rập gồm 22 nước, từ nước này băng qua biển Đỏ là lãnh thổ Ả Rập Saudi.

Là nước lớn nhất châu Phi, Sudan có những dải đất nông nghiệp rộng bao la. Hai nhánh sông Nile Trắng và Nile Xanh, chảy vào Sudan từ Uganda và Ethiopia, gặp nhau ở Khartoum và cung cấp nước dư dả cho tưới tiêu.

Tuy nhiên, việc triển khai bất cứ dự án đầu tư nào cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn. Dù là nước sản xuất dầu từ năm 1999 nhưng Sudan vẫn nghèo và vô cùng kém phát triển do nhiều thập niên xung đột và chính phủ điều hành kém.

Đơn cử như đường sá sẽ quyết định việc các nhà sản xuất có dễ dàng đưa vụ thu hoạch từ nông thôn ra cảng không. Năm 2003, Ngân hàng Thế giới ước tính chỉ có 6.240km trong số 55.000km đường của Sudan được tráng nhựa.

Ngoài ra, các nhà đầu tư còn phải chịu những rủi ro như bất ổn chính trị, tham nhũng và nạn quan liêu.

Ví dụ như những đồng lúa mì ở Ukraine đạt năng suất không đến 3 tấn/héc ta dù đất phì nhiêu và lượng mưa dồi dào, thấp hơn nhiều so với sản lượng 6,5 tấn/héc ta của Mỹ trong khi thiên nhiên không ưu đãi bằng. Như vậy, nếu được trang bị thêm nhiều máy kéo, nhiều phân bón hơn, kỹ thuật canh tác tiến bộ hơn và hạt giống chất lượng hơn thì tình hình sẽ cải thiện.

Lennart Båge, chủ tịch Quỹ phát triển nông nghiệp của Liên hiệp quốc, nhận định đất đai lâu nay không được xem trọng như dầu và khoáng sản nhưng giờ thì “đất trồng phì nhiêu với khả năng tiếp cận nguồn nước đã trở thành một tài sản chiến lược”.

Một số quốc gia đã nắm bắt tiềm năng của nguồn tài nguyên này. Hiện Sudan đang tìm cách thu hút ít nhất 1 tỉ đô la Mỹ từ các tập đoàn đầu tư Ả Rập và châu Á. Bộ Đầu tư nước này đang tiếp thị 17 dự án quy mô lớn với diện tích khoảng 880.000 héc ta.

Thủ tướng của Ethiopia, Meles Zenawi, rất kỳ vọng vào chủ trương này. Sau khi tiếp phái đoàn nông nghiệp của Ả Rập Saudi cách đây nửa tháng, ông cho biết: “Chúng tôi đã trình bày với họ rằng chúng tôi rất sẵn lòng cung cấp hàng trăm ngàn héc ta đất nông nghiệp cho đầu tư”.

Mới đây, Indonesia lên dự án dành một khu vực tương đương diện tích Kuwait ở tỉnh Papouasi xa xôi để trồng lúa gạo, mía đường và đậu nành. Chính phủ nước này đã gặp các nhà đầu tư Ả Rập Saudi để đề nghị cho thuê một phần đất canh tác với giá hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Giành quyền sản xuất lương thực?

Tuy nhiên, các nước sản xuất lương thực có thể phải trả giá rất đắt khi cho thuê đất. Thông qua những thỏa thuận song phương, các nhà đầu tư hy vọng lách được những rào cản giao dịch mà nước chủ nhà có thể áp dụng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng lương thực.

Đối với một số nhà hoạch định chính sách, việc cho thuê đất vẽ nên một viễn cảnh ác mộng: vụ mùa thu hoạch được đưa ra khỏi những nông trại có rào chắn kiên cố trong lúc người dân đói ăn đứng nhìn theo. Ý thức được nỗi lo ngại này, ông Khalid Zainy, một nhà kinh doanh tham gia vào nỗ lực của Ả Rập Saudi trong đầu tư nông nghiệp, cho biết những hợp đồng ký với các chính phủ nước ngoài sẽ dành một phần thu hoạch nông sản cho thị trường địa phương. “Điều này tránh cho chương trình bị gián đoạn cũng như những rắc rối từ phía chính phủ lẫn người dân”, ông giải thích.

Một số khác lưu ý rằng hiện đang xảy ra một cuộc chiến giành đất ở các nước mà môi trường pháp lý vẫn còn yếu, nông dân không được giao quyền sử dụng đất chính thức và không có khả năng đòi bồi thường.

Những người ủng hộ mậu dịch tự do trong nông nghiệp còn lo ngại việc thuê đất là những nỗ lực giành quyền sở hữu đối với sản xuất lương thực hơn là gia tăng nguồn cung cho thị trường quốc tế. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, Ed Schafer, đặt vấn đề liệu hướng đầu tư này có phải là một phương tiện để “đi đường vòng qua thị trường quốc tế và các thỏa thuận thương mại toàn cầu”.

Trẻ em Somali xếp hàng nhận lương thực cứu trợ ở ngoại ô thủ đô Mogadishu. An ninh lương thực đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trên toàn cầu – Ảnh: AFP

Các quan chức nông nghiệp châu Âu thêm rằng những nước thiếu lương thực thuộc diện nghèo, như các nước ở phía tây châu Phi, sẽ bị thiệt thòi nhất vì họ không thể đầu tư ra nước ngoài và dễ bị quật ngã vì bão giá trong bối cảnh một thị trường quốc tế bị thu hẹp.

Các thể chế đa phương như Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) trước đây khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp như một cách gia tăng sản lượng toàn cầu nhưng nay đang giật mình điều tiết lại mức độ hỗ trợ cho việc này.

Tổng giám đốc FAO, Jacques Diouf, từng kêu gọi “thỏa thuận liên doanh giữa một bên là các nước có nguồn lực tài chính và một bên những quốc gia sở hữu đất, nước và nhân lực”. Nhưng nay, ông lại phát đi lời cảnh báo về nguy cơ “xâm thực” đất nông nghiệp: “Một số thỏa thuận (giữa nước chủ nhà và phía đầu tư) đã dẫn đến những mối quan hệ quốc tế bất bình đẳng và kiểu làm nông nghiệp thương mại ngắn hạn”.

Ông Båge cũng thừa nhận có thể nảy sinh nhiều vấn đề: “Chúng ta đang nói về những quốc gia cho thuê đất mà lại gia tăng nghèo đói và chúng ta phải làm sao cho người dân bản địa được hưởng phần đầy đủ từ những chương trình này”.

Như trường hợp Sudan, một quốc gia mà hầu hết các nhà đầu tư vùng Vịnh nhắm đến khi muốn thuê đất, hiện Chương trình Lương thực thế giới đang phải tiếp lương thực cho khoảng 5,6 triệu người dân nước này. Nếu các kế hoạch đầu tư được xúc tiến, thì rõ ràng Sudan xuất khẩu sang các nước giàu trong khi dân mình khốn khổ vì thiếu ăn.

FAO đã thành lập một đội đặc nhiệm để phân tích các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến khuynh hướng thuê và cho thuê đất nông nghiệp. Ngoài quyền sử dụng đất, vấn đề cần để lại bao nhiêu lương thực thu hoạch cho nước chủ nhà cũng được tính đến. 

Các quan chức đảm trách mảng nông nghiệp và viện trợ lương thực của Liên hiệp quốc cũng lo ngại về khả năng nảy sinh tham nhũng do sự yếu kém trong điều hành ở nhiều nước châu Phi và trung Á. Họ đề nghị những dự án đầu tư vào nông nghiệp cần được quản lý bởi một khung pháp lý tương tự như giải pháp minh bạch hóa các ngành khai khoáng (EITI), cơ chế bắt buộc các nước giàu tài nguyên phải công khai doanh thu từ dầu, khí và khai thác mỏ còn các công ty đầu tư phải nêu rõ mức chi trả cho các nước này.

Nhưng một cơ chế tương tự EITI cần nhiều tháng đàm phán trong khi các quốc gia thiếu lương thực đang tỏ ra rất vội vã. Trong khi các tổ chức quốc tế bàn thảo về những rủi ro và cách phòng ngừa thì Ả Rập Saudi và những nước khác có vẻ như muốn thuê được đất trước khi vào vụ mùa tới.

TẤN LỘC – NGỌC THU

(Theo Financial Times, Wall Street Journal)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới