Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguyện ước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguyện ước

Hạnh Thư

(TBKTSG Online) – Nguyện ước của tác giả Michèle Desbordes là câu chuyện kể về mối tình của một danh họa kiêm nhà điêu khắc, kiến trúc sư bậc thầy nước Ý với người đàn bà giúp việc, không tên gọi, không tuổi tác cùng quá khứ bí ẩn, luôn nhẫn nại bên ông trong sự lặng im tuyệt đối.

Theo lời mời của đức vua Pháp, vị danh họa tài ba đã chấp nhận cùng học trò chuyển đến sống trong một lâu đài nằm dọc bên bờ sông Loire. Ở đó, có một nữ gia nhân không rõ tuổi tác, với quá khứ bí ẩn đang chờ đợi để được nhận nhiệm vụ, đó là lặng lẽ phục vụ những người chủ của mình cho đến khi họ chết. Hàng ngày, bà luôn nhẫn nại bên cạnh ông trong im lặng; suốt từ mùa này sang mùa khác, họ chỉ âm thầm thực hiện những công việc của mình mà không hay biết tự khi nào đã có một tình yêu chớm nở.

Trong gần hơn hai trăm trang sách không hề có một đoạn đối thoại nào. Các nhân vật liên hệ với nhau bằng sự im lặng gần như là tuyệt đối. Ông theo dõi bà làm việc còn bà quan sát ông vẽ tranh. Họ chỉ trao đổi với nhau bằng những ánh mắt, những nụ cười kín đáo. Và dù tác giả không hề nhắc đến tên vị danh họa kia một lần nào nhưng có thể dễ dàng nhận ra không ai khác, ông chính là thiên tài toàn năng người Ý: Leonardo da Vinci.

Như vậy, dựa trên những sự kiện có thật, Michèle Desbordes đưa người đọc trở về với những năm tháng cuối đời của vị danh họa lỗi lạc khi ông chấp nhận lời mời của vua François I tới phục vụ triều đình Pháp.

Giữa hai nhân vật là những vách ngăn vô hình. Ông là người chủ, còn bà chỉ là phận tôi tớ. Ông là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, kỹ sư nổi tiếng, còn bà chẳng được học hành tử tế. Ông đã từng đi qua biết bao miền đất lạ, còn bà chưa bao giờ đặt chân ra khỏi dòng sông này. Hơn thế nữa, cả hai đều đã ở độ tuổi mà sắp phải gần đất xa trời. Chính những khác biệt rõ rệt đó cùng với định kiến của thời đại đã ngăn không cho hai con người đến được với nhau. Nhưng nguyện ước cuối cùng của bà đã khiến người đọc sửng sốt. Sau khi chết, bà vẫn xin được tiếp tục phục vụ ông bằng cách hiến dâng cơ thể mình cho những nghiên cứu về giải phẫu học đang còn dang dở của ông.

Nguyện ước đã giành được nhiều giải thưởng và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Đức, Ý, Hà Lan,…

Sách do Nguyễn Giáng Hương dịch, NXB Hội Nhà văn ấn hành với giá bìa 30.000 đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới